Ứng dụng doanh nghiệp lên “mây”

Điện toán đám mây (cloud computing) đã được đề cập nhiều nhưng việc quan tâm ứng dụng tại Việt Nam chỉ mới nổi lên gần đây. Microsoft lần đầu tiên cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trong nước và FPT-IS làm đối tác của Salesforce tại Việt Nam…Hiện vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi trong việc đưa dữ liệu doanh nghiệp lên “đám mây”. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đây là xu hướng rõ rệt trên toàn cầu khi mà thị trường công nghệ chịu áp lực về sự gia tăng nhanh chóng của dữ liệu, cũng như nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp về các mô hình ứng dụng linh hoạt trên web.

Theo IDC, tổng thị trường điện toán đám mây toàn cầu hiện đạt doanh thu hơn 68 tỷ đô-la Mỹ. Tính riêng ứng dụng trong doanh nghiệp tại khu vực châu Á (trừ Nhật), doanh thu khoảng 1,3 tỷ đô-la Mỹ và tăng trưởng khoảng 40% hằng năm cho đến năm 2014.

Ứng dụng linh hoạt

Theo ông Stephane Kimmerline, Giám đốc tiếp thị Microsoft Việt Nam, công nghệ điện toán đám mây đang làm thay đổi nhanh chóng việc ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp. Các dịch vụ sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới nhờ nền tảng này cho phép doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc phát triển và mở rộng quy mô cũng như quản lý hoạt động và chuyển giao hệ thống. Xét về mặt kinh doanh, nền tảng này có thể đáp ứng được quy mô của mọi doanh nghiệp trong khi chi phí vận hành thấp và doanh nghiệp có thể linh động đầu tư theo nhu cầu. “Chính vì thế, Microsoft nhắm vào doanh nghiệp Việt Nam với nhu cầu về giải pháp linh hoạt hơn phục vụ cho hoạt động kinh doanh”, ông Stephan cho biết.

Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT-IS) cũng tham gia cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng doanh nghiệp bằng việc làm đối tác triển khai giải pháp của Salesforce.com tại Việt Nam. Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó tổng giám đốc FPT-IS, cho biết thời điểm này là thích hợp để đón đầu xu hướng ứng dụng của doanh nghiệp trên nền tảng điện toán đám mây. Sở dĩ FPT-IS chọn Salesforce là vì đây là nhà cung cấp ứng dụng phần mềm doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ điện toán đám mây và giải pháp quản lý quan hệ khách hàng Salesforce CRM hiện đang được sử dụng tại gần 90.000 doanh nghiệp trên toàn cầu.

Theo ông Hùng, CRM “đám mây” là xu hướng mới dần thay thế các phần mềm CRM truyền thống vốn đòi hỏi khách hàng phải đầu tư và duy trì hạ tầng thiết bị tốn kém hơn. Với công nghệ điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể truy cập ứng dụng Salesforce CRM qua Internet, thông qua hình thức thuê user trên web mà không phải cài đặt bất kỳ phần cứng hay phần mềm nào. Doanh nghiệp cũng có thể thuê số lượng tùy theo nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính. Doanh nghiệp dễ dàng quản lý các mối quan hệ khách hàng được thiết lập trong quá trình kinh doanh tích hợp từ nhiều kênh thông tin như e-mail, điện thoại, mạng xã hội… để chuẩn hóa, lưu trữ và sắp xếp phục vụ cho các quyết định kinh doanh.

Nhờ thế, người sử dụng dễ dàng tiếp cận dịch vụ của doanh nghiệp ngay trên thiết bị di động và luôn có thông tin bán hàng thực tế khi di chuyển. Thậm chí, khi muốn kết thúc, họ có thể gửi ngay e-mail cho khách hàng thông qua điện thoại. Các dịch vụ “trên mây“ cung cấp mọi thứ để người ứng dụng hoàn thành việc giao dịch và theo dõi mọi hoạt động kinh doanh theo thời gian thực tế.

Chờ thực tiễn

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển mô hình hoạt động lên Internet vì công nghệ “đám mây” cung cấp nhiều tiện ích, nhất là truy cập nhanh chóng, dễ dàng vào các công cụ và dịch vụ. Nền tảng này giúp xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng, kết nối nhân viên với các thông tin về đồng nghiệp, đối tác và cơ hội kinh doanh mà ở mô hình phần mềm truyền thống còn hạn chế. Ở góc độ bán hàng, mô hình “đám mây” linh hoạt cập nhật dữ liệu về con người, thông tin, giao dịch… để thiết lập một mạng xã hội thu nhỏ giúp kiểm soát kịp thời các hoạt động kinh doanh.

