Quản trị doanh nghiệp: Xu thế ứng dụng nào lên ngôi?

Theo ông Nguyễn Quang Khải – kiến trúc sư trưởng giải pháp (GP) SAP, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có nhu cầu cao về GP quản lí nhân viên di động.

TGVT B: DN Việt Nam ngày càng quan tâm tới các GP quản lí DN như Hoạch định nguồn lực DN (ERP), Quản lí quan hệ khách hàng (CRM), Quản trị DN thông minh (BI)… Nhưng dường như triển khai các GP này không dễ dàng. Theo ông, khó khăn mà DN gặp phải là gì?

Ông Nguyễn Quang Khải: Triển khai các GP quản lí DN đòi hỏi những yếu tố sau: Sự nhiệt tình và quyết tâm triển khai của lãnh đạo và toàn thể DN; Đối tác triển khai có uy tín, trình độ chuyên môn cao; GP phù hợp với hoạt động và ngành nghề kinh doanh của DN.

Theo quan điểm của chúng tôi, yếu tố đầu tiên quan trọng nhất và khó đáp ứng nhất. Vì khi triển khai một GP, DN đòi hỏi những thay đổi nhất định trong tổ chức. Những nhà quản lí cần hiểu được rằng thay đổi là cần thiết.

Thông thường, khi hai yếu tố cuối được đáp ứng, chúng sẽ tác động tích cực đến yếu tố thứ nhất. Một khi bạn có đối tác triển khai uy tín, GP được công nhận, khách hàng sẽ tin tưởng hơn, nhiệt tình hơn và tâm huyết hơn.

Theo ông, DN Việt Nam nên triển khai các GP quản lí DN theo cách nào để vừa đảm bảo thực tế phát triển, vừa tiết kiệm đầu tư?

Các DN Việt Nam cần phải xác định những thách thức kinh doanh mà họ sẽ phải đối mặt và những lợi ích sẽ nhận được khi triển khai GP mới. Với những dự án có quy mô nhất định, DN cần làm việc chặt chẽ trước với nhà cung cấp. Dựa trên tình huống kinh doanh chi tiết, hai bên sẽ cùng phân tích các thách thức kinh doanh, sự sẵn sàng, các bộ phận cần cải tiến và lợi ích có thể đạt được thông qua dự án.

Ngoài những nhu cầu hiện thời, DN cũng cần những dự án có tầm nhìn 5 năm, 10 năm hoặc hơn thế. Những dự án này thường đòi hỏi phải đầu tư lớn. Việc tích hợp thủ công thêm vài GP bổ sung có thể khiến nền tảng CNTT của DN phức tạp và tốn kém. Vì vậy, DN nên lựa chọn một GP nền tảng cho toàn bộ hệ thống. GP phải đồng thời cho phép mở rộng quy mô và tăng trưởng kinh doanh tốt hơn.

Theo ông, ứng dụng GP quản trị DN tại Việt Nam đang đi theo xu hướng nào?

Nhu cầu CNTT khác biệt theo từng ngành nghề. Đối với ngành ngân hàng/tài chính, các DN cần một hệ thống quản lí quan hệ khách hàng (CRM) mạnh mẽ để hỗ trợ họ tung ra nhiều sản phẩm ngân hàng cá nhân hơn. Trong ngành viễn thông, sau khi 3G đã được ứng dụng tại Việt Nam, các nhà cung cấp mạng viễn thông sẽ chú trọng hơn đến cơ sở hạ tầng và các GP tính cước hội tụ, giúp họ chăm sóc khách hàng, đưa ra dịch vụ mới, các chương trình khuyến mãi nhanh chóng hơn. Còn các DN lớn có thể quan tâm tới các hệ thống GRC (Governance Risk and Compliance – quản lí nội bộ, tuân thủ pháp lí và hạn chế rủi ro).

Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn trong các ứng dụng quản lí nhân viên di động, bởi ngày càng có nhiều DN Việt Nam tìm kiếm những GP này. Với sự tiếp sức của điện toán đám mây, chắc chắn các ứng dụng CRM theo yêu cầu (CRM on-demand) sẽ bùng nổ trong một vài năm tới ở Việt Nam.

Và cuối cùng, trí tuệ DN (BI) sẽ là làn sóng CNTT mới. Các DN đã thiết lập hệ thống tự động hóa nội bộ back-office sẽ cần GP giúp truy vấn, tìm kiếm, tổng hợp và phân tích dữ liệu, biến dữ liệu thành thông tin để phục vụ cho các quyết định kinh doanh.

( Theo PCW )

Bình luận