Chống virus: Miễn phí hay trả phí?

Phần mềm chống virus miễn phí có đủ mạnh để bạn tin tưởng lựa chọn? Phần mềm trả phí sẽ bảo vệ máy tính tốt hơn so với phần mềm miễn phí?
Avast Free Antivirus với giao diện thiết kế hợp lý nhưng thường khuyến cáo người dùng chọn bản trả phí.

Nhóm thử nghiệm (NTN) gồm PC World Mỹ kết hợp cùng AV-Test.org thực hiện đợt “sát hạch” đầu năm với 10 phần mềm chống virus hàng đầu hiện nay (gồm 5 phần mềm miễn phí và 5 phần mềm trả phí, phiên bản 2011) nhằm tìm ra “ứng viên” sáng giá nhất đảm trách việc bảo vệ máy tính của bạn. (Lưu ý là bài viết này chỉ đề cập đến các phần mềm chống virus miễn phí và trả phí.)

Phần mềm chống virus thường được phân thành 4 loại là miễn phí, trả phí, bộ phần mềm chống virus tích hợp nhiều tính năng (suite) và bộ phần mềm chống virus tích hợp nhiều tính năng cao cấp (premium suite). Tùy thuộc vào tính chất quan trọng của công việc hoặc yêu cầu bảo mật mà bạn đọc có sự lựa chọn phù hợp.

Phần mềm chống virus miễn phí (gọi tắt là phần mềm miễn phí) thường chỉ chú trọng việc phòng chống virus và malware (phần mềm đơn năng). Chúng không hỗ trợ nhiều tính năng như phần mềm trả phí và bộ phần mềm đa năng. Bên cạnh đó, phần mềm miễn phí cũng thường đi kèm thông tin quảng cáo.

Symantec Norton AntiVirus 2011 có giao diện thân thiện và ít ảnh hưởng đến hiệu suất hệ thống

Điểm đáng ghi nhận là một vài phần mềm miễn phí phiên bản 2011 đã có sự tiến bộ đáng kể với tính năng phân tích hành vi (behavior) – một trong những tính năng bảo vệ “cốt lõi” của phần mềm trả phí giúp việc phát hiện malware (phần mềm mã độc nói chung) chưa có trong cơ sở dữ liệu nhận dạng (CSDLND) tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc cập nhật CSDLND mới của phần mềm miễn phí và trả phí là như nhau, không có sự khác biệt.

NTN đã tiến hành các bài kiểm tra, đánh giá về khả năng phát hiện virus, malware đã biết, chưa biết dựa trên CSDLND, khả năng làm sạch malware đã lây nhiễm cũng như tiến hành đo tốc độ quét, xem xét yếu tố giao diện người dùng và kịch bản quét của mỗi phần mềm. Tham khảo thông tin chi tiết tại find.pcworld.com/71017.

Giao diện

Giao diện tuy đơn giản nhưng Avira Antivirus Personal lại đạt kết quả rất tốt trong hầu hết phép thử.

Trong đa số phần mềm “sát hạch” đợt này, NTN nhận thấy hầu như không có sự khác biệt đáng kể về giao diện giữa bản miễn phí và trả phí. Chẳng hạn giao diện của Avira và Avast, chúng chỉ khác nhau ở việc có thêm (hoặc bỏ bớt) những tính năng hỗ trợ. Tuy nhiên với Panda Cloud Antivirus thì ngược lại; có sự khác biệt hoàn toàn giữa bản miễn phí và trả phí.

Khả năng phát hiện

Kết quả thử nghiệm cho thấy khả năng phát hiện virus, malware của hầu hết phần mềm miễn phí gần như tương đương với phần mềm trả phí (Tham khảo chi tiết trong bảng kết quả bên dưới). Panda Cloud Antivirus (bản miễn phí) và Panda Antivirus Pro (bản trả phí) cùng đạt tỷ lệ phát hiện thành công các mẫu thử dựa trên cùng CSDLND, tuy nhiên Antivirus Pro lại đạt tỷ lệ cao hơn trong mẫu thử phát hiện malware theo thời gian thực; điều này sẽ giúp việc bảo vệ máy tính tốt hơn trong việc chống lại những mối nguy hiểm mới xuất hiện.

Giao diện “Advanced mode” của BitDefender AntiVirus Pro 2011 có thể làm người dùng bị rối.

Về khả năng gỡ bỏ các thành phần do malware tạo ra trong hệ thống, nhìn chung thì phần mềm trả phí thực hiện có phần tốt hơn phần mềm miễn phí. Kết quả cũng tương tự với việc làm sạch các thành phần đã hoạt động lẫn chưa hoạt động của malware, cụ thể là phần mềm trả phí đạt tỷ lệ trung bình khoảng 44%, trong khi phần mềm miễn phí đạt 34%.

