Từ đầu năm tới nay, chúng ta đang chứng kiến Đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Chúng ta đồng thời cũng chứng kiến những sự tiến triển và hậu quả khác nhau do những cách ứng xử khác nhau của mỗi nước.
Tại đây chúng ta hãy nhìn thẳng thắn vài sự việc và phân tích sự việc với nhãn quan “Quản trị rủi ro” và khả năng áp dụng đối với các doanh nghiệp.
Nhận diện rủi ro
Ngay từ khi có vài chục trường hợp tại Vũ Hán hồi đầu tháng 1/2020, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức đây “có thể” là một vấn đề nghiêm trọng và cần theo dõi và chuẩn bị phản ứng. Việt Nam đã ứng xử một cách thận trọng và nghiêm túc để nhận biết đó là một rủi ro và nguy cơ đối với đất nước.
Một số nước Châu Á đã bắt đầu để ý đến sự việc và chuẩn bị ứng phó, trong khi các nước Âu-Mỹ bỏ qua, không có sự quan tâm và không cho đó là rủi ro (có thể vì lý do địa lý).
Bài học: Nhận biết rủi ro một cách khách quan để có thể ứng xử với nó một cách nghiêm túc là một bước hết sức quan trọng ban đầu để không bị bất ngờ khi rủi ro trở thành nguy cơ hoặc hiện hữu.
Đánh giá rủi ro
Việt Nam đã nhìn nhận ngay tính nguy hiểm của dịch bệnh này do sự phát tán nhanh chóng và tính “giết người” của nó nên cũng là một trong những nước đầu tiên có thể phân lập được virus corona để nghiên cứu.
Đánh giá đúng rủi ro và lường sức mình đã giúp cho Việt Nam tìm được phương cách đối phó phù hợp nhất trong hoàn cảnh “thiếu tiềm lực” với vị trí địa lý sát nách với rủi ro của mình nên là bước đầu quan trọng nhất để tránh được bị “đánh gục” ngay từ khi ra quân.
Trong khi bệnh dịch đã tiến triển nguy hiểm thời điểm tháng 2/2020 thì các nước Âu-Mỹ vẫn hết sức coi thường kể cả kỳ thị, không hề có sự đánh giá rủi ro hoặc không để ý đến nó (vì bận bịu việc phát triển kinh tế). Đến khi dịch bệnh ập đến thì họ không hề có sự chuẩn bị và hoàn toàn bối rối, “vỡ trận”, phản ứng theo phản xạ tự nhiên đến mức chỉ lao vào xử lý phần ngọn mà không thể nhìn thấy gốc.
Bài học:Phải đánh giá đúng mỗi rủi ro thì mới có cơ sở để ứng phó đúng đắn đối với rủi ro đấy. “Biết địch biết ta”, chuẩn bị chiến trường là khâu quyết định để có thể chiến thắng hay chiến bại ở mọi lĩnh vực và hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp.
Ứng phó rủi ro
Việt Nam đã có những bước chuẩn bị nên đã có những biện pháp rất hiệu quả để đương đầu với khủng hoảng đúng theo phong cách của mình. Việt Nam đã vận dụng rất bài bản công thức F1, F2, F3 đến tận F4 để khoanh vùng và cô lập rủi ro và cuối cùng đã chứng minh các phương pháp phòng chống như “khẩu trang”, “cách ly” vẫn là hiệu quả và “rẻ tiền” nhất.
Phải có nhiều kịch bản để ứng phó ở nhiều cấp độ “sự cố” khác nhau, từ mức độ thiệt hại, khủng hoảng cho đến thảm họa và thảm khốc… Đến một mức độ nào đó người ta sẽ phải “chấp nhận rủi ro” (risk acceptance) khi không thể chống đỡ được hoặc phải chấp nhận nó để “làm lại từ đầu”…
Vì không có sự chuẩn bị hoặc chậm trễ trong việc ứng phó, các nước phát triển Âu-Mỹ đã hoàn toàn bị động, hết bất ngờ này đến bất ngờ khác đến mức không thể xem xét được các mức độ “ưu tiên”, giải quyết sự vụ như việc xảy ra “chiến tranh khẩu trang”. Từ khi khởi xướng “miễn dịch cộng đồng” cho đến khi buộc phải thả nổi đã cho thấy sự “chấp nhận rủi ro” do không còn khả năng ứng phó một cách rõ ràng.
Bài học: Ứng phó rủi ro là một “môn khoa học” từ các khâu lập kịch bản đến kế hoạch ứng phó khủng hoảng hay thảm họa cho đến kế hoạch phục hồi kinh doanh… đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự vào cuộc nghiêm túc nhất của các cấp lãnh đạo cao nhất.
Kiểm soát rủi ro
Rủi ro luôn rình rập chúng ta nhưng lại rất ít khi xảy ra, nó lại thường xảy ra một cách bất ngờ và không bao giờ báo trước, nhưng khi chúng ra ít có sự chuẩn bị (chủ quan) thì nó mang lại hậu quả vô cùng to lớn.
Nếu rủi ro luôn có sự kiểm soát, cảnh báo nguy cơ thì chúng ta có thể có những bước chuẩn bị ứng xử một cách thỏa đáng như đã nói trên. Ngược lại nếu chỉ coi nó một cách hời hợt hoặc hình thức để đối phó cho qua đi thì hậu quả sẽ khôn lường.
Bài học chung: Khoa học “quản trị rủi ro” đã được bắt nguồn từ phương Tây nhưng nếu chính phương Tây đã lơ là thì hậu quả mang đến nó không loại trừ bất cứ ai, hay nền văn minh nào. Bài học “quản trị rủi ro” luôn có giá trị cho bất cứ ai, bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào và lớn hơn là bất cứ xã hội hay nhà nước nào.
Lê Ngọc Quang