“Trận đánh lớn” của ngành Giáo dục

Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận coi cuộc Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này như “trận đánh lớn” là có lý.

Phải “lớn”, tức huy động đông đảo lực lượng, không chỉ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp từ mầm non đến đại học, trung học chuyên nghiệp, mà còn tất cả học sinh và phụ huynh học sinh, có nghĩa là toàn xã hội.

Phải “đánh”, tức là “đánh” vào những thói quen lạc hậu đã dai dẳng ngự trị công cuộc giáo dục thế hệ trẻ từ quá lâu mà nhiều cuộc “cải cách” trước hầu như không làm mảy may suy suyển.

“Trận đánh lớn” tất nhiên sẽ phải mở ra trên nhiều mặt trận: từ cơ sở vật chất, đến cơ cấu, tổ chức, nhân sự… Nhưng có thể thấy ngành giáo dục cho rằng bước chuyển mang tính đột phá là về phương pháp giáo dục.

Khẩu hiệu được tập trung nhấn mạnh nhất là: chuyển từ cách thầy giảng, trò nghe và học thuộc thành thầy tổ chức việc học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức.

Thực ra điều này không mới. Nếu ta nhớ, người thầy cổ đại Hy Lạp đã để lại phương pháp dạy học mang tên mình (Socratic Method) là phương pháp kích thích tư duy phê phán của trò bằng hệ thống câu hỏi; Khổng Tử cũng coi đối thoại là một phương pháp dạy học trò quan trọng, giống như nhiều thiền sư Trung Hoa sau đó đã dùng các “công án” để kích thích thiền sinh đạt tới “đốn ngộ”.

Nhưng phương pháp giáo dục khai sáng, minh triết ấy đã bị mai một hàng ngàn năm ở cả phương Đông lẫn phương Tây do nền giáo dục hủ nho của Trung Hoa và thế giới Hán hóa ở phương này và đêm trường trung cổ mà nhà thờ Thiên Chúa giáo áp đặt ở phương kia.

Ở thời kỳ đầu công nghiệp hóa, giáo dục của chế độ tư bản cũng coi kiến thức như những gì được “ấn” vào trí óc của người học như “ấn vào một cục sáp mềm”, một hình ảnh gần đây có nhà nghiên cứu giáo dục dùng để mô tả tinh thần của thuyết “hành vi” (behaviourism) thịnh hành cho đến mãi đầu thế kỷ XX ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Xác định người học là chủ thể tự xây dựng kiến thức cho chính mình trong quá trình tự thực hiện các thao tác do người thầy tổ chức, hướng dẫn, là bước ngoặt mang tính cách mạng ở giáo dục Âu Mỹ, nhờảnh hưởng của những lý thuyết về nhận thức như thuyết “Xây dựng” (Constructivism) mà Jean Piaget, triết gia, nhà tâm lý học lớn người Thụy Sĩ phát triển trong lĩnh vực giáo dục từ cuối những năm 1930.

Giáo dục Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp vẫn bị chi phối bởi lối giáo dục cũ của chính quốc, ngay cả giáo dục Sài Gòn sau 1954 cũng không ra khỏi lối mòn ấy (khi bàn về thay đổi sách giáo khoa, một số trí thức Sài Gòn cũ cho rằng “chỉ cần quay lại như thời trước 1975” là ổn, ý nghĩ ấy e rằng không còn hợp thời).

Ngay ở Mỹ, mãi đến thập niên 1960, Piaget mới được dịch một cách hệ thống và đã tạo chuyển biến tích cực trong nền giáo dục nước này. Vậy mà mới đây, khi các cơ quan lãnh đạo giáo dục Hoa Kỳ công bố bộ Common Core Standards (Chuẩn cốt lõi chung) cho hai môn Toán và Anh văn của học sinh phổ thông, không ít phụ huynh người Việt ở Mỹ đã rất lo lắng.

Là bởi, để đạt được chuẩn ấy, học sinh được đòi hỏi phát triển tư duy phê phán, giải quyết vấn đề và kỹ năng phân tích, chứ không phải là thuộc lòng kiến thức, tìm ra đáp án một cách máy móc.

