Việt Nam hiện có chưa đến 10 doanh nghiệp phần mềm phát triển sản phẩm theo công nghệ mã nguồn mở (MNM). Nhưng nhu cầu nhân lực cho ngành này lại khá lớn. Tạp chí Thế Giới Vi Tính – PC World Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Lương Sơn, giám đốc Vietsoftware, một đơn vị có nhiều kinh nghiệp phát triển sản phẩm MNM về vấn đề thị trường và nhân lực cho ngành này.
Ông cho biết vì sao Vietsoftware chọn hướng phát triển sản phẩm theo công nghệ MNM?
Từ khi thành lập, công ty đã hướng vào công nghệ MNM. Chúng tôi nhận thấy cơ hội cho PM thương mại (PMTM) luôn luôn có, còn MNM là một xu thế mới, có thể mang đến cơ hội mới không chỉ cho các công ty mà cho cả quốc gia. Việt Nam làm một nước đang phát triển, việc độc lập với các PMTM cũng rất quan trọng.
Và chúng tôi đã chọn đúng. Càng ngày người ta càng nhận thức rõ hơn về lợi nhuận từ MNM thông qua việc phát triển PMTM trên cơ sở MNM cộng thêm các dịch vụ GTGT trên MNM đó. Vietsoftware đang đi theo con đường này. Trên thế giới, bức tranh tuy có khác, nhưng gần đây cộng đồng MNM đã phát triển theo hướng thương mại dần để có cơ hội tốt hơn cho những bước phát triển tiếp theo.
Cụ thể, hiện Vietsoftware đang có các sản phẩm MNM gì và đang có các dịch vụ gì?
Hiện Vietsoftware có nhiều sản phẩm phát triển trên MNM được ứng dụng nhiều trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm cổng điện tử V – portal và ERP. Các sản phẩm này giúp chúng tôi phục vụ chính phủ điện tử và doanh nghiệp.
Nói đến MNM là nói đến sự độc lập, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp PMTM. Vì thế, một sản phẩm ERP viết trên MNM có giá thấp hơn rất nhiều. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp cận với hệ thống ERP. Hiện có 14-15 khách hàng sử dụng sản phẩm ERP của chúng tôi. Trong số này, có những đơn vị sản xuất có mức tăng trưởng cao như công ty Hà Yến (nằm trong Khu công nghiệp Tứ Liên) triển khai khá tốt.
Ông đánh giá sao về nhân lực CNTT theo công nghệ MNM?
Nhân lực cho PMNM hiện nay thiếu trầm trọng. Mặc dù chủ trương, chính sách từ trên đã có nhưng việc triển khai còn chậm, nhất là khâu đào tạo còn quá yếu. Hiện nay Vietsoftware vẫn phải tự đào tạo. Hàng năm, chúng tôi có nhu cầu tuyển mới từ 50 – 100 kỹ sư CNTT có kỹ năng về MNM nhưng không bao giờ đủ mặc yêu cầu tuyển dụng không cao.
Ông dự đoán gì về sự phát triển của MNM ở Việt Nam?
Nếu Nhà nước thực sự quan tâm, tôi tin MNM sẽ rất phát triển. Hiện các quy định, quyết định đều đã đủ nhưng việc thực hiện ở dưới vẫn còn chậm. Cần đẩy mạnh các ứng dụng PMNM vào các hoạt động khác nhau như E-learning… Ngoài ra, cũng cần có giải pháp mở rộng thị trường, nhiều người biết hơn, nhiều người được đào tạo hơn. Mặc dù hiện nay số DN phát triển sản phẩm MNM không quá 10, nhưng nhu cầu có thể lên đến hàng nghìn kỹ sư CNTT. Nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng, vì thế chúng ta càng cần hơn vào PMNM, nếu định hướng thị trường tốt, tôi tin MNM sẽ phát triển rất nhanh ở Việt Nam.
( Theo PCW )