Thuê quản trị dự án ERP – Sao không?

Quản trị tốt dự án (DA) triển khai giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) chiếm đến hơn 40% khả năng thành công của DA.

Vai trò của quản trị viên dự án ERP

Khi DN đã kí xong hợp đồng và bắt đầu bước vào công việc triển khai, việc đầu tiên làm là tổ chức đội ngũ triển khai DA và xác định người giữ vai trò quản lí DA. Người quản trị dự án (QTDA) sẽ trực tiếp điều hành triển khai DA, làm việc trực tiếp với QTDA phía đối tác triển khai (bên B) và báo cáo cho ban chỉ đạo DA, thường là các cấp cao nhất của DN. Bản thân người QTDA không nhất thiết phải tham gia 100% thời gian vào DA. Tùy từng giai đoạn, người QTDA sẽ tham gia nhiều hay ít, mức độ thường từ 70%-100% cho mỗi giai đoạn.

Chọn quản trị dự án có ảnh hưởng lớn tới sự thành công của dự án ERP

Phần lớn công việc QTDA là lập kế hoạch tổng thể/chi tiết các giai đoạn và điều phối nguồn lực của DN trong việc phối hợp với đối tác bên B để triển khai DA. Bên cạnh đó là việc xác lập các kết quả đạt được của từng giai đoạn.

Thông thường, khi lựa chọn người QTDA, DN hay gắn công việc với nghiệp vụ tin học nên cử phụ trách bộ phận tin học mà không gắn theo công việc chung. Điều này dễ dẫn đến việc QTDA khó khăn khi điều phối các nguồn lực không thuộc bộ phận mình phụ trách, gây chậm tiến độ triển khai, thậm chí là bế tắc.

Quá trình triển khai DA ERP thường chia ra thành các giai đoạn: chuẩn bị DA, xây dựng quy trình nghiệp vụ, kiểm thử hệ thống, chuyển đổi hệ thống, vận hành hệ thống. Trong mỗi giai đoạn nhỏ, người QTDA bên A sẽ phối hợp cùng QTDA bên B lập các kế hoạch chi tiết, đánh giá các thay đổi và ảnh hưởng của thay đổi lên kế hoạch tổng thể. Để đảm bảo tiến độ, quản trị viên DA bên A cần luôn sát sao, đốc thúc các thành viên của DA hoàn thành công việc của mình từng ngày, từng buổi, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi hệ thống.

Khi hệ thống vận hành, người QTDA bên A sẽ tiếp nhận các công việc của bên B. Điều này sẽ đặc biệt khó khăn khi đội tư vấn triển khai rút dần các nguồn lực hỗ trợ. Bản thân người QTDA bên A phải lập và thực thi một kế hoạch rất chi tiết trong việc tiếp nhận và chuyển giao, nhằm đảm bảo hệ thống có thể tự vận hành một cách trơn tru.

Có nên thuê QTDA?

Thuê QTDA ERP không khác nhiều so với thuê quản lí các DA khác như DA xây dựng cơ bản, DA lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn… Sớm hay muộn, dịch vụ này cũng sẽ trở nên phổ biến cùng với tốc độ ứng dụng ERP tại Việt Nam.

Trên thực tế, DN không phải không có người đủ năng lực làm QTDA, mà vấn đề ở chỗ người có thể làm QTDA thường ở các vị trí cao (là tổng hoặc phó tổng giám đốc). Những người này thường tham gia với vai trò lãnh đạo DA nhiều hơn là tham gia QTDA vì quỹ thời gian eo hẹp. Vì thế thay vì gán trưởng nhóm nghiệp vụ (tài chính kế toán) hoặc trưởng bộ phận tin học vào vị trí này, DN có thể lựa chọn giải pháp thuê QTDA bên ngoài.

