Thị trường bán lẻ: Thời thế mới

Rất nhiều cơ hội rộng mở khiến các nhà bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các nhà bán lẻ châu Á “tấn công” thị trường Việt Nam.

w620h405f1c1-files-articles-2014-1084578-hinh-1-out-1414555550940

Dồn dập M&A

Từ giữa năm 2013 đến nay, ngành bán lẻ đã chứng kiến nhiều vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đình đám và những cuộc thay tên đổi chủ vẫn đang tiếp diễn.

Sau BJC đến Vingroup

Năm 2014 được xem là năm M&A của ngành bán lẻ khi hàng loạt những thương vụ lớn đã diễn ra. Mở màn cho làn sóng này là vụ chuyển nhượng 19 trung tâm bán lẻ của Metro tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakd vào đầu tháng 8 vừa qua.

Thương vụ này được xem là “rất hời” cho Metro khi mang về cho tập đoàn này 655 triệu Euro (869 triệu USD) khi 12 năm qua, Metro Việt Nam đều báo lỗ. Trong khi đó, bằng việc mua lại Metro Việt Nam, nhà đầu tư Thái đang có những bước chắc chắn để thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, dù trước đó, giữa năm 2013, BJC đã mua chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart của Nhật Bản trong liên doanh với Tập đoàn Phú Thái.

Đây là bước ngoặt để BJC thâm nhập mạnh hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Không những thế, việc mua lại Metro Việt Nam sẽ đưa Tập đoàn BJC lên một vị trí mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh khu vực Đông Nam Á đồng thời bổ sung vào mạng lưới phân phối hiện có của BJC tại Việt Nam, hoàn thiện chuỗi cung ứng và đưa doanh nghiệp (DN) này vươn lên trong thị trường phân phối hiện đại.

Việc thôn tính Family Mart và giờ là Metro Việt Nam nằm trong chiến lược mở rộng đầu tư, chiếm lĩnh thị trường khu vực Đông Nam Á của tập đoàn này từ nhiều năm nay.

Thị trường chưa kịp lắng xuống sau thương vụ lớn này thì mới đây, Vingroup lại công bố đã thâu tóm thành công Công ty CP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail). Không tiết lộ con số cụ thể về giá trị chuyển nhượng nhưng đại diện Vingroup cho biết đã mua đến 70% cổ phần của Ocean Retail và đổi tên Công ty thành Công ty CP Siêu thị VinMart.

Với hai thương hiệu mới là VinMart và VinMart+, Vingroup đặt tham vọng chia lại bản đồ bán lẻ khi tuyên bố xây dựng đến 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện ích ở nhiều tỉnh – thành trong 3 năm tới bằng việc đầu tư và thông qua M&A.

Trong đó, VinMart là chuỗi siêu thị có diện tích từ 3.000m2 đến 15.000m2 còn VinMart+ là chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích từ 150m2 – 300m2. Và ngay sau khi thương vụ M&A với Ocean Mart hoàn tất các thủ tục, hệ thống 9 siêu thị và 4 cửa hàng Ocean Mart sẽ được cải tiến, nâng cấp cả về hàng hóa lẫn chất lượng dịch vụ trong thời gian nhanh nhất.

Theo các chuyện gia, việc thâu tóm Ocean Retail đánh dấu sự tham gia sâu của Vingroup vào lĩnh vực bán lẻ.Mục tiêu mà tập đoàn này đặt ra là phải vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Để thực hiện kế hoạch này, Vingroup đã có những bước đi đầy toan tính.

Trước khi mua Ocean Retail, Vingroup đã góp vốn thành lập công ty chuyên kinh doanh trực tuyến thương hiệu VinE-Com và VinFashion hoạt động trong lĩnh vực thời trang. Song song đó, Vingroup đã tấn công thị trường bán lẻ với chuỗi trung tâm mua sắm dành cho trẻ em và hiện cũng có công ty chuyên về mảng này là Vincom Retail

thi-truong-ban-le-thoi-the-moi

Aeon – Citimart: Tính toán mới

Sẽ không dừng lại ở ba thương vụ trên, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục chứng kiến những vụ M&A đình đám khác trong hai tháng tới. Một trong những cái tên tiếp theo lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài là Citimart của Công ty Đông Hưng.

