Khi bạn nêu ý kiến của mình và cho rằng đó là việc làm đúng đắn nhằm làm tăng hiệu suất làm việc và giảm chi phí cho văn phòng, sếp lại không nghĩ như vậy. Trong trường hợp này bạn nên làm gì?
Sếp là người có năng lực và đủ thẩm quyền để quyết định mọi vấn đề trong văn phòng, nhưng không phải lúc nào ý kiến của sếp cũng đúng. Tuy nhiên, nhiều người lại không dám lên tiếng bởi cho rằng bất đồng ý kiến với sếp sẽ mang lại kết quả tiêu cực.
Theo Joseph Grenny, đồng tác giả cuốn sách Công cụ cần thiết cho những cuộc nói chuyện khó khăn trong công việc, cho rằng với sự khéo léo và kỹ năng phù hợp, bạn hoàn toàn có thể bày tỏ bất đồng ý kiến với sếp mà không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ cũng như công việc của mình.
Dưới đây là một số “mẹo” nhỏ giúp bạn bảo vệ ý kiến trước sự phản đối của sếp:
Trước tiên, hãy xem lại cách bạn thể hiện ý kiến của mình trong văn phòng. “Khả năng kiểm soát những cuộc nói chuyện khó khăn là điều rất quan trọng trong cuộc sống công sở. Những người không thể bày tỏ quan điểm trước người khác chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong công việc”, Grenny nói.
Emily Bennington – đồng tác giả cuốn sách Bí quyết hòa hợp, nổi bật và thăng tiến nhanh trong công việc đầu tiên, đồng tình rằng học cách lên tiếng là yếu tố cần thiết cho sự thành công. “Muốn phát triển trong sự nghiệp, bạn cần biết cách kiểm soát những cuộc nói chuyện khó khăn. Càng nhanh chóng học cách giải quyết vấn đề hợp lý thông qua các cuộc đối thoại khéo léo, bạn càng sớm thành công”, Bennington nói.
Nêu vấn đề sếp quan tâm
Bạn không nên trình bày về những vấn đề nhỏ nhặt, không đáng quan tâm với sếp mà hãy chọn lọc. “Khi phải nghe những vấn đề của cá nhân cấp dưới như bất hòa với đồng nghiệp, sếp cho rằng bạn không coi anh/ cô ấy là người lãnh đạo thật sự mà chỉ như người “trông trẻ”. Thay vào đó, bạn nên tự giải quyết rắc rối của mình trước khi tìm tới sếp”, Grenny nói.
Những vấn đề bạn nói phải là những điều sếp quan tâm như hiệu quả làm việc của văn phòng hay sai lầm của bạn. Bennington khuyên: “Hãy nói chuyện thẳng thắn với sếp khi bạn mắc sai lầm có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ với khách hàng, đối tác. Người sếp tốt sẽ lắng nghe trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn”.
Tìm không gian nói chuyện riêng
To tiếng và thể hiện sự phản đối gay gắt quyết định của sếp trước đám đông hay gửi email cho cả văn phòng sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Andrea Kay cho rằng bạn nên chọn đúng thời gian và không gian để nói chuyện riêng với sếp. Hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc cho dù bản thân cảm thấy rất không hài lòng với quyết định của sếp.
Bắt đầu cuộc nói chuyện bằng điều tích cực
Bạn không nên mở đầu cuộc nói chuyện bằng điều tiêu cực. Thay vào đó, hãy ca ngợi những điểm tốt của tình huống. Sau đó, bạn mới trình bày rõ ràng quan điểm và ý kiến của mình nhằm thúc đẩy sự việc theo chiều hướng tốt hơn.
“Nếu sếp bạn vẫn thể hiện sự phản đối, hãy tạm dừng và rà soát nhanh lại tình huống. Đồng thời tái khẳng định ý tốt của bạn và lắng nghe quan điểm từ sếp”, Grenny gợi ý.
Tập trung vào lợi ích của công ty
Bạn sẽ thuyết phục được sếp nếu những ý kiến của bạn tập trung vào mục tiêu chung của công ty chứ không phải vì lợi ích cá nhân.
Cuối cùng, cho dù không thể khiến sếp thay đổi quan điểm, bạn cũng không nên quá thất vọng. Hãy nhớ rằng trình bày ý kiến là cách bạn chứng tỏ sự quan tâm của mình tới sự thành công của văn phòng/công ty.
Theo tuoitre