Thần tượng thời @

Câu hỏi Nghị luận xã hội trong đề thi Đại học năm 2012 môn văn khối D về “văn hóa thần tượng” dường như “bắt trúng bệnh” không phải của giới trẻ mà của toàn xã hội. Trớ trêu ở chỗ, việc thể hiện tình yêu với thần tượng- chuyện bình thường của một xã hội văn minh- bỗng chốc trở thành vấn đề nhức nhối.

Văn hóa thần tượng trong “ma trận” truyền thông

Không nhức nhối sao được, khi hiện tại có chục nghìn trang web, diễn đàn cung cấp đủ loại thông tin cho giới trẻ. Trong khi người lớn, những bậc làm cha, làm mẹ, cảm thấy lúng túng, thậm chí tảng lờ việc dạy dỗ con em cách thể hiện tình yêu, niềm ngưỡng mộ với một ai đó.

1. “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa”. Đây không phải là một câu rào đón đãi bôi mà là một thực tế bị “bỏ quên”. Theo PGS-TS Ngô Văn Giá – chủ nhiệm Khoa Sáng tác, Phê bình & Lý luận Văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội, thần tượng là một yếu tố kích thích, hay còn gọi là kích thích tố để con người ngưỡng vọng, vươn lên, khẳng định năng lực, đường đi của mình. Thần tượng chỉ có ý nghĩa khi nó kích thích sự phấn đấu của con người. Thần tượng còn có ý nghĩa ấy khi nó hướng người ta tới sự theo đuổi trong suốt năm tháng tuổi trẻ.

Là thành viên của nhóm hâm mộ Che Guevara (hay còn gọi là Che, nhà cách mạng Mỹ Latinh), Nguyễn Anh Tuấn, hiện là sinh viên năm 3, Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng chia sẻ: “Từ lâu, cộng đồng những người yêu mến Che đã rộng khắp thế giới. Tạm gác chuyện chính trị qua một bên, lý do trên hết là Che khơi gợi cho bọn mình tình yêu đồng loại, nghị lực vươn lên và khát vọng theo đuổi lý tưởng cá nhân tới hơi thở cuối cùng. Một thanh niên Argentina bị hen mãn tính dám từ bỏ gia đình danh gia để liều mình cùng vài chục người giải phóng dân tộc Cuba, rồi rời Cuba khi đã hoàn thành nhiệm vụ và đang nắm những chức vụ cao nhất; để sau đó hi sinh ở Bolivia khi đang gắng gây dựng những đội quân giải phóng dân tộc này, là một người đáng để ngưỡng mộ.”

Không chỉ “ngưỡng mộ thần tượng” mà việc “tẩy chay” một số người nổi tiếng của các nhóm anti- Fan cũng là một nét văn hóa. Chưa bàn nguyên do sâu xa của từng trường hợp, việc có một quan điểm riêng và mạnh dạn thể hiện rõ “lẽ ghét thương” trong tầm kiểm soát của mình cũng là những điều đáng trân trọng của các anti- Fan. Bởi xã hội càng hiện đại càng cần những cái nhìn đa chiều và sự bày tỏ thẳng thắn những góc nhìn ấy.

2. Trong quá trình truyền thông, điều kỵ nhất là bị nhiễu thông tin. Song hiện nay, với bộ máy PR đồ sộ và tinh vi, một vài ngôi sao được các ông bầu “vẽ” cho mình nhiều phẩm chất và tài năng mà họ không có. Trong khi những thiếu sót của họ bị giấu nhẹm theo kiểu: to hóa nhỏ, nhỏ hóa không. Thậm chí, có những khuyết điểm của thần tượng được PR ngược thành phong cách, thành thương hiệu. Điều này khiến nhiều bạn trẻ non nớt đã dập khuôn học theo và coi đó là cá tính.

