Báo động đỏ về virus máy tính tại Việt Nam

Chỉ riêng năm 2010, đã có tới 58,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus. Theo đó, trung bình một ngày đã có hơn 160 nghìn máy tính bị nhiễm virus. Các chuyên gia an ninh mạng đánh giá, đây là con số báo động về tình hình virus máy tính tại Việt Nam.

Trong năm 2010, đã có 57.835 dòng virus xuất hiện mới, nhưng virus lây lan nhiều nhất lại là một dòng virus cũ W32.Conficker.Worm. Virus này từng “nổi đình đám” trên toàn cầu từ cuối năm 2008. Tưởng đã bị “chìm xuồng”, thế nhưng theo thống kê của công ty An ninh mạng Bkav, đã có tới 6,5 triệu lượt máy tính bị nhiễm Conficker trong năm 2010.

Các virus siêu đa hình (Metamorphic virus) tiếp tục đứng trong top 3 những virus lây nhiễm nhiều nhất trong năm và là nỗi ám ảnh với người sử dụng máy tính tại Việt Nam. Với khả năng “thay hình đổi dạng” để lẩn trốn, 2 dòng virus Vetor và Sality đã lan truyền trên 5,9 triệu lượt máy tính.

Trong bản báo cáo tình hình virus máy tính cuối năm 2009, các chuyên gia an ninh mạng đã từng dự báo, “2010 sẽ là năm chứng kiến sự tăng đột biến của các chương trình diệt virus giả mạo”. Và trên thực tế năm 2010 đã chứng kiến sự bùng nổ lượng máy tính bị nhiễm virus giả mạo phần mềm diệt virus, lên đến 2,2 triệu lượt, gấp 8,5 lần so với con số 258.000 của năm 2009.

Dẫn dụ người sử dụng tới các website giả mạo quét virus trực tuyến, nhằm cài đặt mã độc lên máy tính là đặc điểm chung của các FakeAV. Nguyên nhân chính khiến rất nhiều người sử dụng tại Việt Nam đã nhiễm những loại viurs này là do thói quen dùng phần mềm trôi nổi, không có bản quyền. Với thói quen này, mặc dù đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước, nhưng người sử dụng vẫn dễ dàng “hồn nhiên” bấm vào mọi đường link cho dù chưa rõ nó là cái gì. Đây là sơ hở chết người để các FakeAV lây nhiễm vào máy tính.

Cùng với đó, cũng đã có hơn 1,4 triệu lượt máy tính đã bị nhiễm dòng virus giả mạo thư mục, giả mạo file ảnh, file word, excel. Bằng cách sử dụng icon để ngụy trang, file thực thi của virus trông có vẻ giống hệt một thư mục hay một file dữ liệu dạng ảnh, file word, file excel…

Điều này đã dễ dàng đánh lừa cảm quan của người sử dụng, thậm chí là cả các chuyên gia có kinh nghiệm, khiến họ dễ dàng mở file virus và bị nhiễm mà không chút nghi ngờ. Đây cũng là lý do khiến dòng virus này tuy mới xuất hiện nhưng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Theo quy luật phát triển hình xoáy trôn ốc, sự quay trở lại của loại virus này với hình thái mới sẽ có hành vi tinh vi hơn so với những virus phá hủy dữ liệu của những năm 90. Các dòng virus phá hủy dữ liệu mới được trang bị các kỹ thuật lây lan nhanh qua Internet, nên tốc độ phát tán hơn hẳn so với việc âm thầm lây lan của những virus phá hủy dữ liệu trước đây. Chính vì vậy, mức độ nguy hiểm gấp hàng nghìn lần.

Báo động tình trạng xâm nhập hệ thống, tấn công DDoS

Trong năm 2010, liên tiếp nhiều website lớn tại Việt Nam bị virus xâm nhập, lộ thông tin quan trọng hay bị tấn công DDoS trong thời gian qua đang là vấn đề gây lo lắng trong xã hội.

Các chuyên gia đã phát hiện một số nhóm hacker đã cài đặt virus xâm nhập vào các hệ thống mạng tại Việt Nam, qua đó đánh cắp thông tin bí mật nội bộ của các tổ chức. Bên cạnh đó, chúng còn kiểm soát được các website chuyên download phần mềm nhằm cài đặt virus vào các máy tính tải phần mềm từ các website này. Từ đó chúng có thể điều khiển mạng lưới máy tính ma – botnet – để tấn công DDoS vào các hệ thống lớn tại Việt Nam.

Đây là tình trạng đáng báo động vì ngoài việc các hệ thống lớn có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, còn có hàng chục nghìn máy tính trên cả nước đang bị hacker điều khiển, có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Để tránh cho máy tính của mình rơi vào tầm kiểm soát của các hacker này, chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, người sử dụng cần hết sức cảnh giác khi tải các phần mềm về máy tính của mình. Đồng thời, người sử dụng cũng cần cập nhật thường xuyên phần mềm diệt virus trên máy tính của mình để kịp thời ngăn chặn virus xâm nhập.

2011: Cẩn trọng với an ninh trên mạng di động

Các chuyên gia an ninh mạng dự báo, sẽ có nhiều cuộc tấn công, lừa đảo trên điện thoại di động trong năm 2011. Có thể sẽ ghi nhận những cuộc phát tán mã độc đầu tiên trên điện thoại di động, với hình thức tấn công chủ yếu dưới dạng các trojan, ẩn náu và ăn cắp thông tin cá nhân.

Rootkit sẽ là một xu hướng mới khi đã trở thành công cụ “đại chúng hóa” chứ không còn là “đặc quyền” của một số tin tặc “biết nghề” như trước. Các dòng virus siêu đa hình sẽ kết hợp nhiều kỹ thuật mới để tạo ra những sự lây lan dai dẳng kéo dài trong nhiều năm.

Cùng sự phổ biến của Windows 7 với khả năng đảm bảo an ninh cao và mọi quyết định thực thi quan trọng trên máy tính sẽ thuộc về người sử dụng, xu hướng virus đánh lừa người sử dụng bằng cảm quan sẽ phát triển mạnh. Trường hợp các virus giả mạo file dữ liệu (Fake icon) là những biểu hiện đầu tiên và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2011.

Virus lợi dụng các trang download phần mềm phổ biến để phát tán, tạo ra mạng botnet, tấn công có chủ đích các mục tiêu định trước, lấy trộm các thông tin bí mật của tổ chức, cá nhân sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Danh sách 15 virus lây nhiều nhất trong năm 2010:
12

3

4

5

6

7

8

W32.Conficker.WormW32.Vetor.PE

W32.Sality.PE

W32.AutoRunUSB.Worm

W32.SecretCNC.Heur

W32.ForeverX.Worm

W32.CmVirus.Trojan

W32.UpdateUSBA.Worm

910

11

12

13

14

15

W32.StuxnetQKE.TrojanX97M.XFSicW32.SilityVJ.PE

W32.BedolabD.Worm

W32.Regsvr.Trojan

W32.DownRefronE.Worm

W32.SysdiagTHA.Trojan

Theo Vnmedia
Bình luận