Nhân lực Công nghệ thông tin: Bài toán muôn thủa

Chất lượng đào tạo ngành CNTT hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu

Trong năm 2010 và giai đoạn 2011-2015 với tốc độ tăng bình quân về chỗ làm việc từ 3% đến 3,5%/năm cho thấy thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhu cầu chung về nhân lực là 280.000 đến 300.000 chỗ làm việc/năm. Trong đó công nghệ thông tin nằm trong nhóm các ngành nghề có nhu cầu lực lượng lao động cao. Để đáp ứng nhu cầu, các trường đại học, cao đẳng, trung học và trường nghề đều mở lớp đào tạo ngành công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, một tình trạng “phố biến” hiện nay là các doanh nghiệp vẫn than thiếu nhân sự công nghệ thông tin vì không thể tuyển dụng được nhân sự có đủ trình độ và năng lực cần thiết. Mặc dù thế, hàng năm, hàng ngàn sinh viên ngành này đã ra trường và cầm trên tay tấm bằng “Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin”. Thực tế này cho thấy không phải số lượng và chất lượng đào tạo luôn “tỷ lệ thuận” với nhau.

Muốn phát triển ngành công nghệ thông tin, vấn đề quan trọng đầu tiên là có nguồn nhân lực, tuy nhiên chất lượng đào tạo dường như đang đi xuống so với nhu cầu của doanh nghiệp. Những năm trước đây, sức tiêu thụ nhân lực được đào tạo khá nhanh nhưng hiện tại đã có dấu hiệu chững lại. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, việc nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực là bài toán muôn thuở, riêng đối với ngành công nghệ thông tin lại càng bức thiết hơn vì công nghệ thông tin là ngành công nghiệp mang tính toàn cầu, nhân lực đòi hỏi có trình độ quốc tế để cạnh tranh trong thế giới phẳng. Muốn vậy, hệ thống đào tạo phải có chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo có quán tính rất lớn, để tăng cường, tạo ra tính quốc tế không phải là điều dễ dàng và phải mất rất nhiều thời gian. Trong ngành công nghệ thông tin, hiện nay xuất hiện một con “đường tắt” để có nhãn mác quốc tế đó là chứng chỉ của các hãng công nghệ toàn cầu. Vì thế bằng đại học chưa đủ tính thuyết phục, nếu nhân lực Việt Nam muốn cải thiện chất lượng thì đó là cách ngắn nhất.

Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội tin học TPHCM, Giám đốc chi nhánh phía Nam tập đoàn công nghệ thông tin CMC, cách đây 5-6 năm, các trường cũng gặp khó khăn về mặt bằng đào tạo. Sau đó thì tình hình được cải thiện tốt hơn khi cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghệ thông tin. Nhưng từ 1-2 năm trở lại đây chất lượng lại có vấn đề, không được tốt như những năm trước. Đây là do việc kiểm soát chất lượng đầu vào của các trường không hiệu quả. Vì thế, nếu không tập trung nâng cao đầu vào thì trong thời gian tới, nhân lực đầu ra sẽ không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

Bản thân sinh viên học phải xác định mục tiêu cho nghề nghiệp và sự thăng tiến trong tương lai. Muốn vậy, ngoài những kiến thức được nhà trường trang bị, sinh viên phải tìm tòi, học hỏi, tận dụng những cơ hội thực hành và thực tập tại các doanh nghiệp để rèn luyện khả năng ứng dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện nay, nhà trường và doanh nghiệp cũng đã bắt tay hợp tác để đào tạo, định hướng và hỗ trợ sinh viên về các kỹ năng cần thiết trong công việc.

Song Lam

Bình luận