Thị trường phần mềm Việt Nam dường như đang đứng trước rất nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực ERP. Câu hỏi của nhà cung cấp giải pháp, câu hỏi của doanh nghiệp chưa và đang triển khai… Trong đó câu hỏi được quan tâm nhất đó chính là tính hiệu quả thực tế mà các giải pháp ERP có thể mang lại cho doanh nghiệp ứng dụng.
ERP “tổng thể” và “đa ngành”
Có một thời gian các doanh nghiệp sản xuất phần mềm ở Việt Nam rộn ràng với các giải pháp ERP tổng thể mà trên ý tưởng thiết kế cũng như những lời giới thiệu về tính năng của sản phẩm thì có thể ứng dụng cho doanh nghiệp hoạt động ở bất cứ lĩnh vực sản xuất – kinh doanh nào. Đối với một số lĩnh vực đặc thù thì cần có sự điều chỉnh, bổ sung nhưng đó chỉ là những công việc đơn giản và có thể hoàn thiện trong một thời gian ngắn dựa trên cái cốt lõi chung đó…
Tưởng vậy mà nhiều khi không phải vậy! Thực tế là số lượng phần mềm ERP được các doanh nghiệp triển khai không nhiều và nếu có triển khai thì cũng rất ít thành công. Bên cạnh nguyên nhân là sự không sẵn sàng của doanh nghiệp ứng dụng như: tài chính, nền tảng CNTT chưa phù hợp, quy trình quản lý chưa rõ ràng, ý thức ứng dụng chưa tốt,…thì còn phải kể đến một nguyên nhân khác, xuất phát từ phía nhà cung cấp giải pháp đó chính là sản phẩm có quá nhiều điểm không thực sự phù hợp với hoạt động thực tế của doanh nghiệp ứng dụng như: có nhiều chức năng nhưng chỉ dùng được một số, có những yêu cầu đơn giản, đặc thù gắn bó với các công việc quen thuộc hàng ngày thì lại không có trong phần mềm….Điều này giống như kiểu, bàn tiệc có quá nhiều món ăn, nhưng thực khách chỉ dùng được một vài món, mà dùng thì cũng không thấy thoải mái…
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến một xu thế lâu nay về các sản phẩm ERP “tổng thể” và “đa ngành” như thế:
* Nhiều sản phẩm ERP được xây dựng và phát triển từ hệ thống phần mềm kế toán, hoặc từ các khái niệm của kế toán. Phần mềm kế toán thì có thể xây dựng và thống nhất chung được cho nhiều ngành (nói là được nhưng để thực hiện được như thế không phải là điều dễ dàng). Nhưng đến tầm ERP thì đã hoàn toàn khác!
* Ý chí chủ quan và “ham muốn” của các nhà sản xuất phần mềm: đó là có thể làm được một sản phẩm khả dĩ đáp ứng được hầu hết các quy trình quản lý trong nhiều ngành sản xuất – kinh doanh. Mà không lường hết được những rắc rối và tính đặc thù cao của riêng từng lĩnh vực.
* Bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm ERP đình đám của nước ngoài, như Oracle, SAP,…những sản phẩm mà theo giới thiệu, quảng bá của các nhà sản xuất và đối tác là có thể ứng dụng được trong hầu hết các ngành sản xuất – kinh doanh.
Thực tế đã ghi nhận nhiều sự thất bại của các sản phầm ERP “tổng thể” và “đa ngành” mà nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam quan tâm phát triển: Số lượng ứng dụng ít, thành công lại càng ít hơn,…Điều này đã dẫn đến những khó khăn cho bản thân nhà sản xuất (bán hàng không được mà chi phí sản xuất thì cao). Ngược lại doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng ERP thì vẫn mãi miết đi tìm và mất tin tưởng với các sản phẩm phần mềm nội địa.
