Thời của máy tính cá nhân đã đến hồi kết!

5 quí liền doanh số trên toàn cầu sụt giảm, máy tính cá nhân truyền thống đang trở thành cái bóng của chính mình.

Theo số liệu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IDC, trong quí 2/2013, sản lượng máy tính cá nhân truyền thống (gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay) trên toàn cầu chỉ đạt 75,6 triệu máy, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Gartner cũng cho thấy, mức giảm trong quí 2 là 10,9%. Đây đã là quí thứ 5 liên tiếp, cũng là thời kỳ suy giảm kéo dài nhất trong lịch sử thị trường máy tính cá nhân. Gartner dự báo, lượng máy tính cá nhân xuất xưởng trong năm nay sẽ chỉ đạt 305 triệu máy, giảm mạnh 10,6% so với năm 2012. Theo IDC, tỉ lệ suy giảm trong thời gian tới sẽ chậm hơn, nhưng sẽ khó có sự tăng trưởng trước năm 2015, bất chấp mọi nỗ lực của Microsoft và Intel.

Thất vọng Windows 8
Khi ra mắt Windows 8 vào cuối tháng 10 năm ngoái, Microsoft đã kỳ vọng “Hệ điều hành được tái sinh” này sẽ mở ra một kỷ nguyên máy tính mới, đáp ứng được những xu hướng chính như: di động, kết nối mạng xã hội, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data)… Hồi đầu tháng 5, Bà Tami Reller, Giám đốc Điều hành Tiếp thị kiêm Tài chính của khối Windows cho biết, 100 triệu giấy phép Windows 8 đã được bán ra sau 6 tháng. Bà tỏ ra lạc quan cho rằng máy tính cá nhân vẫn sống khỏe và phát triển hướng theo xu thế di động, mở rộng ra dưới nhiều hình thức bao gồm máy tính bảng và các loại laptop màn hình cảm ứng, có thể chuyển đổi (convertible), và loại tất cả trong một (all-in-one).

Dù vậy, thực tế diễn biến thị trường lại không như mong đợi của nhà khổng lồ phần mềm. 3 quí đã trôi qua sau thời điểm Windows 8 được phát hành, doanh số máy tính cá nhân vẫn liên tục đổ dốc, và hầu như yếu tố tạo đà hãm vẫn chưa xuất hiện. Theo IDC, thị trường đang trong giai đoạn “vật lộn” chuyển sang các hệ thống màn hình cảm ứng chạy Windows 8. Nhận định của IDC trong báo cáo quí trước (quí lập kỷ lục về mức sụt giảm) thậm chí còn cho rằng Windows 8 là nguyên nhân góp phần làm lượng xuất xưởng máy tính cá nhân toàn cầu sụt giảm.

Gartner dự báo, vào quí 4, khi bản nâng cấp Windows 8.1 bắt đầu được cài trên ultramobile trang bị chip xử lý Intel Bay Trail và Haswell sẽ làm tăng nhu cầu nâng cấp máy của người dùng thay cho những chiếc máy tính xách tay và máy tính bảng hiện tại. Tuy nhiên điều đó chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Hãng dự báo, nếu tính thêm cả các dòng máy tính siêu di động, hay còn gọi là ultramobile (bao gồm Chromebook và máy tính bảng lai chạy Windows 8), doanh số máy tính cá nhân cả năm vẫn giảm, với tỷ lệ 7,3%. Theo Gartner, người dùng ngày càng có xu hướng tìm tới smartphone và máy tính bảng nhiều hơn để lên mạng và giải trí thay cho máy tính cá nhân.

Hiện tại, căn cứ vào những gì mà Microsoft đã công bố, bản nâng cấp Windows 8.1 chỉ gồm những thay đổi nhỏ, khó có thể nói người dùng máy tính sẽ hào hứng chuyển sang nền tảng mới. Thêm nữa, màn hình cảm ứng là thứ cần có để người dùng nhận được trải nghiệm tối ưu với Windows 8. Nhưng chính điều đó lại khiến giá máy tăng lên, và không lấy gì làm lạ khi máy tính dùng màn hình cảm ứng chạy Windows 8 chưa tạo được trào lưu mới. Trong khi đó các nền tảng di động như iOS và Android vẫn đang trên đà phát triển thần tốc.

Hết thời Wintel
Thị trường máy tính cá nhân ảm đạm lại bị Intel qui kết do lỗi các nhà sản xuất quá thiếu ý tưởng trong thiết kế. Phó Chủ tịch Intel kiêm Tổng giám đốc mảng các nền tảng di động từng lên tiếng chê kiểu dáng thiết kế máy tính không có gì đột phá, thời lượng pin chưa tốt, tính sẵn sàng thấp, bảo mật chưa cao… nên người dùng không hứng thú chi tiền để nâng cấp máy. Thực ra, các nhà sản xuất máy tính đã rất nỗ lực đuổi theo xu hướng di động, tung ra khá nhiều mẫu ultrabook, mỏng và nhẹ, cùng nhiều dạng lai máy tính bảng. Nhưng dường như họ vẫn bị “kẹt” với hiệu năng của chip Intel và năng suất của nền tảng Windows. Những yếu tố tạo nên kỷ nguyên “vàng” mang tên Wintel dường như lại trở thành lực kéo lùi thị trường máy tính cá nhân trong xã hội năng động ngày nay, khi người dùng liên tục phải di chuyển nên tính di động của thiết bị mới là yếu tố tối quan trọng.

