Toàn cảnh bức tranh Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam

Kinh doanh đa cấp là gì?

Kinh doanh đa cấp (Multi-level Marketing – Tiếp thị đa cấp) hoặc Kinh doanh theo mạng (Network Marketing) hay Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm.

Đây là hoạt động kinh doanh/ bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc qua một nhà phân phối duy nhất) mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.

Nhà phân phối có vai trò như những đại lý. Họ dùng mối quan hệ của bản thân và những người quen biết để thu hút khách hàng. Ngoài ra các nhà phân phối còn có thể tìm kiếm những đối tác khác, trở thành nhà phân phối cùng làm việc với mình.

Trong Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp do Chính phủ ban hành, tại Điều 2 định nghĩa: Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau.

Trong đó, người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.

Ra đời và phát triển tại Việt Nam ra sao?

Đầu thế kỉ 21, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị Việt Nam và đạt tổng doanh thu không ngờ trong hai, ba năm đầu.

Năm 2003, Oriflame, công ty kinh doanh mỹ phẩm đa cấp quốc tế vào Việt Nam. Sau đó, Nghị định 110 được ban hành (2005) để hợp thức hóa loại hình kinh doanh này thì những cái tên quốc tế khác đã nối tiếp nhau nhảy vào như Amway, Avon và 3 năm gần đây là Herbalife, Sophie Paris, À La Mode Paris.

Đến thời điểm cuối năm 2004, tại Việt Nam đã có khoảng 20 Công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.

Ngày 01-07-2005, luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành trong đó có những điều khoản quy định về bán hàng đa cấp

Ngày 24-08-2005, Nghị định 110/2005/NĐ-CP của chính phủ về Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được ban hành phần nào đã tạo ra một hành lang pháp lý để bảo vệ các công ty và nhà phân phối chân chính. Tuy nhiên, nghị định vẫn còn nhiều kẽ hở khiến cho một số công ty lợi dụng.

Ngày 08-11-2005, Bộ thương mại ban hành thông tư hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp.

Năm 2006, 2007 được xem là giai đoạn phục hồi của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, khi mà hàng loạt các công ty tăng dần doanh số sau giai đoạn bị báo chí và dư luận đánh tơi tả.

Năm 2008, trong bối cảnh thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế, đại gia làng công nghệ là FPT cũng đã nhảy vào BHĐC với sự ra đời của FPT Network (FN), thành viên của FPT Telecom với kỳ vọng hình thức kinh doanh này sẽ giúp FPT Telecom tiết giảm những chi phí quản lý, chi phí quảng cáo, giảm thiểu những rủi ro và tạo ra sự đột phá trong việc kinh doanh.

Đầu tháng 10, năm 2009, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam được thành lập. Hiệp hội được thành lập và bổ nhiệm bà Trương Thị Nhi (Tổng giám đốc công ty TNHH TM Lô Hội, nhà đại diện tại Việt Nam của tập đoàn Forever Living Products Hoa Kỳ) là chủ tịch nhiệm kỳ 2009-2014.

Ngày 31 tháng 03 năm 2010, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (Vietnam MLMA) chính thức ra mắt tại Hà Nội. Đến dự có nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Năm 2010, Bán hàng đa cấp đạt lợi nhuận 2.799 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 614 tỷ đồng của 4 năm trước đó.

Năm 2011, với nhiều lý do, kinh doanh đa cấp bùng nổ mạnh mẽ và tạo thành một làn sóng tại Việt Nam, trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm chính thức, bên cạnh các phương thức phân phối khác như: bán hàng qua đại lý, bán hàng theo catalog, bán hàng qua truyền hình…

Sự cố Agel Việt Nam (tháng 7/2011) và muaban24 (2012) đã như làm sống lại làn sóng công kích mạnh mẽ từ báo giới về kinh doanh đa cấp biến tướng.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp lừa đảo thường chọn mô hình nhị phân biến tướng. Khách hàng khi tham gia thường lôi kéo bạn bè, người thân… để rồi khi đỗ vỡ như Sinh Lợi, Trường Ngoại ngữ SITC Agel Việt Nam hay gần nhất là muaban24, gây mất niềm tin trong xã hội.

