Việc Hà Nội chịu chơi sắm ai pét cho các vị đại biểu nhân dân đương nhiên khiến người Đà Nẵng xấu hổ. Chịu chơi quá, khi những chiếc Ipad 1.000 USD nằm trong nhóm hàng xa xỉ Chính phủ hạn chế nhập khẩu thời kinh tế khó.
Câu chuyện được bắt đầu khi tờ VnExpress loan tin, từ đầu tháng 7, các ông bà hội đồng của Hà Nội được trang bị một máy tính bảng để phục vụ công việc. Tờ báo cho biết, thay vì lật từng trang giấy, các đại biểu đã bắt đầu quen với việc “kéo, trượt, phóng to, thu nhỏ”, và các vị đại biểu của dân này tỏ ra rất hào hứng khi làm quen với công nghệ mới.
Cùng với đó, rất mau mắn như thể đây là cơ hội hiếm có để xây dựng hình ảnh (tuyệt không có can hệ gì đến đề thi “cơ hội” của ngành Giáo dục đâu nhé), ông Chánh Văn phòng HĐND thành phố hồ hởi cho báo giới biết thêm: Việc trang bị Ipad nhằm tiết kiệm chi phí in giấy, đồng thời để các đại biểu không phải khệ nệ mang vác hàng chục kg tài liệu, và đặc biệt, để tiến tới Chính phủ điện tử.
Không tiếc tiền của trang bị đồ công nghệ cao để các công chức mẫn cán phục vụ nhân dân tốt hơn quả nhiên rất đáng nhận được một tràng pháo tay của bạn đọc xa gần. Nhưng, như dân gian thường nói, những người đi trước là những người dũng cảm, một số không nhỏ những kẻ hẹp hòi chưa được sờ vào Ipad bao giờ đã ngay lập tức lên tiếng bày tỏ thái độ.
Lý do mà họ vin vào để mở miệng phản đối thì nhiều vô số kể. Trước nhất, người ta so kè từng li từng tí xem việc in tài liệu giấy so với việc mua Ipad thì đằng nào tốn kém hơn. Làm một phép tính đơn giản mà đám trẻ trâu trẻ bò cũng xơi được, là ra vấn đề ngay. Thế này nhé, HĐND mỗi năm họp hai kỳ, mỗi kỳ tốn hàng trăm triệu đồng như ông Chánh Văn phòng nói (ta hãy lấy khiêm tốn là 100 triệu đồng, tức mỗi đại biểu 1 triệu đồng tiền giấy), vị chi mỗi năm mất 200 triệu đồng, tức số tiền 3 tỷ mua Ipad có thể dùng để in giấy cho 15 năm.
Thưa quý vị, 15 năm tương đương với 3 khóa HĐND, trong khi như ta biết, những đồ công nghệ cao như Ipad lại có tiếng là yểu mệnh, dùng được trọn vẹn cho một khóa làm đại biểu kể cũng đã tài, nhất là người Việt Nam ta vốn có biệt tài vừa dùng vừa phá “đồ chùa”. Hơn nữa, nếu chỉ đọc tài liệu, thì các hãng công nghệ trên thế giới cũng rất biết chiều lòng những người ít tiền với các thiết bị đọc sách như Kindle Fire, mà giá cả mềm mại hơn nhiều.
Chưa hết, theo đúng truyền thống “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” của các cụ ở quê, nhiều người còn kêu giời kêu đất rằng mỗi kỳ họp cho mấy chục con người mà in tới hàng trăm triệu đồng tài liệu, gớm ghê thật. Mà, cái này mới là tuyệt đỉnh, như chính ông Chánh Văn phòng thừa nhận trên Thanh Niên: Các đại biểu đọc không xuể!
Hic, thật khó mà cắt nghĩa được trọn vẹn cái logic của ông chánh văn phòng, vì Ipad nhất định không phải là thứ có sức mạnh thần kỳ khiến các vị đại biểu đầy tinh thần trách nhiệm của chúng ta chịu khó hơn trong việc đọc tài liệu. Vả lại, nếu các vị đọc không xuể, thì phải chăng trước nay HĐND thành phố có nhã ý giúp đỡ các nhà máy giấy trên địa bàn, hoặc muốn tạo công ăn việc làm cho các bà các chị ve chai đồng nát chuyên thu mua giấy lộn?