Lợi ích của việc thuê QTDA là giúp giảm bớt sự kiêm nhiệm trong nội bộ DN, đồng thời đảm bảo sự chuyên nghiệp khi triển khai. Tuy nhiên, nhược điểm khi thuê ngoài là người ngoài tổ chức nên ít nhiều sẽ không gắn với văn hóa DN. Thậm chí còn gây ra chống đối “ngầm” từ bên trong với tâm lí “người ngoài vào lãnh đạo”. Vì vậy, trước khi quyết định thuê ngoài, DN cần đạt sự quyết tâm cao làm ERP cũng như thống nhất quan điểm thuê ngoài trong nội bộ lãnh đạo.

Thiếu nguồn cung QTDA

Hiên nay, ở Việt Nam chỉ một số ít công ty cung cấp QTDA ERP thuê ngoài. Các đơn vị tư vấn mới chỉ thực hiện các công việc liên quan tới tư vấn dựng đầu bài, tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát… Sở dĩ có thực tế này là do lực lượng QTDA ERP hiện nay còn quá mỏng, nhất là những người có kinh nghiệm triển khai thành công DA tại Việt Nam. Không chỉ vậy, các DA ERP có quy mô lớn trên toàn quốc, đa ngành nghề còn ít nên chỉ có số ít QTDA trải nghiệm công việc ở mức độ phức tạp cao.

Một lựa chọn khác là thuê từ công ty nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ… Các QTDA tại công ty ở nước ngoài đều có tính chuyên nghiệp rất cao và khả năng tổ chức công việc tốt. Tuy vậy họ có rào cản về ngôn ngữ và hạn chế hiểu biết quy định đặc thù của Việt Nam.

Việc thuê ngoài QTDA không chỉ giải quyết vấn đề sử dụng đúng người, đúng việc trong DN, mà còn đảm bảo tính thành công khi triển khai DA. Với QTDA chuyên nghiệp, DN không những đảm bảo DA đưa vào đúng tiến độ mà còn tiết kiệm chi phí phát sinh khi có thay đổi hay do DA chậm tiến độ.

STT Chức danh Vị trí Trách nhiệm DN trong giai đoạn kiểm tra (Test) nghiệm thu Thời gian
1
Giám đốc DA (Trưởng ban chỉ đạo DA) Giám đốc DA/người được ủy quyền – Phê duyệt kế hoạch giai đoạn và điều động nhân sự
– Quyết định thành lập đội kiểm thử hệ thống
– Phê duyệt kết quả nghiệm thu sau kiểm thử
5h/tuần
2
QTDA QTDA/người được ủy quyền (70%-100% cho mỗi giai đoạn) – Phối hợp với đội triển khai lập kế hoạch cho giai đoạn
– Xem xét kế hoạch chi tiết do đội triển khai lập
– Điều phối công việc giữa đội triển khai và các nhóm nghiệp vụ của DN
– Phân công công việc, làm rõ trách nhiệm của các cán bộ tham gia test nghiệm thu
– Tập hợp và xác nhận kết quả kiểm thử
30h/tuần
3
Trưởng nhóm nghiệp vụ Trưởng các nhóm nghiệp vụ (TCKT, mua hàng, bán hàng, quản lý kho, quản lý SX) – Đề xuất danh sách tham gia kiểm thử trong phạm vi nhóm, trình giám đốc DA phê duyệt..
– Chuẩn bị các công việc cho test nghiệm thu: Hiểu kỹ nghiệp vụ mới, chuẩn bị dữ liệu test để kiểm thử chương trình
– Điều phối công việc trong nhóm
– Xác nhận kết quả kiểm thử
30h/tuần
4
Nhóm nghiệp vụ Các nhóm nghiệp vụ (TCKT, mua hàng, bán hàng, quản lý kho, quản lý SX) Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do trưởng nhóm quy định: hiểu kỹ nghiệp vụ mới, chuẩn bị dữ liệu kiểm thử… 30h/tuần
5 Nhóm tin học – kỹ thuật – hạ tầng Cán bộ tin học (IT) Chuẩn bị môi trường theo tài liệu mô tả hạ tầng kỹ thuật, phối hợp cùng đội triển khai cài đặt hệ thống cho test nghiệm thu 10h/tuần
Công việc của các nhóm triển khai DA ERP

( Theo PCW )

Bình luận