Còn rủi ro lạm phát, thận trọng chính sách điều hành

Với mức tăng thấp của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mục tiêu giữ lạm phát dưới một con số mà Chính phủ đề ra được đánh giá là “nằm trong tầm tay”. Thế nhưng, rủi ro của lạm phát vẫn còn khi hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn gặp rất nhiều khó khăn và tổng cầu chưa có sự khởi sắc. Do đó, việc đảm bảo sự nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ và tài chính trong nửa cuối năm 2013 là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra.

Theo đánh giá của Ts. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kể từ khi tham gia vào WTO, mặc dù Việt Nam có nhiều nguồn lực lớn hơn, nhưng lại tăng trưởng chậm hơn và bất ổn vĩ mô trở thành căn bệnh dai dẳng. Trong đó, lạm phát trở thành một trong những “biến số” khó lường nhất của nền kinh tế.

Rủi ro từ lạm phát

Ông Thành phân tích CPI của Việt Nam không những đạt ở mức cao nhất châu Á trong 5 năm qua, mà mức độ dao động của lạm phát cũng rất lớn. Đặc biệt, nếu như trước năm 2007, lạm phát lõi (không bao gồm giá nhiên liệu và giá lương thực) có tốc độ thấp hơn lạm phát chung, thì từ giữa năm 2012 đến nay, do giá lương thực giảm rất mạnh, nên lạm phát chung lại thấp hơn và giữ mức tương đối ổn định so với lạm phát lõi.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho rằng giai đoạn từ 2006 – 2013, Việt Nam đã trải qua 2 thời kỳ lạm phát hai con số vào năm 2008 và 2010 – 2011. Trong đó, lạm phát lương thực thực phẩm luôn cao và biến động mạnh hơn nhiều so với lạm phát phi lương thực thực phẩm.

Bản chất của diễn biến trên, theo ông Thành, là do lạm phát luôn gắn với các biến số cơ bản, như: vấn đề tăng cung tiền và đầu tư, đặc biệt là đầu tư Nhà nước; vấn đề đô la hóa, tức là sự dịch chuyển dòng của dòng tiền nội tệ với ngoại tệ và tỷ giá; sự biến động của giá hàng hóa cơ bản của thị trường thế giới.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 11 được đưa ra nhằm giải quyết các biến số trên, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Một loạt chính sách được đưa ra, như: giảm tổng cầu bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa; giảm áp lực lên thị trường ngoại hối và tạo cho VND hấp dẫn hơn và đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho DNNVV và hoạt động kinh doanh nông nghiệp và đảm an sinh xã hội.

 

 

Tuy nhiên, các chính sách này lại mang lại “hiệu ứng phụ” với nền kinh tế. Bên cạnh việc không kiểm soát được giá thế giới (nguyên, nhiên liệu đầu vào) làm đẩy chi phí lên cao, thì lãi suất lên cao đã gây khó khăn cho DN. Việc thực hiện chưa tốt cũng khiến cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN càng khó khăn hơn.

“Về tổng thể, nền kinh tế vĩ mô đến thời điểm này đã ổn định hơn, một số chỉ số đã được cải thiện nhưng rủi ro vẫn còn hiện hữu, đặc biệt với ngân sách và hệ thống tài chính ngân hàng. Bên cạnh đó, sản xuất – kinh doanh cực kỳ khó khăn, mặc dù trong 1 – 2 tháng gần đây có vài con số tích cực “nhúc nhích” hơn, nhưng dự báo tăng trưởng năm nay chỉ 5 – 5,2%, tức là nghi ngại hơn với tăng trưởng và câu chuyện khó khăn với DN vẫn còn dài dài trước mắt”, ông Thành đánh giá.

Kiên trì nhất quán chính sách

Ts. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc VEPR, cũng cho rằng việc lạm phát giảm hoặc tăng thấp trong 2 năm liên tục xuất phát từ tổng cầu kinh tế suy giảm. Sự suy giảm của tổng cầu lại chịu tác động rất lớn từ các chính sách điều tiết tổng cầu của Việt Nam như thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

“Trong nửa đầu năm 2013, lạm phát thấp một cách đặc biệt, chưa từng có trong cả thập niên vừa qua. Đây là hệ quả của nền kinh tế đang bị suy giảm rất mạnh từ sức mua và khả năng đầu tư, khả năng kinh doanh của DN. Do đó, việc kiểm soát lạm phát cả năm với mức trên 5% trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được, nhưng vẫn cần chú ý đến những rủi ro lạm phát vẫn còn”, ông Thành nhận định.

Theo đại diện của VEPR, vấn đề cấp bách hiện nay là khôi phục tổng cầu, quan tâm nhiều hơn đến sự phục hồi kinh tế, khả năng đầu tư kinh doanh của khu vực DN và sức mua thị trường. Tuy nhiên, vẫn cần phải rất thận trọng với chính sách tiền tệ để lạm phát không tăng trở lại. Cùng quan điểm trên, ông Thành nhấn mạnh thêm rằng những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được là “giá trị” cần phải được giữ gìn. Do đó, cần đảm bảo tính nhất quán chính sách, đặc biệt trong bối cảnh tính ì lạm phát và rủi ro bất ổn vĩ mô vẫn còn hiện hữu.

Ts. Arto Kovanen – cố vấn chính sách kinh tế vĩ mô và tư vấn độc lập IMF, nhấn mạnh rằng việc đảm bảo tính nhất quán trong chính sách tiền tệ và tài chính là yêu cầu quan trọng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải có cân đối nhất định với chính sách liên quan, như: lương tối thiểu, can thiệp để đảm bảo trung hòa hóa dòng vốn, tỷ giá… Tuy nhiên, sự nhất quán cũng phải đi kèm với tính linh hoạt nhất định để ứng phó với diễn biến kinh tế, đặc biệt là có những phản ứng kịp thời trước những biến động của giá nguyên, nhiên liệu và thực phẩm.

Theo TBKD

Bình luận