Nói như thế, để thấy việc chuyển đổi căn bản phương pháp giáo dục mà giới lãnh đạo giáo dục nước ta tham vọng đạt được trong thời gian tới không phải chuyện một sớm một chiều.

Biện pháp căn bản mà ta nghe nói đến nhiều nhất là thay đổi Sách giáo khoa (SGK). Công luận gần đây hơi chú trọng nhiều quá đến chuyện kinh phí soạn sách mới mà không quan tâm điều then chốt: SGK mới được soạn phải trải qua quá trình tư duy về phương pháp luận tổng thể, về đường lối thiết kế, rồi thiết kế cụ thể và thử nghiệm tích cực, trước khi đem áp dụng đại trà.

Theo kinh nghiệm của nhà giáo dục Phạm Toàn, người có trên 50 năm nghiên cứu và giảng dạy Văn – Tiếng Việt cấp tiểu học, ông đã tư duy và bắt tay soạn sách theo tinh thần “công nghệ giáo dục” (tổ chức các thao tác để học sinh tự hình thành kiến thức) từ 30 năm nay, mà đến năm nay, bộ SGK Cánh Buồm do ông chủ trì mới tương đối hoàn chỉnh để trình làng.

Vậy ta không thể không hỏi: Bộ Giáo dục đã chuẩn bị SGK mới từ lúc nào để có thể ra mắt vào năm 2016?

Điều thiết cốt hơn nữa: Phương pháp giáo dục không phải đơn giản là nhu cầu tự thân của nền giáo dục, mà chính là nhằm đáp ứng yêu cầu của Mục tiêu và thể hiện Triết lý giáo dục của thời đại. Con người Tự do là hình mẫu lý tưởng của Nhà nước Cổ đại Hy Lạp sinh ra phương pháp Socrates.

“Người quân tử” với tiêu chí Tam cương, Ngũ thường sinh ra lối giáo dục nhồi sọ, chi hồ giả dã. Con người công cụ của xã hội công nghiệp sinh ra thuyết “hành vi”, đường lối giáo dục kiểu Phổ.

Phương pháp giáo dục theo thuyết “Xây dựng” là nhắm mục tiêu “tạo ra những người sáng tạo, không phải những kẻ tuân phục” như Piaget khẳng định: đó chính là xuất phát từ nhu cầu của xã hội hậu công nghiệp, khi óc sáng tạo, khi kinh tế tri thức quyết định sự phát triển. Bác học Einstein đã tiên tri chính xác điều ấy khi ông nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”.

Giờ học của học sinh lớp tham gia dự án Trường học mới Việt Nam tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Gia Lai)

Phương pháp giáo dục mới mà chúng ta phấn đấu áp dụng được coi là nhằm thực hiện thành công mục tiêu giáo dục: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả” (Nghị quyết T.Ư. về đổi mới căn bản…).

Mục tiêu đề ra có tham vọng bao quát, không để thiếu mặt nào, nhưng lại không nhấn mạnh những then chốt mang tính thời đại mà nếu không đặt trọng tâm vào thì lại dễ trở nên chung chung, cái gì cũng có nhưng không rõ cái gì.

Lại nữa: Mục tiêu có, nhưng khi hỏi đến Triết lý giáo dục, các vị lãnh đạo ngành tỏ ra lúng túng. Việc không xác định rõ Triết lý giáo dục chứng tỏ định hướng tư duy căn bản về mẫu hình con người Việt Nam trong thời đại mới còn chưa sáng tỏ.

Để tham khảo, ta hãy nhắc một cách sơ sài Triết lý giáo dục của chế độ Sài Gòn trước 1975: đó là “Nhân bản, Dân chủ, Khai phóng”, và mục tiêu giáo dục là: “Phát triển toàn diện mỗi cá nhân, Phát triển tinh thần quốc gia, tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học”.

