Từ tháng 6.2012, hơn 100 chiếc xe tuk tuk ở thủ đô Phnom Penh sẽ được trang trí và gắn thương hiệu – logo của nhựa Đại Đồng Tiến. Đến tháng 9, mười chuỗi cửa hàng bán lẻ các sản phẩm Đại Đồng Tiến sẽ được mở tại nhiều tỉnh ở Campuchia cùng với kho hàng lớn đủ sức cung ứng cho cả thị trường. Các nhân viên bán hàng người địa phương cũng sẽ được đào tạo và huấn luyện về cách thức tiếp thị, chào hàng cho hợp với tâm lý và thị hiếu người Khmer. Ông Tăng Quang Trọng, giám đốc thương mại công ty nhựa Đại Đồng Tiến, cho biết: “Trực tiếp mở hệ thống phân phối gắn với đời sống dân cư sẽ tạo thế đứng vững chắc, mang lại ưu thế cạnh tranh tốt hơn cho hàng nhựa Việt Nam tại thị trường Campuchia”.
Số liệu khảo sát thị trường Campuchia của Đại Đồng Tiến cho thấy, dù người tiêu dùng Campuchia ưa chuộng hàng nhựa của Việt Nam bởi chất lượng tốt, giá phù hợp… nhưng họ khó tìm mua được sản phẩm do tỷ lệ hàng của Thái Lan tại các sạp chợ, cửa hàng chiếm đến 70%. Sau thời gian dài xuất khẩu hàng qua đường tiểu ngạch và chính ngạch, vào quý 1/2012, nhựa Đại Đồng Tiến phải đầu tư, khảo sát để có dữ liệu thị trường hàng nhựa ở đây. “Không có dữ liệu, không thể tính được doanh thu và đưa ra các chương trình hoạt động cụ thể”, ông Trọng nói. Từ kết quả khảo sát, Đại Đồng Tiến quyết định phát triển kênh phân phối ở các chợ, cửa hàng, tiệm tạp hoá trên đường phố trước, sau mới vào siêu thị. Khảo sát còn cho thấy, hàng nhựa Thái Lan có thị phần lớn nhưng không có thương hiệu nổi bật, và chưa có nhãn hiệu nào xây dựng hệ thống phân phối, cửa hàng nhận diện, tiếp thị quảng cáo một cách bài bản…
Trong tháng 7.2012 này, công ty ABC sẽ khai trương cửa hàng bánh tươi thứ tư ở Campuchia và mở xưởng sản xuất để có thể dễ dàng phát triển mạng lưới bán lẻ ra các tỉnh khác. Bán với giá cao hơn ở Việt Nam, các loại bánh tươi ABC được ưa chuộng vì chất lượng, khẩu vị và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Kao Siêu Lực, tổng giám đốc công ty ABC, cho biết: “Tôi chọn bán lẻ trực tiếp để có thể hiểu rõ sở thích và thói quen người tiêu dùng, cũng như kéo họ thành khách hàng thân thiết của mình”.
Năm 2012, theo kế hoạch, công ty phân bón Bình Điền sẽ xuất khẩu sang Campuchia khoảng 180.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Theo ông Lê Quốc Phong, tổng giám đốc công ty, trong tất cả các đợt tập huấn cho nông dân, các chuyên gia nông nghiệp của Campuchia đều lấy phân bón Bình Điền ra làm hàng mẫu để giảng dạy và hướng dẫn kỹ thuật. Bình Điền đã đầu tư hàng năm trời để lập ra bản đồ thổ nhưỡng các vùng đất đai ở Campuchia để tặng cho bộ Nông nghiệp nước này.
Để có khách hàng thân thiết, ông Kao Siêu Lực cho biết: “Nhân viên cửa hàng đều qua Việt Nam để đào tạo kỹ thuật, quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm, cách bán hàng”. Khi nhân viên người địa phương thấu hiểu, họ sẽ giúp cộng đồng người Khmer hiểu và tin tưởng vào hàng Việt Nam. Còn với Bình Điền, theo ông Phong, khi mở mạng lưới bán hàng tại một địa phương, điều đầu tiên công ty phải làm là hỗ trợ địa phương tăng năng suất nông sản. Ông Phong cho biết: “Để bán được hàng qua Campuchia, đại lý bán hàng là khâu quan trọng nhất vì họ là người đầu tiên tiếp xúc với nông dân, nên công ty chú ý đầu tư đào tạo cho đại lý kỹ lưỡng, và chỉ cung ứng hàng cho đại lý nào đạt được giấy chứng nhận từ công ty”.
Theo sgtt.vn