Theo nguồn tin riêng của Doanh Nhân Sài Gòn, hiện Công ty Đông Hưng đang chuẩn bị mọi thủ tục để giữa tháng 11 tới sẽ ra mắt thương hiệu Aeon – Citimart. Theo hợp tác này, Aeon sẽ đầu tư vốn để Citimart phát triển chuỗi bán lẻ trên toàn quốc.

Trước mắt, từ ngày 15/11, toàn bộ 26 siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Citimart sẽ đổi tên thành Aeon – Citimart. Và tất nhiên, phong cách phục vụ cũng được thay đổi theo kiểu của người Nhật.

Ngoài những mặt hàng vốn đã được bán trước đây thì chuỗi siêu thị này sẽ là nơi bán các loại thực phẩm và hàng tiêu dùng mang thương hiệu Top Value (hàng độc quyền của Aeon) được chuyển từ hệ thống siêu thị của Aeon tại Thái Lan và Malaysia sang. Sau đó, Aeon sẽ liên kết với các DN thực phẩm và hàng tiêu dùng Việt Nam sản xuất theo đơn đặt hàng riêng.

Không chỉ hợp tác với Citimart, Aeon còn đầu tư vào hệ thống siêu thị Fivimart ở phía Bắc. Đây được xem là chiến lược táo bạo để Aeon khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Động thái này giúp Aeon giảm số vốn đầu tư ban đầu nhưng nhanh chóng “phủ sóng” đến các đô thị lớn của Việt Nam.

Bởi hiện tại, Citimart đang có hệ thống 26 siêu thị ở phía Nam trong khi Fivimart sở hữu 15 siêu thị ở phía Bắc. Và cả hai hệ thống siêu thị này tập trung phần nhiều ở TP.HCM và Hà Nội.

Thông qua liên kết này, Aeon sẽ tiêu thụ được hàng hóa đồng thời xây dựng được hệ thống cung ứng sản phẩm, hệ thống lưu thông nhằm chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng hàng loạt siêu thị mà cụ thể là đến năm 2020 sẽ có 20 Aeon Mall tại Việt Nam. Trong 5 năm nữa, Aeon sẽ có 10 siêu thị ở Hà Nội, TP.HCM và sau đó, sẽ đến Đà Nẵng.

Trong tình hình kinh doanh hiện tại, chắc chắn, những thương vụ M&A sẽ còn tiếp diễn vì mặc dù lọt khỏi top những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhưng Việt Nam vẫn có sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nằm trong khu vực kinh tế ASEAN được đánh giá là năng động bậc nhất thế giới, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với 42% dân số dưới độ tuổi 25.

Theo dự tính của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ ở Việt Nam có thể đạt doanh thu tới 80 tỷ USD trong năm 2014 và lên hơn 100 tỷ vào năm 2016.

Nghiên cứu của Hãng Tư vấn Boston Consulting Group (BCG) công bố năm 2013 cũng cho hay, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất trong 25 quốc gia mà báo cáo này khảo sát ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với khoảng 80% tầng lớp trung lưu có thói quen mua sắm ở các siêu thị hoặc đại siêu thị.

Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất về số lượng tầng lớp trung lưu, từ 12 triệu người vào năm 2012 lên 33 triệu người năm 2020. Còn theo báo cáo mới nhất về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014” do CBRE công bố, Việt Nam đứng thứ hai trong số 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á.

Theo báo cáo này, Việt Nam nổi lên như một thị trường bán lẻ tiềm năng nhất khi các nhà bán lẻ quốc tế cho biết họ sẽ chọn Việt Nam làm thị trường đầu tư với tỷ lệ ngang bằng Hồng Kông và Singapore. Trong đó, các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM nằm trong Top 10 các thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Với tiềm năng đó, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ và hình chức M&A để nhanh chóng phát triển thị trường đang được ưu tiên.

