Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vì sao “xương sống” vẫn xiêu vẹo?

Khi nói về sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: “Dường như chúng ta đã để DN tự phát, hỗ trợ từ chính sách chưa được nhiều. Hầu hết nguồn vốn vẫn đổ dồn vào DN nhà nước hoặc DN tư nhân lớn”.

Nhìn vào con số đóng góp hiệu quả cho xã hội thì không thể bỏ qua vị trí của DNNVV – khu vực chiếm trên 95% tổng số DN trên toàn quốc. Mặc dù có quy mô nhỏ và vừa, nhưng với số lượng lớn như vậy thì giá trị tuyệt đối của đóng góp cho nền kinh tế từ khu vực này lại rất lớn. Với đóng góp như vậy, việc khẳng định hỗ trợ DNNVV là chủ trương hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào, hướng đi ra làm sao thì cần phải nhìn nhận trong giai đoạn vừa qua đã làm được đến đâu…

Siêu “dự bị” chưa được quan tâm

Theo ông Đông: “Chính sách đã có nhiều, nhưng để kiểm đếm được kết quả hỗ trợ cho DNNVV là rất khó. Chúng ta có thể đếm được bao nhiêu người đi học các lớp tập huấn, bao nhiêu DN được hỗ trợ khoa học công nghệ…, còn đong đếm các DN đấy tiếp thu kiến thức để mang lại kinh tế thực sự cho họ thì vẫn chưa làm được. Đối với DN, muốn phát triển bền vững và lớn mạnh thì phải có nguồn lực con người, trình độ công nghệ phải đáp ứng được để cho ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá thành hạ, phải có thông tin về thị trường, tiếp cận thị trường bằng sự hỗ trợ từ Nhà nước… Cả một chuỗi nhu cầu của DN có đủ năng lực đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh thì hiện nay có đến 3, 4 cơ quan cùng hỗ trợ, nhưng mỗi cơ quan chỉ hỗ trợ một phần trong chuỗi nhu cầu thiết yếu của DN”.

“Điều đáng nói hơn là hầu như không có sự giao thoa giữa các Bộ hỗ trợ cho phía DNNVV. Tất cả các DNNVV chỉ tiếp cận được một phần sự hỗ trợ sẽ không đủ để họ trở thành DN hoạt động kinh doanh hiệu quả. Chẳng hạn, được về nhân lực hiểu biết quản trị DN thì thiếu về công nghệ, có công nghệ lại thiếu thị trường. Đây chính là sự rời rạc của chính sách hiện nay”, ông Đông nói.

Còn ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV, cho rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của DNNVV là bị Nhà nước “bỏ rơi”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ để có Nghị định 56 quy định khu vực DNNVV theo tiêu chí về vốn và lao động để xác định DNNVV. Thế nhưng tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng hỗ trợ DN thì lại không quan tâm đến tiêu chí này, mà dùng tiêu chí về quy mô và doanh thu. Như vậy, Nhà nước mong muốn dùng chính sách để hỗ trợ DNNVV, nhưng các tổ chức tín dụng lại không tuân theo Nghị định 56. Vì tiêu chí của ngân hàng gắn với thông lệ quốc tế, gắn với lợi nhuận của ngân hàng.

 


Nguồn: Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI)

“Chúng ta đưa ra chính sách gì thì cần phải đúng với tiêu chuẩn quốc tế và thống nhất, vì ngân hàng có tính mở rất cao”, ông Nam đề xuất. Ngoài ra, ông Nam có cảm nhận DN siêu nhỏ vẫn còn đang bị xem nhẹ. Đây chính là lực lượng “dự bị” hùng hậu mang bản sắc của DNNVV.

Nhiều nhưng rất “chung chung”

Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ thì nhiều, nhưng mới chỉ dừng ở… “trên giấy”, vì nhiều lý do chưa thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Thống kê của ông Đào Văn Hà – Giám đốc Ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế ODA, cho thấy có khoảng 30% DNNVV vay được vốn từ ngân hàng, 90% không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, 42% doanh nghiệp không thể vay vốn, 71% vay vốn lãi suất cao trên 17%. Những con số này được rút ra từ cuộc khảo sát gần 8.000 DN của tổ chức này.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết việc ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng từ năm 2001 đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của DNNVV, tuy nhiên hoạt động của quỹ cho đến nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Chẳng hạn, các Quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương hoạt động rất đơn điệu, rời rạc, chưa thực sự tạo được lợi thế, mà chính sách đưa ra cũng như chưa giải quyết được vấn đề hỗ trợ DN. Ngoài ra, quy mô bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng ở Trung ương cho DNNVV vẫn rất hạn chế.

Qua khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI), 55% số DN cho biết trở ngại do thủ tục vay vốn (hồ sơ vay vốn phức tạp, không đủ thủ tục vay vốn đơn giản cho các DNNVV); 50% số DN cho biết trở ngại do yêu cầu thế chấp (thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp, như: hàng trong kho, các khoản thu…); 80% số DN cho biết trở ngại do lãi suất chưa phù hợp.
Ông Lê Xuân Hiền – Trưởng Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, cho rằng DNNVV cần nhất lúc này là hành lang pháp lý, cải cách hành chính phải “đến nơi, đến chốn”, nói là phải làm.

Có thể thấy đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhưng còn rất chung chung. Điểm ra những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DNNVV thì mới chỉ “trên đầu ngón tay”. Đặc biệt, những chương trình, chính sách về vốn của Nhà nước đối với DNNVV thực tế lại rơi vào các DN lớn. Do đó, cần phải xem xét lại cách tiếp cận, vị thế và vai trò của DNNVV, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, trực tiếp đến khối DN này.

Theo TBKT

Bình luận