Nghĩ thêm cho kỹ, cứ giả sử các ông bà hội đồng của chúng ta cắm mặt vào Ipad không phải để xem phim, nghe nhạc, chơi games (nên nhớ, 80% những tính năng của Ipad là dành cho giải trí) mà là tập trung nghiên cứu tài liệu, thì cái việc nghiên cứu tài liệu này cũng kỳ kỳ thế nào ấy. Cứ mỗi kỳ họp, cái cảnh thường thấy là ở trên khán đài, một vị đọc những báo cáo dài lê thê, ở dưới hội trường, các đại biểu kiên trì nghiền ngẫm cũng chính cái… báo cáo ấy. Khổ thật, những vị đã được bước chân vào chốn hội đồng thì chắc chắn không ai mù chữ cả, sao cứ phải ra rả đọc đi đọc lại những tài liệu mà ai cũng có, ai cũng hiểu? Vả chăng, nếu cứ vác cả chục kg tài liệu đến hội trường rồi mới đọc mà vẫn thấm nhuần, vẫn nắm bắt được nội dung của chúng để vặn vẹo thì kể cũng kỳ tài, quả thật xứng với niềm tin mà đông đảo cử tri gửi gắm.
Nhưng chắc chắn, đó vẫn chưa phải là điều đáng kể nhất về sự vui tính của người Hà Nội. Xưa nay, Thủ đô vẫn tự hào là gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành các chủ trương của Trung ương, mà cán bộ thì đương nhiên là đi trước để làng nước theo sau rồi. Đến nay, niềm tự hào ấy càng được củng cố vững chắc như đê sông Hồng, nếu ta đặt việc đang bàn bên cạnh chủ trương của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Trong đó, một nội dung đáng chú ý và rất hợp lòng dân là Chính phủ yêu cầu quyết liệt đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hạn chế tối đa nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng xa xỉ, không cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng hiệu quả và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Không có văn bản cụ thể nào khẳng định Ipad là xa xỉ, nhưng theo thống kê mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 7, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng thuộc diện cần kiểm soát, hạn chế nhập khẩu đang có xu hướng giảm trong nửa đầu năm. Và, được xếp vào nhóm hàng xa xỉ, kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động đã giảm tới gần 50%. Ipad, nghe nói còn hơn cả một chiếc điện thoại thông minh, chắc không thể nằm ngoài cái nhóm hàng không dành cho người nghèo kia.
Ai mà biết được sao các đại biểu hội đồng của Hà Nội lại bỗng dưng thích sử dụng hàng xa xỉ vào lúc cả nước đang thắt lưng buộc bụng, nhưng nếu quý vị nghĩ rằng họ không có lý lẽ để biện bác lại, thì quý vị đã lầm to. Xin thưa, vẫn theo lời ông Chánh Văn phòng, mục đích chính của việc xài hàng hiệu là từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
Quả nhiên đây là một mục đích cao cả và tiến bộ, dù rằng không biết cái “từng bước” này của Hà Nội là đến bao giờ. Nói gì đến chính quyền điện tử, chỉ cái viễn cảnh một ngày đường sá thênh thang không tắc không ùn, mưa to không phải vừa đi vừa bơi vừa lội, đã là một ước mơ khá “xa xỉ” với bà con đất rồng bay. Hà Nội cũng vừa đặt quyết tâm sẽ hết ngập trong 3 năm nữa, nhưng người đa nghi thì bảo cái cụm từ “3 năm nữa sẽ” này nghe cứ quen quen, người lạc quan thì dự báo Hà Nội sẽ hết ngập nhưng lại bị lụt…
Nhưng dẫu sao, để Hà Nội “độc cô cầu bại” tự so với mình như vậy cũng không sòng phẳng, có lẽ ta nên dành cơ hội để Thủ đô nhìn các thành phố khác xem sao, mà Đà Nẵng chắc là tiện nhất, khi mấy nay báo chí cũng nhấp nhổm không yên về “hiện tượng” Nguyễn Bá Thanh – ông Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố. Có người khen, có người dè dặt đánh giá, nhưng ta hãy thử làm một so sánh nho nhỏ và cụ thể xem sao.