Ghi chú: Vào thời điểm viết bài thì Panda đã giới thiệu phiên bản 1.3 của Cloud Antivirus (miễn phí) khả năng nhận dạng malware tốt hơn. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết những tính năng nổi bật của phiên bản này tại find.pcworld.com/71018.

Tốc độ

Khả năng phát hiện malware của phần mềm miễn phí hơi thấp hơn so với phần mềm trả phí nhưng thay vào đó, tốc độ quét của chúng lại nhanh hơn trong đa số phép thử mà NTN thực hiện (9 trong 12 phép thử, trong đó mức chênh lệch cao nhất là 10%). Xét về khả năng ảnh hưởng hiệu suất hệ thống, cả phần mềm miễn phí lẫn trả phí đều làm chậm quá trình khởi động nhưng không đáng kể.

Bản miễn phí và có phí của Avast Antivirus chỉ khác nhau ở những tính năng hỗ trợ.

Cụ thể, quá trình khởi động của 1 máy tính không cài phần mềm chống virus trung bình mất 40,1 giây; sau khi cài đặt phần mềm chống virus miễn phí thì máy tính cần 44,1 giây để hoàn tất việc khởi động trong khi với phần mềm trả phí là 46 giây (chậm hơn 1,9 giây, khoảng chênh lệch này không đáng kể).

Trong phần thử nghiệm quét theo yêu cầu (on-demand scan) và quét theo truy xuất (on-access scan) với 4,5 GB dung lượng dữ liệu, thời gian của quét giữa phần mềm miễn phí và trả phí cũng khá sát nhau.

Khi thực hiện quét theo yêu cầu, phần mềm trả phí hoàn tất phép thử đạt trung bình 2 phút 25 giây, nhanh hơn phần mềm miễn phí 19 giây (2 phút 44 giây).

Với phép thử quét theo truy xuất (kiểm tra dữ liệu tự động ngay tại thời điểm người dùng truy xuất hay sao chép dữ liệu) thì phần mềm miễn phí đạt trung bình 4 phút 50 giây trong khi phần mềm trả phí hơi chậm hơn với 4 phút 58 giây.

Ứng viên sáng giá

Microsoft Security Essentials chọn cách dùng màu sắc để cảnh báo người dùng.

Trong bảng xếp hạng phần mềm miễn phí, Avast Free Antivirus giành ngôi vị đầu bảng với khả năng phòng chống malware mạnh mẽ, giao diện người dùng thiết kế hợp lý và ít ảnh hưởng đến hiệu suất hệ thống. Avira AntiVir Personal đạt kết quả rất tốt trong hầu hết các phép thử nhưng chỉ xếp ở vị trí thứ hai do giao diện người dùng khá đơn giản. Norton Antivirus 2011 dẫn đầu bảng xếp hạng phần mềm trả phí với khả năng nhận dạng malware xuất sắc, giao diện người dùng thân thiện và ít ảnh hưởng đến hiệu suất hệ thống.

Một trong những tính năng ấn tượng của Norton Antivirus là cơ chế bảo vệ người dùng dựa trên mức độ “danh tiếng” (reputation), chủ động bảo vệ máy tính theo thời gian thực trước những mối đe dọa bảo mật mới xuất hiện. BitDefender Antivirus Pro 2011 mạnh mẽ không kém trong việc phát hiện và ngăn chặn malware, tuy nhiên tốc độ quét có phần chậm hơn và giao diện người dùng vẫn chưa được nhà sản xuất cải thiện tốt hơn so với phiên bản 2010.

Trở lại với câu hỏi chọn phần mềm chống virus miễn phí hay trả phí trong việc bảo vệ máy tính? Kết quả thử nghiệm cho thấy không có sự cách biệt về khả năng phát hiện malware và tốc độ quét giữa phần mềm miễn phí và trả phí. Tuy nhiên như đã đề cập, điểm khác biệt giữa bản miễn phí và trả phí là tính năng và hỗ trợ kỹ thuật.

Rất ít phần mềm chống virus miễn phí có hỗ trợ kỹ thuật qua chat, điện thoại miễn phí, vì vậy khi có sự cố thì thường bạn phải tự mình “giải quyết”, tham khảo thêm thông tin “Chương trình bảo mật nào thích hợp: đơn năng hay đa năng?” trong bài viết ID: A1001_100. Như vậy có thể thấy phần mềm chống virus miễn phí là lựa chọn thích hợp với người dùng am hiểu kỹ thuật trong khi phần mềm trả phí sẽ là lựa chọn tốt nhất với người dùng phổ thông.

Theo: PC World Vn

Bình luận