ERP chuyên ngành…
Trong thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, bên cạnh một số điểm chung thì hầu như có nhiều điểm khác nhau rất rõ nét. Ví dụ việc quản lý “định mức nguyên phụ liệu” trong ngành May mặc có thể rất khác với ngành Xây dựng. Sự khác nhau không chỉ diễn ra trong từng nội dung độc lập như thế mà còn phụ thuộc vào những chức năng liên quan với nó. Ngay trong cùng một ngành sản xuất, hai doanh nghiệp cũng có thể có rất nhiều điểm khác nhau trong quy cách quản lý. Làm được một sản phẩm đáp ứng được trong một ngành đã rất khó, huống chi “đa ngành”!
Tất nhiên, đứng trên góc độ của nhà cung cấp giải pháp không thể làm một sản phẩm ERP mà chỉ ứng dụng duy nhất cho một doanh nghiệp. Vì vậy để sản phẩm làm ra không bị lặp lại con đường “đa ngành” như trước thì phải lựa chọn hướng đi cho phù hợp. ERP chuyên ngành có lẽ là con đường phù hợp cho các doanh nghiệp sản xuất phần mềm ERP ở Việt Nam. Một khi tiềm năng tài chính chưa thực sự dồi dào, khả năng phân tích và thiết kế các hệ thống phần mềm quản lý lớn chưa thật sự tốt, nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn chưa nhiều thì tầm vóc, phạm vi của các sản phẩm làm ra cũng nên biết giới hạn lại, không nên quá ôm đồm, to tát với nhưng ham muốn “đa ngành” như trước!
Với nhà cung cấp giải pháp khi đầu tư cho một sản phẩm ERP chuyên ngành, họ sẽ có thời gian để hiểu sâu hơn các nghiệp vụ quản lý và những điểm đặc thù của loại hình sản xuất kinh doanh này. Từ đó có thể thiết kế và làm ra một sản phẩm:
* Thực sự phù hợp, gần gũi với các tác nghiệp thực tế
* Chảy ổn định vì được thiết kế chính xác ngày từ đầu
* Các thuật ngữ hiển thị rõ ràng, quen thuộc với người dùng
Với doanh nghiệp ứng dụng ERP thì lại có thêm nhiều lợi ích
* Có thể mua và ứng dụng một phần mềm quản lý phù hợp với yêu cầu
* Chi phí không quá cao, giảm bớt thời gian tìm kiếm, triển khai ứng dụng
* Người dùng có thể sử dụng phần mềm một cách dễ dàng hơn nhờ các khái niệm, ngôn ngữ, hình ảnh quen thuộc với các tác nghiệp hàng ngày…
Với các sản phẩm ERP chuyên ngành như thế, thì các nhà sản xuất phần mềm Việt Nam có thể không sợ những ông lớn nước ngoài. Mặc dù họ có sản phẩm nổi tiếng, với sự quảng cáo là có thể đáp ứng hầu hết yêu cầu của doanh nghiệp ứng dụng ERP và triển khai tốt cho tất cả các ngành. Một chút cảm nhận: nếu có một so sánh tổng hợp giữa sản phẩm ERP chuyên ngành của Việt Nam thực sự chất lượng với sản phẩm “đa ngành” của nước ngoài từ nhiều mặt như: chi phí bản quyền, sự phù hợp, tính ổn định, công nghệ thực hiện, đặc tính văn hóa,…thì khả năng mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu ứng dụng ERP sẽ lựa chọn sản phẩm ERP chuyên ngành trong nước có lẽ cao hơn.
Nói là ERP chuyên ngành có lợi thế trong tình hình hiện nay, nhưng thực ra để biến cái lợi thế trên giấy tờ đó ra thực tế không phải là một việc dễ dàng. Bản thân doanh nghiệp sản xuất phẩn mềm bên cạnh việc đầu tư công nghệ, nhân lực,…cần phải nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các chuyên gia trong những chuyên ngành mà phần mềm hướng đến. Ngoài ra phải luôn chấp nhận cạnh tranh với các sản phẩm ERP cũng chuyên ngành của nước ngoài và dĩ nhiên là cả những sản phẩm đa ngành vốn có.