Nhiều cuốn sách chỉ dạy cách sử dụng Facebook, Twitter, Youtube để cạnh tranh trong kinh doanh, tuy nhiên, chưa có cuốn sách nào chỉ ra cách kiểm soát sức mạnh to lớn của truyền thông xã hội để tạo ra sự khác biệt.
Thông tin:
Tên sách: Hiệu ứng chuồn chuồn
Tác giả: Carlye Adler
Phát hành: Tinh Văn Media
Số trang: 263
Phát hành: tháng 5/2012
Giá bìa: 92.000đ
Giới thiệu cuốn sách
Vì sao bạn nên đọc cuốn sách này?
Có vô số tác giả đã viết về cơ chế hoạt động của Facebook, Twitter, email, và YouTube, nhưng ít người chỉ ra được một trong những động lực mạnh mẽ nhất của chúng: cách vận dụng sức mạnh của mạng xã hội mới để tạo ra điều gì đó thật sự có ý nghĩa.
Chuồn chuồn là loại côn trùng duy nhất có thể tự mình di chuyển theo bất kỳ hướng nào – với cường độ và tốc độ vô cùng mạnh mẽ khi bốn cánh của nó cùng đồng vận. Sinh vật cổ xưa, hiền lành và tuyệt đẹp này thể hiện rõ được vai trò quan trọng của nỗ lực đồng vận. Nó cũng chứng tỏ rằng những hành động nhỏ có thể gây nên sự chuyển biến to lớn. Hiệu ứng chuồn chuồn là sự tinh tế và hiệu quả mà con người – nhờ theo đuổi không mệt mỏi các mục tiêu của chính mình – đã khám phá ra rằng họ có thể tác động tích cực đến các nguồn lực theo cách hoàn toàn bất ngờ.
Hầu như mỗi người trong chúng ta đều bị quá tải với những bài báo, thư điện tử, những đoạn phim ngắn và bài viết trên blog. Lời mời tham gia vào các chiến dịch xã hội dường như xuất hiện ở khắp nơi, từ chương trình đi bộ vì bệnh ung thư vú của Avon (Avon’s Walk for Breast Cancer) đến chiến dịch Refresh của Pepsi, cho đến các chương trình kêu gọi mọi người cùng “giải cứu hành tinh”.
Thế nhưng, chúng ta chỉ liếc nhìn và bỏ qua rất nhiều, nếu không nói là tất cả những lời kêu gọi ấy. Hoặc có lẽ, chúng ta sẽ tham gia vào một nhóm xã hội nào đó, nhưng trên thực tế lại chẳng có bất kỳ hành động nào. Bất kỳ ai đã từng tạo một đoạn phim ngắn trên YouTube, viết blog, hoặc tìm cách kêu gọi mọi người tham gia vào một chương trình xã hội trên Facebook đều biết rằng, việc gửi đi một yêu cầu không có nghĩa là sẽ đảm bảo đem lại kết quả.
Tuy nhiên, khi được tận dụng một cách đầy đủ, sức mạnh của công nghệ xã hội có thể là một cuộc cách mạng. Ngay trong năm nay, Hội chữ thập đỏ đã quyên góp được hơn 40 triệu đô-la cho nạn nhân động đất ở Haiti thông qua hình thức nhắn tin. Những công nghệ tương tự cho phép chúng ta “poke” bạn bè hoặc “retweet” một bài viết thú vị là những cách kết nối và vận động mọi người tạo ra sự thay đổi. Vậy điều gì giúp ta nhận diện được những người đang tận dụng mạng xã hội cho các mục đích có ý nghĩa mạnh mẽ?
Trái với suy nghĩ của bạn, việc xúc tiến một mục tiêu cá nhân vốn là hành động mang tính xã hội. Để thành công, bạn phải truyền được đam mê vào câu chuyện của mình và kể câu chuyện đó theo cách tạo ra được “sức lan tỏa” để khiến người nghe nhanh chóng đưa ra ý kiến phản hồi thông qua twitter, blog, thư điện tử trước khi rời máy tính.