Theo chia sẻ của đại diện Ocean Group, từ khi Ocean Mart ra đời, đã có nhiều đối tác đến từ Mỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc… đặt vấn đề góp vốn, mua lại. Đầu năm 2014, Ocean Group đã làm việc với đối tác Thái Lan nhưng cuối cùng DN này lại chọn Vingroup.

thi-truong-ban-le-thoi-the-moi 1

Nỗi lo bị thôn tính

Sự trỗi dậy của nền kinh tế châu Á mang đến những “tay chơi mới” trong lĩnh vực bán lẻ. Từ đây, nỗi lo của các DN trong nước đã chuyển hướng từ phương Tây sang phương Đông.

Tiềm lực các thương hiệu châu Á

Nhiều chia sẻ cho rằng, có cảm giác như thị trường bán lẻ Việt Nam sắp bị “thôn tính” bởi các “đại gia” nước ngoài, đặc biệt là ở châu Á. Bởi, tất cả các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật hay Thái có “lịch sử” đáng nể đang ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Đầu tháng 7/2014, Tập đoàn Mapletree có trụ sở ở Singapore đã xuất hiện ở Việt Nam với việc ký kết với Saigon Co.op để chuẩn bị khai trương Trung tâm mua sắm SC Vivo City ở TP.HCM. Đây là một trong những trung tâm mua sắm lớn của Việt Nam khi sở hữu đến 62.000m2 mặt bằng bán lẻ.

Không chỉ có nhà đầu tư đến từ Singapore, hiện thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự góp mặt của các nhà đầu tư Thái như Central Group với 1 trung tâm mua sắm ở Hà Nội và 1 trung tâm sắp mở tại TP.HCM. Với các DN Thái thì thị trường bán lẻ Việt Nam là một “đại dương xanh” như lời phát biểu của ông Phidsanu Pongwatana, Phó chủ tịch BJC – chủ nhân mới của Metro Việt Nam.

Để có thương vụ đình đám với Metro, BJC đã lên kế hoạch bài bản từ trước đó rất lâu. Và chuẩn bị cho việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, trước đó, BJC đã mở một nhà máy sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống đồng thời nắm cổ phần chi phối tại một loạt DN như Công ty Thái An – nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam; hãng giấy Cellox; công ty sản xuất đậu phụ Ichiban.

Năm 2013, BJC bắt đầu thâm nhập ngành bán lẻ bằng việc mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành Bmart – thương hiệu lâu đời của BJC. Chưa dừng lại ở mô hình cửa hàng tiện lợi, BJC tấn công phân khúc bán sỉ và có thông tin, DN này đang tìm cách để chuyển hướng các trung tâm này sang lĩnh vực bán lẻ.

Một thương hiệu bán lẻ đáng nể khác cũng đến từ châu Á là Lotte. Thương hiệu này đang tăng cường mở rộng chuỗi các kênh phân phối, bao gồm hệ thống siêu thị Lotte, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria và các cửa hàng khác tại Việt Nam.

Từ 1 siêu thị bán lẻ ở nước ngoài vào năm 2007, đến cuối năm 2013, Lotte đã có tới 146 siêu thị tại các nước trong khi hệ thống siêu thị của hãng này ở Hàn Quốc chỉ có 109.

Lotte đặt mục tiêu doanh thu 200 nghìn tỷ won (khoảng 20 tỷ USD) vào năm 2018 với tổng số 700 siêu thị và trở thành nhà bán lẻ hàng đầu châu Á. Để thực hiện mục tiêu này, Lotte tìm kiếm những vị trí có thể cho phép họ triển khai nhiều loại hình kinh doanh (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khách sạn…).

Cùng với việc đa dạng loại hình kinh doanh, Lotte hoàn thiện chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bán lẻ. Tại Việt Nam, Lotte đang sở hữu 12 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như bánh kẹo (Bibica, Lotte Việt Nam), thức ăn nhanh (Lotteria), bán lẻ (Lotte Mart) giải trí (Lotte Cinema), xây dựng, công nghệ thông tin… với mức tăng trưởng doanh thu đạt 47,5%.

Tập đoàn này đặt mục tiêu mở 50 siêu thị tại Việt Nam đến năm 2018 và 60 siêu thị vào 2020 tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng…

Cùng với các “đại gia” bán lẻ Thái Lan, Hàn Quốc, các nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản cũng đang trên đường tìm kiếm các thị trường tiềm năng với sức mua mạnh, doanh thu và lợi nhuận bền vững hơn. Và Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu của tập đoàn này.

