Năm 2012: “Lao đao” thị trường bán lẻ Việt Nam

Đầu năm 2012, Gloria Jean’s Đồng Khởi, cửa hàng được cho là khuôn mẫu của Gloria Jean’s coffee tại Việt Nam, đã phải đóng cửa sau hơn 5 năm hoạt động.

Nguyên nhân chính là giá thuê mặt bằng đã bị đẩy lên quá cao. Không chỉ Gloria Jean’s, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ khác cũng đã phải từ giã cuộc chơi vì lý do này.

Giá thuê mặt bằng quá cao cũng là một phần lý do thị trường bán lẻ Việt Nam không còn hấp dẫn và liên tục bị rớt hạng trong những năm qua. Mới đây, theo công bố “Chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu năm 2012” của hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney, thị trường bán lẻ Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 32 từ vị trí số 1 năm 2008.

Khi trung tâm thương mại bị ế

Khi lạm phát tăng cao và thu nhập không còn ổn định, người dân có khuynh hướng tiết kiệm nhiều hơn, dẫn đến sức mua bị giảm sút. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho thị trường bán lẻ Việt Nam liên tiếp bị tụt hạng.

Nhu cầu thuê mặt bằng của các đơn vị kinh doanh bán lẻ lại có mối liên quan mật thiết với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Do đó, một khi tình hình tiêu thụ của ngành bán lẻ kém khả quan, giá cho thuê cao kỷ lục thì việc ra đi tìm một mặt bằng có giá rẻ hơn hoặc ngưng kinh doanh là điều dễ hiểu.

Việc nhiều khu thương mại tại Tp.HCM dù đã hoàn thành được một thời gian nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động đã minh chứng cho điều này như khu thương mại tại dự án The Vista (quận 2). Dự án được khởi công vào năm 2008 và được công bố hoàn thành và bàn giao nhà vào giữa năm 2011. Nhưng đến nay, trung tâm thương mại với diện tích khoảng 7.000 m2 này vẫn chưa có một đơn vị nào đến thuê.

Tương tự, mặc dù đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2010, nhưng đến nay trung tâm thương mại tại tòa nhà Bitexco Financial Tower (quận 1) vẫn im ắng. Theo thông tin từ Tập đoàn Bitexco, dự kiến khoảng quý III năm nay, trung tâm thương mại này mới được khai trương. Tòa nhà có gần 8.000 m2 diện tích khu thương mại nhưng hiện mới có 265 m2 mặt bằng bán lẻ ở tầng trệt được hãng giày Adidas thuê để làm cửa hàng.

Diện tích trống cũng bắt đầu tăng cao ở nhiều khu trung tâm thương mại, khu bán lẻ tại Tp.HCM đã hoạt động ổn định trước đây. Công suất thuê tại Khu thương mại Hồ Bán Nguyệt (quận 7) hiện chỉ đạt khoảng 80%. Tại Zen Plaza (quận 1), tỉ lệ trống đã lên tới 20%. Một số trung tâm thương mại ngay tại khu vực trung tâm, được lấp đầy trước đây, giờ cũng đã xuất hiện nhiều diện tích trống.

Trong các báo cáo quý I/2012, Knight Frank, CBRE Việt Nam và Savills Việt Nam đã đưa ra nhiều con số khác nhau về thị trường bán lẻ (do tiêu chuẩn thống kê khác nhau). Tuy nhiên, điểm chung là tình hình cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM vẫn chưa khởi sắc, nếu không muốn nói là đang đi xuống.

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, trong quý I, diện tích dành cho bán lẻ toàn thị trường Tp.HCM vào khoảng 491.470 m2 và tỉ lệ trống là 16,6%. Giá chào thuê của trung tâm thương mại ở khu trung tâm khoảng 2,3 triệu đồng/m2/tháng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này ở ngoài khu vực trung tâm là 650.000 đồng/m2/tháng, giảm 11,2%.

Tại khu trung tâm Tp.HCM, từ nay đến cuối năm sẽ có ít nhất 3 khu trung tâm thương mại nữa đi vào hoạt động như Saigon Square, Saigon M&C, Eden A. Vì thế, công suất thuê và giá chào thuê trung bình có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới.

Đổi hướng chiến lược

Mặc dù thị trường đang khó khăn, nhưng thời gian qua, lại xuất hiện khá nhiều dự án bán lẻ mới. Chẳng hạn như Khu trung tâm thương mại SC VivoCity tại quận 7 do tập đoàn đầu tư bất động sản thương mại Singapore Mapletree và nhà bán lẻ Saigon Co.op hợp tác đầu tư, hay Trung tâm Thương mại Aeon Tân Phú Celadon (quận Tân Phú) do tập đoàn bán lẻ Nhật Aeon đầu tư.

Đáng chú ý là phần lớn các dự án bán lẻ mới đều nằm ở các quận ngoại thành và tập trung vào phân khúc siêu thị. Nhận xét về sự đổi hướng trong chiến lược này, ông Trương An Dương, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam tại Tp.HCM, cho rằng: “Có thể các nhà đầu tư bán lẻ đang nhắm đến đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập thấp và trung bình tại các khu vực ngoài trung tâm”.

Trong kinh doanh bán lẻ, các trung tâm thương mại thường được xem như là đại diện cho dòng bán lẻ cao cấp, các siêu thị thì phục vụ cho khách bình dân. Và một điều rõ ràng là khách hàng bình dân thì lúc nào cũng nhiều hơn khách hàng cao cấp. Cũng vì thế, nhiều nhà phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như BigC, Parkson, Metro Cash & Carry, Lotte Mart, Family… đang không ngừng mở rộng hệ thống kinh doanh của mình.

Theo NCDT

Bình luận