Bằng cách làm này, bạn sẽ tạo ra sự tham gia, sự kết nối, tăng trưởng, và các hiệu ứng gợn sóng (ripple effects) – những nguồn lực được kết hợp để tạo ra một sự chuyển động mà mọi người đều cảm thấy mình có phần trong đó. Khi đó, mục tiêu cá nhân của bạn sẽ trở thành mục tiêu chung.
Dựa trên những chân lý cơ bản được tìm thấy trong nghiên cứu tâm lý học, cuốn Hiệu ứng chuồn chuồn sẽ tạo ra khuôn khổ hướng dẫn bạn thực hiện điều này. Bạn sẽ học được bốn kỹ năng chính – Tập trung, Thu hút sự chú ý, Thu hút sự tham gia, và Hành động – những thứ giúp bạn đạt được những kết quả to lớn. Và cuốn sách sẽ tiết lộ bí quyết nuôi dưỡng “khả năng kết dính” để mục tiêu của bạn không bị lãng quên mà thay vào đó sẽ thu hút được một lượng khán giả nhằm tạo điều kiện phát triển và đạt được kết quả cuối cùng.
Một lý do nữa để đọc cuốn sách này là nó có thể giúp bạn trở thành một người hạnh phúc hơn. Các nghiên cứu về niềm hạnh phúc đã chứng minh rằng hạnh phúc, tự thân nó vốn là niềm kiêu hãnh không có thật. Những điều mọi người nghĩ khiến họ cảm thấy hạnh phúc (chuyển đến sống ở vùng California ấm áp, thăng tiến trong công việc, thực hiện chuyến tham quan Disneyland) nhưng thực chất lại không phải. Trên thực tế, người hạnh phúc nhất là người bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa thay vì theo đuổi hạnh phúc, một sự thay đổi về định hướng khiến cho hạnh phúc càng trở nên bền vững hơn – đó mới chính là thứ hạnh phúc làm phong phú thêm cho cuộc sống của họ, mang lại mục đích, và gây ra tác động mạnh mẽ.
Vì sao hạnh phúc lại khó nắm bắt đến vậy? Đó là vì khái niệm hạnh phúc sẽ thay đổi theo chu kỳ từ ba đến năm năm trong suốt một đời người. Ý nghĩa của hạnh phúc không mang tính ngẫu nhiên, cá nhân hay do khí chất của mỗi người – nó cũng không ở trạng thái đơn lẻ và ổn định.
Hạnh phúc có một mô hình rõ ràng, cho thấy rằng con người luôn theo đuổi những điều khác nhau qua từng giai đoạn của cuộc đời. Ví dụ, đối với những người ở đội tuổi từ 25 đến 30, hạnh phúc thường gắn liền với tiền bạc. Từ đó trở về sau, ý nghĩa cuộc sống bắt đầu đóng vai trò quan trọng. Lúc này, dù bạn bao nhiêu tuổi, hay đang sắp xếp những thứ tự ưu tiên nào, một điều khá chắc chắn rằng, sẽ có lúc, bạn muốn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống.
Mặc dù nhiều người vẫn tin rằng việc tạo ra ý nghĩa hay làm những điều tốt đẹp trong thế giới này không liên quan gì đến khả năng tạo ra lợi nhuận, nhưng chúng tôi đã chứng kiến nhiều cá nhân và tổ chức đã tạo ra những “khoản lợi có mục đích”. Bằng cách gắn kết công việc yêu thích với một mô hình kinh doanh có lãi, họ đã đưa doanh nghiệp trở thành một đơn vị mạnh mẽ hơn, bền vững hơn và hiệu quả hơn trong việc tạo ra những tác động tích cực to lớn hơn cho xã hội.
Theo cafebiz