Có thể thấy, không nói đến yếu tố Dân tộc là hằng hữu trong con người Việt Nam từ xưa đến nay, ba yếu tố Nhân bản, Dân chủ và Khai phóng rất căn bản, thiết cốt của con người thời đại mới.

Như trên đã nói, “trận đánh lớn” của giáo dục tất phải toàn diện. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cụ thể của một người có nhiều năm dạy học từ vỡ lòng đến hết bậc trung học cho đối tượng từ trẻ em đến người lớn trong một thời kỳ gian khó nhất của đất nước, tôi dám khẳng định: Cuối cùng, cái quyết định thành công của giáo dục bao giờ cũng là chất lượng người thầy.

Phải nói rằng: Trong những năm chiến tranh, ở miền Bắc Việt Nam, ngành giáo dục đã thành công trong việc đào tạo một thế hệ thanh niên có kiến thức phổ thông tối thiểu vững vàng, nâng cao một bước căn bản trình độ văn hóa chung cho con em công nhân và nông dân, các dân tộc thiểu số.

Điều này không thể có được nếu những năm 1960, ngành Sư phạm không được ưu tiên tiếp nhận những học sinh ưu tú của các trường phổ thông, bằng cuộc vận động lớn “Sư phạm là cỗ máy cái”, “Đoàn viên thanh niên theo tiếng gọi của Đảng tình nguyện vào ngành Sư phạm”, và các chính sách khuyến khích cụ thể như: tất cả sinh viên các trường Sư phạm được học bổng 100%.

Trong nhiều năm, người thầy giáo đã thực sự đem ánh sáng văn hóa đến cho khắp vùng nông thôn, miền núi, được học sinh tin yêu kính phục và biết ơn.

Thật đáng buồn, thời gian dài gần đây, trong chiều hướng xã hội chạy theo đồng tiền một cách chụp giật, Nhà nước không có chủ trương chính sách cần thiết để huy động những trí tuệ ưu tú vào ngành Sư phạm và tạo điều kiện vật chất khả quan cho người dạy; tôi cho đó là nguyên nhân đầu tiên tạo nên tình trạng xuống cấp của ông thầy, dẫn đến phần không nhỏ người thầy giáo không còn là hình ảnh đáng yêu đáng kính trong lòng học sinh và chất lượng giáo dục sa sút thảm hại.

Cải cách kiểu gì thì cải cách, trường học có khang trang đến mấy, thiết bị có hiện đại đến mấy, sách giáo khoa có thay đổi kiểu gì, nếu ông thầy không phải là những trí thức giỏi, được đãi ngộ xứng đáng, thì giáo dục vẫn không thể đi lên.

Nói về đãi ngộ, hãy tham khảo tiền lương của thầy giáo ở Mỹ: theo một báo cáo của Liên đoàn Giáo chức Hoa Kỳ, thì lương bình quân toàn quốc năm học 2006-2007 của giáo viên là 51.009 USD/năm (lương bình quân người hưởng lương toàn quốc năm 2012 là 44.312 USD), cao nhất là giáo viên bang California: 63.640 USD = 125% lương bình quân toàn bang (nguồn internet: http://www.wisegeek.com/how-do-teacher-salaries-compare-with-other-occupations.htm).

Còn ở Việt Nam, theo một nghiên cứu do bà Nguyễn Thị Bình chủ trì: “Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 đến 4,7 triệu đồng/tháng.

Giáo viên mới ra trường ở cả ba cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Với số lượng giáo viên như hiện nay, theo tính toán của đề tài, chỉ khoảng 50% giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân” (báo Tia sáng chuyển dẫn từTuổi Trẻ, 2013).

Thực sự không hiểu với thực trạng thu nhập như thế, làm thế nào chúng ta thu hút được người giỏi cho ngành Sư phạm, làm thế nào người thầy có điều kiện cống hiến hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Dạy học kiểu “cũ” cũng không xong, nói gì đến “đổi mới”?

Hoàng Hưng – Cựu giáo viên Trung học Bổ túc Văn hóa và Phổ thông, cựu Biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân, Chủ trì tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm của NXB Tri Thức

Theo DNSG

Bình luận