Cuối năm 2011, Aeon bắt đầu thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc triển khai cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu với sự kết hợp của Tập đoàn Trung Nguyên (hiện thương hiệu này đã có 17 cửa hàng).

Tháng 1/2014, Aeon mở trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP.HCM với số vốn đầu tư 100 triệu USD. Aeon đang tìm mọi cách biến thị trường Việt Nam thành “miếng bánh” sinh lời dựa trên phương pháp thu hút khách hàng Việt bằng dịch vụ của người Nhật.

Theo Quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 – 1.300 siêu thị. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm. Dự báo, đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Người tiêu dùng Việt Nam vốn rất ưa chuộng hàng Nhật và đây là thế mạnh của Aeon, khiến nhiều đối thủ khác phải lo ngại. Bằng chứng là chỉ sau 10 tháng mở cửa, Aeon Tân Phú đã đón trên 10 triệu khách hàng đến tham quan và mua sắm. Hiện Aeon đã rót 500 triệu USD vào Việt Nam cho 3 trung tâm mua sắm ở Tân Phú (TP.HCM), Bình Dương (10/2014) và Long Biên (Hà Nội vào năm 2015).

“Biết người, biết ta”

Dù những thương hiệu bán lẻ châu Á rất mạnh về tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm nhưng các DN trong nước vẫn vững tin về những lợi thế của mình. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup, cho rằng, nếu so với các nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… thì hệ thống bán lẻ ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh.

Đây là thị trường mục tiêu hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Thấy rõ nhất là việc các DN ngoài nước đang bằng nhiều cách mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đây là áp lực không nhỏ đối với các DN trong nước.

Tuy thế, với lợi thế sân nhà cùng việc hiểu rõ người tiêu dùng Việt Nam, Vingroup chắc chắn sẽ làm nên bước ngoặt tại thị trường này trong thời gian tới. Với bộ ba thương hiệu VinMart, VinMart+ và VinE-com sẽ tạo sức mạnh tổng lực cho Vingroup trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhận định của ông Hiệp đưa ra là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, với thế mạnh 12 năm trong việc cung cấp mặt bằng cho lĩnh vực bán lẻ, Vingroup sẽ “săn” được những mặt bằng tốt – đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một trung tâm bán lẻ.

Hơn nữa, với lợi thế về tài chính cùng chiến lược phát triển hệ thống và tiếp cận người tiêu dùng bài bản, Tập đoàn Vingroup tin tưởng sẽ thành công. Điều này đã được chứng minh qua sự thành công của các trung tâm thương mại Vincom mà Vingroup làm chủ đầu tư mấy năm qua.

Nhận xét về sự gia nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng, đó là một xu thế tất yếu vì Việt Nam đã hội nhập, mở cửa.

Nhìn từ phía DN Việt, chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ đáng gờm từ nước ngoài có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Để tồn tại và phát triển trong điều kiện đầy áp lực này, ông Hòa cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội lực DN.

“Mỗi DN phải chọn một chiến lược với những giải pháp phù hợp, căn cứ vào mục tiêu, tôn chỉ riêng. Hợp tác với nước ngoài hay không, nếu có thì hợp tác trong lĩnh vực nào, đến đâu?

Phải nói thẳng là các tập đoàn bán lẻ trên thế giới với quy mô về vốn, tiềm năng về công nghệ và kinh nghiệm thương trường dạn dày hàng chục, hàng trăm năm luôn có nhiều lợi thế hơn và sẵn sàng thâu tóm nếu DN trong nước không đủ sức song hành với họ trong một chặng đường dài. Vì thế, phải lượng sức mà hoạch định chiến lược và phải biết “chọn bạn mà chơi”, ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng, mở cửa hội nhập vẫn diễn ra, do vậy, các DN phải thích ứng và có phương án thích nghi với xu thế mới. Áp lực của sự hội nhập sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới và kết quả đón nhận thế nào là phụ thuộc vào sự cải cách nội lực của chúng ta.

Theo DNSG

Bình luận