Những con số thống kê 

Lịch sử ra đời: Kinh doanh đa cấp là ngành kinh doanh xuất hiện và tồn tại hơn 70 năm qua. Đến nay, có khoảng 30000 công ty đang hoạt động trên toàn thế giới với mô hình này.

Quốc gia có doanh thu đa cấp cao nhất thế giới: Mỹ. Doanh thu đạt xấp xỉ 40 tỉ USD với hơn 15 triệu nhà phân phối.

Theo báo cáo từ các Sở công thương, tính đến tháng 7/2012, tại Việt Nam:

Số doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) kinh doanh theo mô hình đa cấp trên cả nước: 76. Trong đó, 23 doanh nghiệp tạm dừng hoạt hoạt động và 2 doanh nghiệp đã bị rút giấy phép.

Hai địa phương có số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đông nhất: TP HCM có 35 doanh nghiệp được cấp phép, và Hà Nội có 38 doanh nghiệp.

Số lượng người tham gia: Từ hơn 230.000 người (năm 2006), hơn 666.000 người (năm 2009), đến hơn 1 triệu người (năm 2011)

Doanh thu bán hàng: Tăng từ 614 tỉ đồng (năm 2006), 2.500 tỉ đồng (năm 2009) lên hơn 4.000 tỉ đồng (năm 2011).

5 doanh nghiệp có số lượng người tham gia bán hàng đa cấp nhiều nhất: Lô Hội, Amway Việt Nam, Mỹ phẩm Thường Xuân, AVON Việt Nam, Herbalife Việt Nam.

Trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH Amway Việt Nam đã có hơn 269.000 người tham gia, mang về doanh số vào khoảng 53 triệu USD (hơn 1100 tỷ đồng) năm 2011, chiếm hơn 25% thị phần cũng như thành viên tham gia các công ty đa cấp ở Việt Nam.

Sản phẩm: Tính đến hết năm 2011, có hơn 4.400 mặt hàng kinh doanh theo mô hình đa cấp tập trung vào các sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng thời trang, dụng cụ thể thao, vật lý trị liệu…

Tìm mô hình chuẩn?

Qua 10 năm phát triển, kể từ sự việc công ty đa cấp Sinh Lợi, Agel Việt Nam lừa đảo và gần đây nhất là vụ lừa đảo quy mô lớn toàn hệ thống muaban24, hiện nay, kinh doanh đa cấp ở Việt Nam dù rất hấp dẫn nhưng chỉ có vài công ty làm ăn quy chuẩn.

Vậy thế nào là mô hình quy chuẩn và công ty đa cấp làm ăn chuyên nghiệp?

Theo ông Diệp Khắc Cường, Tổng Giám đốc FNC, từng chia sẻ trên Tạp chí Nhịp cầu đầu tư đã đúc kết được 4 mô hình:

Bậc thang ly khai: Các nhà phân phối trong hệ thống được khuyến khích bán hàng cho người mua cuối cùng đồng thời tuyển nhà phân phối tuyến dưới, nhưng không ràng buộc thời gian hoạt động.

Đều tầng: Giống như mô hình trên nhưng nhà phân phối phải đạt được mục tiêu đặt ra trong một thời gian cụ thể (điều này trái ngược với bản chất kinh doanh đa cấp là thời gian làm việc và mục tiêu thu nhập tự nguyện).

Ma trận: Nhà phân phối được trả thưởng theo đầu người tuyển dụng hơn là việc bán hàng và bị ép phải trở thành người mua cuối cùng với giá trên trời (như trường hợp Công ty Sinh Lợi).

Nhị phân: Tương tự như Ma trận nhưng khác ở chỗ trả thưởng, tạo nên hệ thống đa cấp tiêu cực. Khu vực có điều kiện kinh tế kém và dân trí thấp là những nơi mô hình Nhị phân rất dễ bành trướng và bị biến tướng.

Lý giải cho sự ít ỏi số lượng công ty đa cấp chuyên nghiệp tại Việt Nam, ông Hồ Mạnh Quân, một nhà phân phối lớn (quản lý cấp Platinum) của Amway Việt Nam cho biết, kinh doanh đa cấp phải đầu tư khá nhiều cho huấn luyện, không chỉ về tài chính mà còn tâm lý bán hàng, tinh thần đội nhóm, sự nhất quán thông tin. Đó là chưa kể sản phẩm phải độc đáo.

Theo cafef.vn

Bình luận