Cũng theo PGS-TS Ngô Văn Giá, thần tượng được hiểu là năng lực chuyên môn xuất chúng. Còn trong đời sống của họ có những hạn chế và lầm lạc. Trong thực tế có những ngôi sao hút hít, nghiện, cho nên nếu ta tôn thờ thần tượng một cách mê muội, bắt chước cả kiểu tóc, điệu cười, cái vẫy tay, đi lại… và cả những hạn chế của thần tượng ấy. Đấy là thảm họa!

Không gian ảo cũng là môi trường truyền thông lý tưởng để các anti- Fan cực đoan lộng hành bôi xấu những thần tượng cũng như những người hâm mộ họ. Tiêu biểu như “Bức tâm thư gửi Bộ Giáo Dục” của người tự xưng là Fan Kpop có tên Lê Minh Hồ (tên tiếng Hàn là Lee Min Ho !? ): ” …Cái thời khắc đọc đề thi khối D của Bộ Giáo Dục (BGD), tôi vẫn bàng hoàng sửng sốt và không kìm được nước mắt. Với tri thức hiểu biết, dẫu không quá nhiều song cũng đủ để tôi hiểu rằng BGD đang cố tình trực tiếp đá xoáy tới chúng tôi, và gián tiếp ảnh hưởng đến Suju thần thánh. Chua xót thay, sao BGD không hiểu chúng tôi – những tín đồ sinh ra là để dành cho Suju và chỉ Suju mà thôi. Vì Suju tôi nghiền su su luộc, vì Suju tôi chỉ xài đồ hiệu của Suzuki, vì suju tôi học tiếng Hàn và biết tới xứ sở củ sâm vinh diệu… Và quan trọng nhất, vì Suju tôi không ngừng cố gắng phấn đấu – điều đó có gì sai? Có gì sai cơ chứ, thưa BGD! Rồi đây khi nước mắt có thể cạn, máu có thể kiệt cùng song tình yêu Suju luôn đi cùng năm tháng. Vậy BGD còn muốn trông chờ điều gì nữa. Thi cử chỉ là phù du, suju mới là vĩnh cửu!” Bức thư khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì độ “cuồng” thái quá của “Fan” này nói riêng và các Fan yêu nhạc Hàn nói chung. Song đọc kỹ, nhiều người nghi ngờ về nguồn phát tán “bức tâm thư” này. Và nhiều Fan nhạc Hàn đã khẳng định và tố lại, đây là “sản phẩm chế” của các anti- Kpop nhằm bôi xấu hình ảnh họ.

“Phải khẳng định là tình trạng Fan cuồng Kpop là có. Song không nhiều và thái quá như mọi người đang nghĩ. Vì xét lại, sở dĩ Fan nhạc Hàn chịu định kiến là “cuồng” vì những phát ngôn trên Facebook, hay các diễn đàn rồi bị chụp hình lại. Mà những phát ngôn phản cảm ấy lan truyền quá nhanh khiến không ai có thể xác nhận được thật- giả”, Lê Thùy Dương, thành viên nhóm Fan của ban nhạc Hàn Quốc Big Bang cho hay.

3. “Mê muội thần tượng” là điều đáng lo ngại. Song điều đáng sợ hơn của xã hội là những người trẻ không có thần tượng. Bởi đấy là khi xã hội không có những nhân tố tích cực đủ để cuốn hút các bạn trẻ noi theo.

Hay như trong đề văn về thần tượng vừa rồi, rất nhiều thí sinh đã thẳng thắn chia sẻ thần tượng trong bài làm của các em chỉ đơn giản là cha mẹ, thầy cô. Đó là những người các em kính trọng và muốn tiếp nối những công việc, khát khao của người đi trước… Song từ “thần tượng” hiện đang bị nhiều người mặc định xem là thuật ngữ riêng cho ngôi sao giải trí, tâm niệm chung thường là những ấn tượng không hay .

Và việc “loạn” truyền thông như hiện nay khiến định kiến xem nhẹ tầm quan trọng của “văn hóa thần tượng” là một điều đáng quan ngại.

Theo XHTT

Bình luận