Hiện ở Việt Nam, một số doanh nghiệp nước ngoài như Dell, Prudential, ngân hàng ANZ, Capital Land… cũng đã sử dụng giải pháp này. Đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi hệ thống chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp và có quy mô rộng. Các ứng dụng trên nền web hướng đến người sử dụng sẽ giúp doanh nghiệp tương tác với khách hàng và tạo ra một mạng xã hội giúp người sử dụng tham gia cộng đồng có thể chia sẻ kinh nghiệm và nhu cầu, theo đó doanh nghiệp có những ứng xử kịp thời.

Prudential bắt đầu ứng dụng Salesforce CRM từ năm 2009. Ông Đào Hữu Phúc, Giám đốc công nghệ Công ty Tài chính Prudential Việt Nam, chia sẻ một số kinh nghiệm: “Bảo hiểm là ngành rất đặc thù đòi hỏi khả năng tìm kiếm và chăm sóc khách hàng một cách có hiệu quả. Điều này đòi hỏi ứng dụng quản lý của phần mềm phải linh hoạt. Prudential bắt đầu áp dụng công nghệ điện toán đám mây ở các văn phòng đại diện ở các nước châu Á ngay từ khi công nghệ này được các nhà phát triển ứng dụng giới thiệu”.

Ông Phúc cho biết, trước khi sử dụng CRM Salesforce, Prudential Việt Nam sử dụng giải pháp CRM theo mô hình ba tầng (tier) truyền thống. Nhưng năm 2009, do đẩy mạnh chiến lược bán các sản phẩm vay tiêu dùng và bán bảo hiểm, đã nảy sinh nhu cầu về một hệ thống CRM linh hoạt có khả năng giúp các nhân viên và đại lý dễ dàng truy cập mọi lúc mọi nơi. Điều thuận lợi trước tiên khi dùng Salesforce CRM là thời gian triển khai nhanh, chỉ tám tuần so với giải pháp trước đây mất tám tháng. Tổng chi phí sở hữu (TCO) cũng có thể tính được với mức thấp hơn khoảng 20%. Chương trình cũng cho khả năng đáp ứng linh động với sự thay đổi số lượng người sử dụng cuối trong khi việc quản trị đơn giản.

Hiện Prudential ứng dụng Salesforce CRM theo mô hình phần mềm như là dịch vụ (SaaS) và là một phần của điện toán đám mây. Mô hình này cho phép mở ra nhiều kênh bán hàng như điện thoại, web, bán theo đối tượng… Hệ thống có thể kiểm soát theo thứ tự ưu tiên, theo dõi doanh số hay chỉ tiêu bán hàng theo cá nhân hay nhóm; theo dõi tình trạng đáp ứng của khách hàng và các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến trong quá trình trao đổi với khách hàng… Hiện dịch vụ đã triển khai cho đội ngũ bán hàng với khả năng truy cập đồng thời đến 300 người. Trong năm nay, hệ thống sẽ mở rộng đến đội ngũ chăm sóc khách hàng có nợ quá hạn và các bộ phận liên quan khác, ông Phúc cho biết.

Khu công nghiệp Long Hậu là doanh nghiệp khách hàng đầu tiên của Microsoft tại Việt Nam ứng dụng phần mềm dịch vụ điện toán đám mây Microsoft Dynamic ERP – Software-Plus-Services. Ông Đoàn Hồng Dũng, Tổng giám đốc Công ty Long Hậu, cho biết Long Hậu là một trong những khu công nghiệp hỗn hợp với nhiều ngành nghề, việc chọn lựa đưa ứng dụng quản lý doanh nghiệp lên “đám mây” được kỳ vọng mang lại nhiều tiện ích nhất cho khách hàng.

Với các tiện ích Software-Plus-Services, các công việc dịch vụ trực tuyến sẽ được kết nối với phần mềm cốt lõi để mở rộng các tính năng cho hệ thống ứng dụng của doanh nghiệp. “Nhu cầu của khách hàng ngày một phức tạp hơn cũng như sự cạnh tranh ngày càng nhiều hơn, vì thế Long Hậu cần tăng cường hiệu suất công việc, hợp lý hóa quy trình vận hành nghiệp vụ để nâng cao độ chuẩn xác của hoạt động kinh doanh”, ông cho biết.

Theo TheSaiGonTimes

Bình luận