Hôm nay, tờ Sài Gòn Giải phóng cho biết, lãnh đạo Đà Nẵng vừa ký quyết định mua lại một phần các căn hộ chung cư từ các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn để bán cho cán bộ, công chức và các đối tượng chính sách. Các căn hộ có diện tích 50 – 55m², giá bán bình quân từ 350 – 400 triệu đồng/căn, tức khoảng 7 triệu đồng/m2. Cùng ngày, báo Công an Đà Nẵng đăng một bài to trên vị trí vơ đét về nỗi mức giá nhà thu nhập thấp ở thành phố xinh đẹp này dao động khoảng 300 triệu đồng mỗi căn, rồi phàn nàn chì chiết rằng với cái giá ấy thật không thể nói là rẻ được.
Còn ở Hà Nội, các nhà đầu tư vừa công bố giá nhà thu nhập thấp Sài Đồng là gần 14 triệu đồng/m2, giá mỗi căn “chỉ” trên dưới một tỷ, trong khi doanh nghiệp được vô số ưu đãi về tiền sử dụng đất (khoản chi nghe đâu nặng đô nhất), về thuế, về tín dụng…
Ai mà lý giải được cái sự tréo ngoe này ở đất Thủ đô danh giá, chỉ biết, dân Đà Nẵng quả là những người khó tính nhất Việt Nam khi đánh giá chính quyền và ngược lại, các quan ở Đà Nẵng quả cũng khốn khổ hơn ở Hà Nội nhiều.
Tuyệt không thấy ông Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh nhắc đến cái Ipad giá 1.000 USD cho các đại biểu, nhưng ta cũng không nên quên, tháng 6 vừa qua, Đà Nẵng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông vinh danh là địa phương ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhất.
Hẳn quý vị đã từng nghe các báo tường thuật lại việc ông Thanh truy các Giám đốc Sở như thể trẻ con quay dế, xin cho phép người viết chỉ nhắc lại một câu của ông Chủ tịch: Muốn chất lượng hơn chỉ có một cách là… lội dưới cơ sở. Họp hội cũng cần nhưng phải dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở mới nắm được vấn đề, để hỏi đâu trả lời đấy. Phải nắm được gốc của vấn đề để biết cách xử lý và trả lời cho dân, chứ đừng “phỉnh” người ta, nói theo kiểu cho… uống thuốc an thần!
Cuối cùng, để cho khỏi mang tiếng thiên vị để người Hà Nội phải ấm ức, xin được kể lại một chi tiết tại phiên họp HĐND thành phố đang diễn ra, được báo điện tử Infonet tường thuật.
Theo đó, khi được các đại biểu yêu cầu phải gửi sớm nội dung trả lời chất vấn để công khai cho dân biết, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Khôi đã đề nghị chuyển câu hỏi chất vấn của kỳ họp sớm hơn, vì nếu gửi trước 5 ngày thì không kịp hoàn thiện…
Này các em học sinh đang gù vẹo cả cột sống, khốn khổ chả kém gì các đại biểu hội đồng ngày xưa vì phải vác những chiếc cặp to tổ bố với hàng kg sách vở, nếu đi thi mà không trả lời được thì về tòa thị chính Thủ đô mà hỏi cách, rồi yêu cầu các thầy cô giáo cung cấp đề bài trước 5 ngày nhé…
Hoặc, có thể sang HĐND thành phố học hỏi, rồi về xin mẹ một chiếc Iphone 4S đời mới nhất để làm quà khích lệ khi đi thi xem sao, như thí sinh này chẳng hạn.
Làm việc theo phong cách thời công nghệ thông tin phải thế chứ!
Theo phunutoday.vn