(TBVTSG) – Không phải ngẫu nhiên mà gần đây việc đầu tư cho ERP đã khởi sắc trở lại với hàng loạt dự án lớn được công bố. Đó là hệ quả tất yếu của thị trường, bởi sau khi đối mặt với khủng hoảng, doanh nghiệp buộc phải rà soát quy trình để tối ưu hóa các nguồn lực, và họ nhận ra rằng các ứng dụng CNTT là một công cụ hữu hiệu.
Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư Nova (Nova Group) đã khởi động dự án quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) của Oracle trị giá 2 triệu đô-la Mỹ, trở thành dự án đầu tư cho ERP lớn nhất trong khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đến nay.
Các công ty Dược Cửu Long, Dược Sài Gòn cũng đã trở thành những doanh nghiệp dược trong nước đầu tiên triển khai ERP. Ngoài ra, còn có rất nhiều doanh nghiệp công bố triển khai dự án ERP trong năm nay như Xi-măng Hải Vân, Dệt Thành Công, REE, Én Việt, Địa ốc Hòa Bình, Casumina, Nhựa Đại Đồng Tiến…
Có thể nói số dự án ứng dụng ERP công bố trong năm nay đã xấp xỉ con số của nhiều năm trước cộng lại. Hiện nay, tuy chưa có những đánh giá độc lập về tính hiệu quả của các dự án ERP ở Việt Nam trong giai đoạn đầu nhưng rõ ràng về quy mô, thị trường đang tăng khá nhanh.
Miếng bánh đang lớn nhanh
Theo ông Ngô Đức Chí, Tổng giám đốc Global CyberSoft (GCS), ERP dù đã phổ biến trên thế giới từ những năm 1990, nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới, doanh nghiệp vẫn còn nghi ngại về lợi ích khi triển khai ứng dụng ERP.
Theo ông Chí, từ giữa năm 2008, khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh đến doanh nghiệp. Việc thiếu các công cụ quản trị hệ thống đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải đối đầu với khó khăn vì xoay trở chậm với những biến động. Từ đó, doanh nghiệp bắt đầu nhận thấy cần phải có hệ thống tiên tiến để tích hợp thông tin và quản lý xuyên suốt.
“Thực tế này đã tác động đến thị trường. Bây giờ chính là thời điểm doanh nghiệp quan tâm sâu sắc hơn đến các hệ thống quản trị. Có thể nói thời gian qua chỉ ở giai đoạn khởi động, thị trường ERP sẽ phát triển nhanh từ năm 2010”, ông Chí dự báo.
Có thể nói 2009 là năm khá thành công của FPT với hàng loạt các dự án ERP lớn được khách hàng ký kết triển khai. Ông Bùi Triệu Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty dịch vụ ERP FPT tại TP.HCM, cho biết năm 2008 hàng loạt các dự án lớn đã bị dừng vô thời hạn do doanh nghiệp ưu tiên đối phó với khủng hoảng.
“Nhưng bước sang năm nay tình hình đã phục hồi nhanh chóng. FPT vẫn kiên trì đầu tư vào mảng ERP bất chấp những khó khăn, và dự kiến năm nay doanh thu từ mảng ERP của FPT sẽ tăng gấp đôi so với năm trước”, ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh những tên tuổi lớn, kiên trì đeo đuổi thị trường này một cách dài hơi như Pythis, FPT, Diginet, thì ngày càng có nhiều nhà tư vấn triển khai mới gia nhập hoặc trở lại tham gia vào phân khúc thị trường này như Gimasys, Vietsourcing, WorldSoft, HPT, CMC… Ngoài SAP, Oracle, Microsoft, ExactSoftware có mặt khá sớm, thì nhiều nhà cung cấp mới như Epicor, Infor, Sage… cũng đã vào Việt Nam.
Mới đây, Epicor Software đã chọn DiCentral, cũng là một công ty Mỹ, làm đối tác triển khai với lời tuyên bố tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Theo ông Bryan Tan, Phó chủ tịch kinh doanh Epicor khu vực châu Á, Việt Nam tất sẽ phải chuyển đổi từ nền sản xuất hàng hóa giá rẻ thành nơi sản xuất hàng hóa chất lượng.
“Điều này sẽ kéo theo nhu cầu hoàn thiện về chuỗi cung ứng, đầu tư cho công nghệ để nâng cao hiệu suất và hỗ trợ cho các hoạt động tăng trưởng của doanh nghiệp. Vì vậy, Epicor đánh giá việc tham gia thị trường Việt Nam ở thời điểm này là phù hợp”, ông Bryan Tan nhận định.
Theo ông Tuấn, thị trường ERP của Việt Nam tương đối nhỏ và mới so với thế giới, vì vậy giai đoạn hiện nay FPT sẽ tập trung vào những công ty hàng đầu của từng ngành hàng, từng lĩnh vực hoạt động. Chiến lược dài hạn chắc chắn sẽ tập trung vào các lĩnh vực FPT có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh triển khai.
