Vòng đời mỗi doanh nghiệp thường phải trải qua ít nhất 4-5 giai đoạn lớn: 1. Xây dựng; 2. Phát triển; 3. Trưởng thành; 4. Sau Trưởng thành (Chuyển giao thế hệ) và 5. Trường tồn. Giao thời của mỗi giai đoạn thường có một cuộc khủng hoảng (ngày càng lớn hơn), mỗi cuộc khủng hoảng là một thử thách, doanh nghiệp sẽ đi tiếp nếu vượt qua được, bằng không sẽ bị đào thải và không còn tồn tại.
Giai đoạn 1: Khởi nghiệp
Trong vòng 1 năm sau những hứng khởi start-up, doanh nghiệp thường đón nhận những khủng hoảng về ý tưởng, đường lối, vốn liếng… đây là cuộc khủng hoảng đầu tiên (đầu đời) của doanh nghiệp, nếu gặp môi trường thuận lợi thì 80% tồn tại, còn nếu gặp môi trường khắc nghiệt thì 80% ra đi và 20% đi tiếp.
Giai đoạn 2: Phát triển
Lúc này doanh nghiệp được coi như đã được “cai sữa”, bắt đầu gặp nhiều khó khăn, có thể xảy ra nhiều khủng hoảng liên tục bao gồm thiếu vốn, thiếu nhân sự, thiếu ý tưởng, thiếu kinh nghiệm… một số bỏ cuộc, một số vượt qua được để đi tiếp.
Giai đoạn 3: Trưởng thành
Doanh nghiệp đã đạt được một số thành công nhất định hoặc đỉnh cao, khỏe khoắn hơn hẳn và hết sức phấn chấn. Lúc này bắt đầu các cuộc tranh cãi về ý tưởng phát triển đến phân chia công trạng và lợi ích, một số có thể nặng nề với công thần… góp lại thành cuộc khủng hoảng gay gắt mà nhiều khi dẫn đến sự tan vỡ…
Sẽ có 3 lựa chọn: cùng nhau đoàn kết lại để đi tiếp và vượt qua hoặc nhiều khả năng nhất là tách nhau ra, mỗi người đi tiếp theo một ngả hoặc “giải tán”. Người ta thường nói “nghèo đó thì có nhau, khi giàu có thì từ mặt nhau”.
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam có được giai đoạn 2 và 3 trùng hợp với giai đoạn vận động mạnh mẽ của toàn xã hội và cũng là giai đoạn phát triển nóng của cả nước nên hết sức thuận lợi. Hầu như làm gì cũng “thắng”, kinh doanh gì cũng có lãi đến mức rất ít doanh nghiệp quan tâm đến “quản trị hiệu quả” hoặc suy tính đến giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 4: Chuyển giao thế hệ
Là giai đoạn sau khi doanh nghiệp đã đạt được một đỉnh cao trưởng thành, thỏa mãn với thành công, phát triển ồ ạt, phình to cho đến khi bắt đầu trì trệ, không kiểm soát nổi, cảm thấy sự già cỗi đến bất lực (tay với nhưng chân không nhấc lên được…), càng nặng nề thì càng khó vượt qua để phát triển tiếp được.
Đây được gọi là giai đoạn “Sau trưởng thành” nhưng bản chất nó là giai đoạn “chuyển giao thế hệ”. Khái niệm “chuyển giao thế hệ” không thực sự là sự chuyển giao giữa thế hệ cha và con của lãnh đạo (chủ doanh nghiệp) nhưng nhiều khi nó lại là sự trùng hợp tất yếu hoặc ngẫu nhiên.
Thực chất “Chuyển giao thế hệ” là một cuộc “tái cấu trúc” lớn nhất trong cuộc đời doanh nghiệp, là “cuộc mổ xẻ lớn” nhằm thay đổi ý thức hệ, thay đổi cả hệ tư tưởng về tổ chức và kinh doanh, tạo ra thế hệ mới (trẻ hóa đội hình) với khí thế mới,… đưa doanh nghiệp thoát khỏi sự trì trệ và sự lão hóa tất yếu để đạt đến sự “trường tồn”. Nếu không vượt qua được thì người ta gọi là “chết sinh học” (theo đúng quy luật).
Khủng hoảng “Chuyển giao thế hệ” thường là cuộc khủng hoảng nặng nề nhất, ở đây người ta sẽ không nói đến thành công hay thất bại nữa mà là “vượt qua để sống hay là chết”.
Giai đoạn 5: Trường tồn
Khi đã trở thành doanh nghiệp đại chúng, có thể được coi là trường tồn (nhưng không có nghĩa là bất tử nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0). Ở giai đoạn này, thường được kể đến những cuộc khủng hoảng lớn hoặc mang tầm ảnh hưởng lớn (con ruồi của Number 1), nhưng khả năng bị diệt vong là rất nhỏ.
Nhận biết bản chất của các cuộc khủng hoảng của các giai đoạn có thể giúp doanh nghiệp dũng cảm đối diện với thực tế để quyết định những bước cải tổ, “chữa trị” quan trọng mặc dù có thể “đau thương” nhằm mang lại “cuộc sống” lành mạnh nhất cho mình.
Lê Ngọc Quang