Thị trường ERP: Sẽ hụt hơi về nguồn nhân lực?

Thị trường ứng dụng ERP (giải pháp tổng thể quản lí nguồn tài nguyên doanh nghiệp) đang có những chuyển biến tích cực tại khu vực DN.

Và thị trường dịch vụ CNTT VN trong 5 năm tới sẽ phát triển mạnh, đứng thứ 2 khu vực Châu Á-TBD chỉ sau Ấn Độ. Đây là nhận định của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG

Tăng trưởng mạnh

Từ đầu năm 2007, thị trường ERP Việt Nam bắt đầu được làm nóng. Nhưng phải đến khi SAP (mệnh danh là nhà cung cấp giải pháp ERP số 1 thế giới) có những bước đi rõ ràng hơn (như chỉ định hàng loạt đối tác triển khai tại VN, chuyển giao chương trình đào tạo về SAP cho ĐH Quốc gia TPHCM…) thì thị trường ERP VN mới bắt đầu sôi động.

Sự cạnh tranh trên thị trường này đã được khởi động với hai đối thủ ngang tầm ngang sức là Oracle và SAP.

Trên thực tế, giải pháp ERP bán ra trên thị trường đã không còn dành ưu thế cho Oracle về tỉ trọng gần như tuyệt đối trước đây. Số DN ứng dụng giải pháp của SAP ngày càng nhiều lên.

Một phần, sau khi SAP chỉ định xong 5 đối tác triển khai tại VN trong năm 2007, các hợp đồng triển khai SAP đã tăng lên. Mới đây nhất, ngày 24.4, Cty CP liên doanh Segmenta – CMC (SE-CMC Corp.) chính thức ra đời, nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn giải pháp ERP của SAP. Đây là liên doanh giữa CMC Corp. và Segmenta A/S, hãng cung cấp giải pháp ERP của SAP hàng đầu Đan Mạch.

Ông Trần Trọng Nghĩa-GĐ Trung tâm FPT-IS ERP tại TPHCM-cho biết, trong ba tháng rưỡi đầu năm 2008 trung tâm này đã ký kết triển khai giải pháp ERP cho 6-7 DN, tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2007 về cả số lượng và doanh số.

Một nhân viên kinh doanh về ERP cho biết, mỗi hợp đồng triển khai giải pháp của Oracle thường có giá trị từ 200 nghìn-400 nghìn USD. Song hợp đồng triển khai giải pháp của SAP có giá trị lớn hơn, từ 400 nghìn USD cho đến cả triệu USD.

Khoảng 4 năm về trước, Pythis là Cty triển khai giải pháp ERP cho Oracle số 1 VN. Tuy nhiên 4 năm trở lại đây, FPT đã vượt lên dẫn đầu với tổng số giải pháp đã triển khai cho hơn 40 DN. Có những DN giai đoạn đầu ký hợp đồng với Pythis (Vinamilk), nhưng giai đoạn 2 đã đến với FPT.

Nguồn nhân lực sắp cạn?

Oracle đã bám rễ vào VN hơn mười năm cho nên hãng này đang dẫn đầu thị phần ERP tại VN. Số khách hàng của của FPT và Pythis ứng dụng giải pháp Oracle đều đang chiếm trên 50%, thậm chí lên đến 70%, khiến cho nguồn nhân lực để triển khai giải pháp Oracle bị căng ra.

Một nguồn tin cho rằng, bộ phận ERP của FPT khoảng 350 người nhưng chỉ có hơn 200 người có chuyên môn triển khai phần mềm. Tuy nhiên ông Nghĩa cho rằng, 350 người đều có thể tham gia tư vấn triển khai giải pháp.

Nguồn tin cho biết, chi phí triển khai, tư vấn ERP thường gấp hai, ba lần giá trị phần mềm. Mỗi hợp đồng triển khai ERP ít nhất có 5 phân hệ, mỗi phân hệ cần từ 1-2 người tư vấn triển khai phần mềm.

Đối với thông tin cho rằng FPT-IS ERP sắp cạn nguồn nhân lực triển khai giải pháp Oracle sau hợp đồng vừa kí kết với Cty LD Hạt giống Đông Tây, ông Nghĩa cho rằng nguồn nhân lực vẫn còn có thể đáp ứng cho nhiều hợp đồng khác.

HPT, vừa nhảy vào thị trường ERP, mới ký hợp đồng đầu tiên triển khai giải pháp Oracle với Cty Lucky, cũng đang có nguồn nhân lực khiêm tốn vài chục người.

Trong khi đó, Pythis đã từng bị một số khách hàng phàn nàn vì nhân sự tư vấn triển khai cho các khách hàng có những biến động.

Ngoài ra, một số người từng làm cho Pythis “kêu” về cách đối xử với nhân viên của Công ty này.

Nguồn nhân lực triển khai giải pháp của SAP đang còn nhiều. Các đối tác mới của SAP như Global CyberSoft, FCG được cho rằng có đội ngũ tư vấn triển khai lên đến vài trăm người. Sự thuận lợi của các đơn vị này là xuất phát từ DN gia công phần mềm, qua nhiều năm tác nghiệp có nhiều kinh nghiệm, và được đào tạo thêm nên thuận lợi hơn khi chuyển sang làm ERP.

FPT cũng có thuận lợi lấy nhân lực từ nhiều nguồn trong nội bộ và trau dồi thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Song, như lời ông Nghĩa, hiện mới có 0,1% DN VN ứng dụng ERP, nên nhu cầu còn rất lớn, nguồn nhân lực bị đặt đứng trước đòi hỏi cấp bách về số lượng và chất lượng. Không thể quá tin vào những lời rao về nguồn lực dồi dào của các đơn vị triển khai.

(Theo lao động)

Bình luận