Ultrabook liên tục được cải tiến, với kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường, kéo người dùng quay lại với máy tính truyền thống, vẫn có rất ít mẫu máy đáp ứng yêu cầu chạy cả ngày không hết pin. Được gọi là nhóm máy tính xách tay “siêu nhẹ” nhưng ultrabook lại “quá nặng” để dùng như thiết bị di động, với khối lượng vẫn còn được tính bằng kg.

Chuẩn ultrabook thế hệ mới dùng chip Haswell đã được Intel định nghĩa lại, có thiết kế mỏng hơn, chip đồ họa mạnh hơn, tiết kiệm điện năng hơn, trang bị màn hình cảm ứng, dễ dàng chuyển đổi thành máy tính bảng hơn. Ultrabook dù mỏng và nhẹ đến đâu cũng chỉ có ý nghĩa trong di chuyển máy, còn sử dụng vẫn phải để trên bàn, hoặc trên đùi trong thời gian ngắn, và người dùng vẫn phải xem chừng ổ điện ở đâu, hoặc mang thêm pin dự phòng, nếu muốn sử dụng cả ngày. Điều hết sức quan trọng nữa là ultrabook dùng chip Intel chạy Windows còn phải đối mặt với những áp lực suy giảm kinh tế và cạnh tranh về giá từ máy tính bảng và các dạng thiết bị tinh toán di động khác.

 

Intel đã tung ra chip Haswell, nhưng người dùng vẫn đang hướng sang thiết bị di động cá nhân.

 

 

IDC cho biết sản lượng PC toàn cầu giảm kỷ lục vào Quí 1.

Di động thay đổi thói quen tiêu dùng
Số liệu thị trường máy tính cá nhân quí 2 của IDC cho thấy Lenovo dành được vị trí nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới, vượt qua HP, là nhờ doanh số giảm ít nhất. Lenovo giảm 1,4%, còn HP giảm 7,7%. Doanh số bán của Acer và Asus còn rớt thê thảm hơn, Acer giảm tới 32,6% và Asus giảm 21,1%. Cũng như những đợt suy giảm gần đây, nguyên nhân được cho là bởi người dùng ngày càng có xu hướng chuyển sang smartphone và máy tính bảng thay cho máy tính cá nhân.

Những năm gần đây, trong cơn bão thiết bị di động cá nhân, người dùng không còn tâm lý chờ nền tảng mới để nâng cấp máy tính như trước, thời mà hiệu suất làm việc được đặt ưu tiên hàng đầu. Tiện dụng, kết nối liên tục, máy cầm trên tay, dùng cả ngày, bất cứ đâu kể cả khi đang di chuyển, không cần để ý tới pin mới là điều người dùng quan tâm khi chọn mua thiết bị tính toán. Và đó lại chính là bài toán khó cho ultrabook, kể cả khi được trang bị vi xử lý Haswell cùng với thiết kế theo xu hướng “2-trong-1”  (laptop lai máy tính bảng) mà các nhà sản xuất máy tính thi nhau giới thiệu tại Computex 2013 diễn ra hồi đầu tháng 6.

Các nhà sản xuất máy tính truyền thống có vẻ như đều đang tìm hướng đi mới trước thảm họa thị phần mòn dần bởi sức tấn công mạnh mẽ của các thiết bị tính toán di động. HP mới đây cho biết không hài lòng với vị trị thứ hai và không muốn ở lại thị trường này nữa. Hai công ty máy tính lớn của Đài Loan, Acer và Asus, cũng đang dần chuyển hướng tập trung cho mảng thiết bị di động. Dell thì đã lên tiếng về nguy cơ “diệt vong” nếu chỉ kinh doanh máy tính cá nhân, bởi doanh thu mặt hàng truyền thống của hãng chỉ còn có giảm mà không thể tăng trở lại.

Người dùng thờ ơ với máy tính cá nhân gây tác động không chỉ riêng với các nhà sản xuất phần cứng, phần mềm, mà còn ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Kỷ nguyên di động đang làm thay đổi mọi thứ. Tạp chí PC World Mỹ chuyên về máy tính cá nhân vừa đình bản ấn phẩm in sau 30 năm bởi cuộc cách mạng di động đưa cả thế giới lên màn hình của những thiết bị cầm gọn trên tay người dùng.

Theo PCworld

Bình luận