Trong khi đó, ông Chí cũng cho biết GCS đã nhận định xu hướng của thị trường và chuẩn bị nguồn lực từ nhiều năm trước. Sau khi trở thành đối tác của SAP, GCS tận dụng kinh nghiệm trong việc thực hiện giải pháp kỹ thuật về tự động hóa sản xuất cho khách hàng quốc tế để thâm nhập thị trường trong nước. Hiện GCS tận dụng lợi thế này vào việc triển khai giải pháp tích hợp hệ thống thực thi sản xuất (MES) với hệ thống ERP cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nỗi lo về nguồn lực
Miếng bánh ERP lớn nhanh thì những nỗi lo của doanh nghiệp cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận. Kết quả khảo sát tình hình ứng dụng ERP 2008 toàn cầu được tập đoàn tư vấn Panorama công bố năm 2008 cho thấy, thách thức lớn nhất trong lĩnh vực này vẫn là thiếu hụt nhân sự từ cả hai phía, nhà cung cấp dự án và doanh nghiệp, hoặc cụ thể hơn là sự thiếu hụt kiến thức chuyên môn về ERP. Đây cũng là thách thức lớn nhất của thị trường Việt Nam nếu như độ lớn của thị trường ERP tăng nhanh trong năm tới.
Theo ông Tuấn, FPT dù phát triển nhanh nhưng cũng chỉ mới đạt những kết quả ban đầu so với mục tiêu dài hạn trong mảng thị trường đầy tiềm năng và rất khó khăn này. Với mục tiêu tăng trưởng 100% về doanh số và nguồn lực hằng năm, FPT phải phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp SAP và Oracle tập trung vào việc phát triển mở rộng thị trường ERP Việt Nam.
Các nhà cung cấp muốn gia tăng vị thế cũng phải thông qua đối tác để tận dụng kiến thức chuyên sâu về thị trường nội địa và có các hoạt động hỗ trợ để “địa phương hóa” giải pháp cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng phải tăng cường kết hợp để đào tạo nguồn lực chuyên biệt.
Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận, trên thực tế hiện nay các công ty triển khai đang quá tải do nguồn lực tư vấn có kinh nghiệm thiếu hụt trầm trọng.
Việc quá tải này là hệ quả của việc “nhảy việc” qua lại giữa các công ty của các chuyên viên tư vấn và như vậy việc cam kết nguồn lực ổn định từ đầu cho đến khi kết thúc dự án ERP của các nhà cung ứng dịch vụ không được bảo đảm, dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình triển khai cho khách hàng.
FPT phải đối phó bằng cách giữ chân lực lượng tư vấn chủ chốt có nhiều kinh nghiệm đồng thời thành lập Trung tâm đào tạo tư vấn ERP nhằm bổ sung lực lượng tư vấn triển khai ERP theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng kịp thời cho những dự án của FPT. Hiện đã có bốn khóa đào tạo ở TP.HCM.
Theo ông Quang Nguyễn, cố vấn Công ty tư vấn VinaConsulting, những công bố của doanh nghiệp ứng dụng gần đây cho thấy khu vực này tăng trưởng khá nhanh. Sau khi đã ổn định với việc đối phó với khủng hoảng kinh tế từ cuối năm 2008, các doanh nghiệp nhận ra rằng trong thời gian này cần phải củng cố hoạt động, chuẩn bị quy trình làm việc để tối ưu hóa các nguồn lực.
Doanh nghiệp đã nhận thấy được các ứng dựng CNTT là một công cụ hữu hiệu. Chính vì vậy, đã có nhiều công bố về các dự án ứng dụng CNTT trong thời gian gần đây. Vào thời kỳ tiền khủng hoảng với sự phát triển nhanh chóng, các doanh nghiệp thường thờ ơ với việc tối ưu hóa các nguồn lực, nên các ứng dụng CNTT không được quan tâm đúng mức. Những dự án CNTT này sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế phát triển trở lại trong giai đoạn tới.
Nhưng sự thành công trong việc triển khai ERP luôn phụ thuộc vào hai yếu tố: năng lực của nhà triển khai và nguồn lực nội tại của doanh nghiệp. Sự thiếu thốn nguồn lực cần thiết cho dự án có thể sẽ mang lại những hệ quả tiêu cực đối với việc ứng dụng ERP tại Việt Nam trong tương lai gần.
Khi các dự án bị trì trệ, khách hàng không nghiệm thu được, hoặc không đánh giá đúng được kết quả dự án, uy tín về phần mềm ERP cũng sẽ bị giảm sút đáng kể. Trước khi có một thị trường trưởng thành thì chắc chắn sẽ có những sự biến động hoặc thu hẹp thị phần hoặc những dự án bị thất bại trong tương lai gần.
“Sự thiếu thốn các nhà triển khai có kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam làm cho nỗi lo về chất lượng của dự án tăng lên ngay trong thời gian này và uy tín của mảng ERP trong tương lai là điều mà các doanh nghiệp và nhà cung cấp cần quan tâm sớm”, theo ông Quang Nguyễn.
(Theo Kinh tế Sài Gòn)