Lo thảm họa, doanh nghiệp Việt đầu tư ảo hóa, di động, ‘đám mây’

Nhiều doanh nghiệp cho biết lý do họ tích cực triển khai ảo hóa, “đám mây” và di động trong thời gian gần đây là vì những công nghệ này mang lại khả năng sẵn sàng ứng phó với thảm họa thông tin.

Kết quả khảo sát về khả năng sẵn sàng ứng phó với thảm họa do Symantec vừa công bố ngày 13/6/2012 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang rất tích cực tìm đến các công nghệ mới như ảo hóa, điện toán đám mây hay di động – những công nghệ giúp ứng phó tốt hơn với thảm họa.

Theo đó, có tới 40% các doanh nghiệp đang triển khai giải pháp đám mây công cộng, 43% doanh nghiệp đang triển khai đám mây riêng (Tham khảo: Điện toán đám mây: 4 mô hình nổi bật).

Với công nghệ ảo hóa, có 34% doanh nghiệp đang triển khai hoặc đang hưởng những lợi ích từ việc ảo hóa máy chủ.

Ngoài ra, hơn 1/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ (35%) đang sử dụng ưu thế của các thiết bị di động vào mục đích kinh doanh.

Đánh giá về khả năng hỗ trợ ứng phó thảm họa từ công nghệ mà các doanh nghiệp đang ứng dụng mang lại, 71% đơn vị được khảo sát cho biết khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa của họ đã được cải thiện khi ảo hóa; 43% thừa nhận khả năng do đám mây riêng mang lại trong khi 41% công nhận khả năng của đám mây công cộng. Tỷ lệ công nhận là 36% ở các doanh nghiệp triển khai các giải pháp di động.

Ông Alex Ong, Giám đốc cao cấp của Symantec Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên có kế hoạch ứng phó thảm họa ngay từ bây giờ; cân nhắc và đánh giá những công nghệ mang tính chiến lược như di động, ảo hóa và điện toán đám mây có thể giúp sức như thế nào. Ngoài ra, cũng cần thực hiện định kỳ việc kiểm định khả năng ứng phó với thảm họa của doanh nghiệp mình, ít nhất một quý/lần song song với việc triển khai các giải pháp lưu trữ, sao lưu và bảo mật.

Cuộc khảo sát do Công ty nghiên cứu ReRez thực hiện (theo ủy quyền của Symantec) trong tháng 2 và tháng 3 năm 2012 thông qua việc phỏng vấn qua điện thoại với các lãnh đạo điều hành hay quản lý cấp cao và đại diện các phòng ban CNTT trong doanh nghiệp.

Theo pcworld

 

Bình luận