Thuê ngoài dịch vụ CNTT: Vẫn ngại chuyện bảo mật

Dù Chính phủ đã chính thức “bật đèn xanh” nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn lo ngại việc bảo mật khi chuyển sang thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).

Các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ ngành, cơ quan Nhà nước sắp tới cũng có thể sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Ảnh: Bộ TT&TT
Các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ ngành, cơ quan Nhà nước sắp tới cũng có thể sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Ảnh: Bộ TT&TT

Dự thảo về việc cơ quan Nhà nước thuê ngoài dịch vụ CNTT vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa lên trang chủ của Bộ để doanh nghiệp góp ý. Sau khi dự thảo ra đời, cả cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đều cho rằng còn phải đưa ra các quy định cụ thể khi áp dụng quy chế này. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan Nhà nước vẫn đang “canh cánh” nỗi lo bảo mật.

Mới đây, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, Bộ sẽ làm hết sức để trình duyệt kịp thời “Quy chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước”; đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi cho bên thuê dịch vụ lẫn bên cho thuê dịch vụ CNTT nhằm tiết kiệm chi phí ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước.

Theo kế hoạch dự kiến của Bộ TT&TT thì ngày 30-7-2014 này sẽ trình duyệt quy chế này lên Chính phủ để có thể ban hành kịp thời các quy định, chính sách cụ thể về thuê ngoài dịch vụ CNTT.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT cho biết, khi thực hiện quyết định cơ quan Nhà nước được phép thuê ngoài dịch vụ CNTT không có nghĩa là không cho phép xây dựng hạ tầng CNTT, mà cái nào thấy phù hợp thì đi thuê dịch vụ, cái nào cần thiết thì vẫn tiếp tục xây dựng hệ thống CNTT. Kinh phí đầu tư cho thuê ngoài cũng cần xem xét cẩn thận, nguồn tài chính cho thuê ngoài từ đâu, thanh toán như thế nào…

Ông Đường còn nói thêm: Một số loại hình dịch vụ CNTT khi cơ quan Nhà nước thuê ngoài cũng sẽ phải có quy định rõ ràng, cụ thể giữa hai bên nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Ví dụ như khi cơ quan Nhà nước dùng phần mềm thuê ngoài có thể sẽ phải chuyển giao cho cơ quan Nhà nước, chứ không thuộc về doanh nghiệp cho thuê dịch vụ.

Khi nói về thuê ngoài dịch vụ CNTT, lãnh đạo chuyên ngành CNTT của một Bộ đã cho rằng, các cơ quan Nhà nước khi thuê ngoài dịch vụ CNTT phải lưu ý đến điều kiện khai thác các dữ liệu và bảo mật. Cần xác định rõ việc ai sẽ kiểm soát – làm chủ nguồn dữ liệu khi đưa hết ra bên ngoài quản lý.

Một số cơ quan Nhà nước cũng đề cập đến việc muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước thuê ngoài dịch vụ CNTT phải có cơ chế thanh toán thuê dịch vụ; hướng dẫn việc đánh giá, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ…

Đồng  thời, phải tạo cơ sở pháp lý cho những tài sản thông tin, dữ liệu; như các dịch vụ cần lưu trữ dữ liệu dựa trên công nghệ điện toán đám mây sẽ cần có sự xác nhận quyền sở hữu. Đây cũng chính là điểm lo ngại lớn nhất của các cơ quan Nhà nước khi nói đến việc thuê ngoài dịch vụ CNTT.

Xu hướng thuê ngoài dịch vụ CNTT ngày càng nhiều hơn, từ các doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước… cho đến các cơ quan Nhà nước. Ưu điểm triển khai nhanh, tiết kiệm chi phí… của loại hình dịch vụ này đã thuyết phục doanh nghiệp chuyển sang thuê ngoài.

Vừa qua, trong khảo sát về hiện trạng ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp phía Nam của Hội Tin học TPHCM đã ghi nhận được có khá nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu chuyển sang thuê ngoài, đi thuê dịch vụ thay vì tự xây dựng, phát triển giải pháp CNTT như trước đây.

Bộ TT&TT đưa ra hai phương án đề xuất về “Danh mục dịch vụ công nghệ thông tin” khuyến khích cơ quan nhà nước đi thuê ngoài. Dựa trên danh mục đã được “thông quan” này, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc làm việc, cung cấp dịch vụ thuê ngoài CNTT với các cơ quan Nhà nước.

Ở phương án 1, Bộ đề xuất quy định theo nhóm dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) bao gồm 13 nhóm dịch vụ như: Tư vấn về công nghệ thông tin; Đào tạo công nghệ thông tin; Dịch vụ an toàn thông tin; Dịch vụ phần mềm… Ở phương án 2, Bộ TT&TT đề xuất quy định theo hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin như: Thuê đường truyền kết nối mạng; Thuê chỗ (hosting) đặt máy chủ hoặc trang, cổng thông tin điện tử; Thuê, sử dụng các trang thiết bị CNTT…

Danh mục cũng bao gồm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp như các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, các hệ thống tiếp nhận ý kiến, đối thoại, hỏi đáp trực tuyến…

Theo Thesaigontimes

Bình luận