Kinh doanh cốt lõi và bài học mở rộng cho ngành bán lẻ Việt Nam

“Đuổi theo hai thỏ nên về tay không – Câu nói của Khổng Tử là lời đúc kết chính xác về số phận của các công ty ồ ạt lấn sân sang những lĩnh vực không phải là thế mạnh…Nguyễn Kim đã buộc phải nhanh chóng quay về mảng kinh doanh cốt lõi”. Chuỗi 5 siêu thị Thế giới số 24G của Nguyễn Kim vừa theo chân WonderBuy chính thức giã từ cuộc chơi. 24G đã bị khai tử chỉ sau 8 tháng hoạt động. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc có thêm một doanh nghiệp nói lời chia tay cũng là chuyện bình thường. Nhưng bất thường ở đây là chuỗi siêu thị này là con đẻ của Nguyễn Kim, thuộc Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương.

Vào tháng 7.2011, Nguyễn Kim đã rầm rộ khai trương 5 siêu thị mang tên Thế giới số 24G. Nguyễn Kim giới thiệu 24G là kênh bán lẻ kỹ thuật số do các Tập đoàn công nghệ hàng đầu như Nokia, Samsung, LG, HTC, HP, hợp tác đầu tư tại TP.HCM với mô hình “trải nghiệm trước, mua sắm sau”. Đặc biệt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thế giới số 24G từng khẳng định rằng 24G sẽ phát triển thành chuỗi 100 cửa hàng trên toàn quốc với một chiến lược kinh doanh bài bản trong vài năm tới.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng hoạt động không hiệu quả, để tránh thua lỗ, Nguyễn Kim đã buộc phải dọn dẹp nhanh chóng mô hình này để quay về mảng kinh doanh cốt lõi là buôn bán hàng điện tử gia dụng.

Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc Tiếp thị của Nguyễn Kim, cho biết việc đầu tư thêm chuỗi cửa hàng thế giới số 24G là nhằm mở rộng thị phần và thử nghiệm mô hình cửa hàng tiện ích, vốn khá phổ biến tại Mỹ, Nhật, Trung Quốc… Theo ông, đến nay, Công ty đã quyết định thay thế mô hình này bằng các trung tâm điện máy và giải trí kết hợp ứng dụng công nghệ số với quy mô lớn hơn.

 Sinh nhiều, tử không ít

Lý giải của vị đại diện Nguyễn Kim khiến người ta không khỏi liên tưởng đến vụ sập tiệm của thương hiệu điện máy WonderBuy hồi tháng 6.2011. Hãng này lỗ hơn 52 tỉ đồng sau gần 1 năm hoạt động.

Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Robenny (Canada) tại Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chính dẫn WonderBuy đến phá sản là thời điểm gia nhập thị trường không phù hợp, giá thuê mặt bằng quá đắt, thị trường đang ở thời điểm bão hòa nên thu không đủ bù chi. Tổng Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy lớn tại TP.HCM (không tiện nêu tên do ngại đụng chạm doanh nghiệp cùng ngành) nhận định: “Thế giới số 24G của Nguyễn Kim sớm đóng cửa vì chiến lược của họ không ổn. Người tiêu dùng biết đến Nguyễn Kim như là nhà phân phối hàng điện máy gia dụng chứ không phải sản phẩm kỹ thuật số. Hơn nữa, gia nhập thị trường vào lúc này là không phù hợp”.

Nhận định này có vẻ hợp lý vì vừa qua, nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ điện máy, sản phẩm kỹ thuật số đã ra đời. Trong khi đó, nhu cầu của người dân có dấu hiệu dần bão hòa.

Dọc các con đường tại TP.HCM như Hoàng Văn Thụ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Hùng Vương… hàng chục siêu thị và cửa hàng điện máy cùng chen chân kinh doanh. Chỉ riêng khoảng 1 km đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) đã có đến 5 cửa hàng điện tử, điện lạnh và 2 siêu thị điện máy là Đệ nhất Phan Khang và Trung tâm Điện máy Trần Thế.

Sinh nhiều nhưng tử cũng không ít. Tại Hà Nội, một loạt các siêu thị điện máy cũng đã thu hẹp quy mô trưng bày để cắt giảm chi phí như siêu thị Pico, Trần Anh, Media Mart, Việt Long… Ông Đinh Anh Huân, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị dienmay.com, cho biết hiện nay, doanh thu các mặt hàng điện máy của nhiều siêu thị tại Hà Nội và TP.HCM chỉ ở mức 100 triệu đồng/ngày so với khoảng 1 tỉ đồng/ngày vào thời điểm cực thịnh.

“Để kinh doanh hiệu quả thì doanh số tính trên mỗi mét vuông diện tích sàn phải ở mức 100 triệu đồng/tháng, nhưng doanh số thật của nhiều siêu thị hiện nay chỉ đạt dưới 30 triệu đồng/m2/tháng” ông Huân cho biết. Theo ông, rất có thể trong quý II sẽ có thêm vài tên tuổi lớn trong ngành phải giã từ cuộc chơi.

 Tập trung để khác biệt

Ông Lê Hồng Xuân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tara, cho biết: “Sau khi đọc cuốn sách Tập trung để khác biệt của Al Ries (Mỹ), tôi đã quyết định rút lui khỏi chuỗi bán lẻ điện máy Best Carings đang khá thành công để tập trung toàn lực cho mảng bán sỉ. Đã đến lúc phải biết tập trung để tạo sự khác biệt”.

Chuỗi siêu thị điện máy Best Carings được thành lập từ hợp tác nhượng quyền giữa nhà bán lẻ Best Denki của Nhật với Công ty Tiếp thị Bến Thành. Ra đời từ cuối năm 2004, sau một thời gian kinh doanh và đạt được những thành công nhất định, Best Carings đã mở 3 siêu thị bán lẻ tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ. Tuy nhiên, năm 2010, ông Xuân đã quyết định chuyển nhượng chuỗi Best Carings cho Công ty Công nghệ Điện tử Điện lạnh Việt Nam (Mitsustar), để tập trung phát triển Công ty bán sỉ điện máy Tara.

Bước đi này được đánh giá là biện pháp an toàn và hợp lý vì doanh nghiệp bán lẻ điện máy ngày càng cạnh tranh khốc liệt, số siêu thị phá sản, đóng cửa ngày càng nhiều và xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai.

Tại Việt Nam, câu chuyện đầu tư thiếu tập trung rồi sau đó phải sửa sai cũng từng xảy ra với không ít công ty. Đơn cử, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư và sau đó phải bán nhà máy bia và cà phê cho SAB Miller và Trung Nguyên. Sau khi tập trung trở lại vào mảng kinh doanh cốt lõi của mình là sữa, Vinamilk đã đạt được những thành công vang dội. Doanh nghiệp này vừa cán mức doanh thu 1 tỉ USD và đang hướng tới mục tiêu cao hơn là doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017.

Tuy nhiên, sau khi đầu tư ngoài ngành, cũng có những doanh nghiệp không thể tìm ra đường rút lui như Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco). Công ty này đang gánh khoản nợ hơn 1.500 tỉ đồng mà nguyên nhân một phần là do đầu tư dàn trải trong những năm qua.

Nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc là Khổng Tử từng nói: “Ai đuổi bắt 2 con thỏ cùng một lúc sẽ không bắt được con nào hết”. Triết lý này có vẻ khá chính xác với trường hợp của Thế giới số 24G, WonderBuy, Bianfishco và có thể sẽ còn không ít doanh nghiệp khác trong thời gian tới.

Theo internet

Bình luận