Tái cấu trúc doanh nghiệp từ đâu?

Tại sao đại đa số các doanh nghiệp đã đầu tư vào CNTT-TT nhưng chưa gặt hái được những kết quả mong muốn?

Hầu như tất cả các doanh nghiệp (DN) đều đã trang bị máy tính và kết nối Internet nhưng số DN sử dụng các phương tiện CNTT-TT thật sự hiệu quả là rất ít (tập trung trong một vài lĩnh vực như ngân hàng, hàng không…), đại đa số DN chưa có chức danh giám đốc thông tin (CIO) và nguồn nhân lực CNTT thì thiếu trầm trọng. Thực tế đáng buồn là ở nước ta, đến cuối 2011 mới có 39% trong hơn 300.000 DN có website, trong đó chỉ 7% sử dụng website giao dịch thương mại và xúc tiến thương mại điện tử, còn lại là website thông tin và đa số không cập nhật đầy đủ. (Nguồn: Thống kê của Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương).

 

Lý giải hiện tượng này chỉ có 2 khả năng:

  • Hoặc là các DN còn thờ ơ với CNTT-TT, không xem nó là phương tiện quan trọng cho sự phát triển của mình.
  • Hoặc là các DN đã quan tâm đến CNTT-TT, thậm chí đã chi khá nhiều tiền cho CNTT-TT nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.

Thực tế cho thấy, DN là những chủ thể luôn luôn quan tâm đến cái mới, đặc biệt là đối với những gì có ảnh hưởng lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Trong thời đại thông tin, các DN hiểu rõ vai trò và sự cần thiết của việc ứng dụng CNTT-TT. Với công việc hàng ngày, họ hiểu rõ không có email thì không liên lạc được với ai, không có website thì bị xem là “yếu”; không có phần mềm quản lý DN thì bị xem là lạc hậu, không ứng dụng CNTT-TT vào quản lý sản xuất và kinh doanh thì không đủ sức cạnh tranh trên thị trường…

Như thế có thể loại bỏ khả năng thứ nhất. Khả năng thứ 2 chỉ rõ đây là vấn đề thuộc về tổ chức, không phải công nghệ. Đã là vấn đề về tổ chức thì câu trả lời là duy nhất: cần phải tái cấu trúc tổ chức! Nhưng tái cấu trúc bằng cách nào?

Trong khoảng 10 năm gần đây, DN của nhiều nước cũng đối diện với những vấn đề tương tự. Giải pháp tích cực nhất được ghi nhận là xây dựng kiến trúc tổng thể (Enterprise Architecture – EA) để cấu trúc lại DN. EA là phương pháp luận giúp ta dựng nên bức tranh toàn cảnh về quá trình vận động, phát triển từ trạng thái hiện thời của một tổ chức đến trạng thái mong muốn trong tương lai của tổ chức đó trên nền tảng ứng dụng CNTT-TT như phương tiện chuyển đổi.

EA có thể áp dụng có tất cả các loại hình tổ chức nào từ mức vĩ mô như một bộ, ngành hay cả quốc gia đến vi mô như 1 DN, trường học, bệnh viện. Thông thường, để xây dựng EA, người ta lựa chọn một trong những khung kiến trúc tổng thể (EA framework) phù hợp nhất với tổ chức của mình. Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 30 khung EA như thế, nổi tiếng nhất là các khung kiến trúc tổng thể TOGAF, FEA, Zachman, SAM… Trong đó, TOGAF đặc biệt thích hợp với các DN.

Muốn biến CNTT thành động lực phát triển, DN phải có khả năng “hấp thụ” nó một cách thích hợp nhất với những điều kiện riêng của mình

Để xây dựng EA, TOGAF hay bất cứ một khung EA nào khác đều tập trung vào việc xây dựng 4 kiến trúc hợp phần cơ bản của kiến trúc tổng thể là kiến trúc nghiệp vụ (Business Architecture – BA), kiến trúc dữ liệu (Data Architecture – DA), kiến trúc ứng dụng (Application Architecture – AA) và kiến trúc công nghệ (Technology Architecture – TA). Trong đó, kiến trúc nghiệp vụ là trung tâm vì kết quả của mọi vận động trong DN đều do các quy trình nghiệp vụ sinh ra và tất cả các nguồn lực trong DN đều gắn với các quy trình nghiệp vụ đó.

Tái cấu trúc tác động trực tiếp lên quy trình nghiệp vụ, làm thay đổi quy trình nghiệp vụ từ trạng thái vận động hiện tại sang trạng thái mới hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn. Quá trình này cứ thế tiếp diễn không ngừng – động lực phát triển không ngừng của DN – trong một cơ chế giám quản (governance) chặt chẽ. Sự chuyển đổi của các quy trình nghiệp vụ đó kéo theo tất cả các yếu tố liên quan: Người thực hiện, dữ liệu, phương tiện và các nguồn lực khác.

Sự thay đổi của các quy trình nghiệp vụ được “đổi chất” trong môi trường CNTT-TT hay nói đúng hơn, một hệ thống ứng dụng sẽ được phát triển để hỗ trợ triển khai các quy trình nghiệp vụ đó. Kiến trúc của hệ thống ứng dụng này được xác định trong Kiến trúc ứng dụng. Các ứng dụng tương lai sẽ hoạt động dựa trên một hệ thống CSDL mà kiến trúc của chúng được xác định trong Kiến trúc dữ liệu. Cuối cùng, toàn bộ DN sẽ hoạt động trên một hạ tầng CNTT-TT thống nhất có kiến trúc được mô tả trong Kiến trúc công nghệ.

 

Theo ITgate

 

Bình luận