SEO: Khó mà dễ

Để trang web của doanh nghiệp xuất hiện trong danh sách kết quả tìm kiếm của Google không khó, điều quan trọng là doanh nghiệp cần nắm vững cách thức nhằm giảm thiểu chi phí. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc kỹ thuật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển IM (IM Group), chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình áp dụng các phương pháp nhằm đưa trang web công ty lên vị trí 10 trang đầu tiên trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm.

Hiện có hai phương pháp khá phổ biến để trang web của doanh nghiệp bạn có thể nằm ở vị trí một trong 10 trang web đầu tiên xuất hiện khi người sử dụng Internet tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

Thứ nhất, bạn phải trả tiền cho Google qua mỗi lần người sử dụng Internet nhấp chuột vào trang web của doanh nghiệp bạn, hay còn được gọi là giải pháp tiếp thị trực tuyến Pay Per Click. Phương pháp này có nhược điểm là tốn nhiều chi phí nên khó phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Thông thường, để trang web của mình luôn đứng vào 10 vị trí đầu tiên, doanh nghiệp phải đầu tư cho trang web từ 5.000 đến 10.000 đô la Mỹ mỗi tháng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không dễ dàng tính toán được hiệu quả của phương pháp này cũng như tiếp cận khách hàng tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều người sử dụng Internet có thói quen chỉ tìm hiểu thông tin mà không có ý định mua hàng khi họ nhấp chuột để truy cập vào trang web của bạn.

Phương pháp thứ hai ít tốn kém nhưng có hiệu quả hơn, đó là SEO (Search Engine Optimization), nghĩa là sử dụng các thủ thuật thông qua những từ khóa tìm kiếm của khách hàng, sau đó tạo ra những bài viết mà nội dung có chứa các từ khóa này và đăng tải chúng một cách đều đặn lên trang web của bạn.
Có hai tiêu chí để được Google xếp hạng cao trong danh sách kết quả tìm kiếm, đó là từ khóa phù hợp nhất với những gì người sử dụng Internet tìm kiếm và thông tin bài viết cung cấp thực sự có lợi đối với người tìm kiếm một cách ngẫu nhiên.

Theo một thống kê của Google Analytics, các trang web mà doanh nghiệp thực hiện SEO có hiệu quả hiện đạt lượng truy cập 8.000-16.000 lượt mỗi ngày. Với lượng truy cập lớn như vậy, doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội tiếp cận với những khách hàng tiềm năng.

Doanh nghiệp có thể thực hiện việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm bằng cách thuê dịch vụ hoặc tự làm. Theo cách thứ nhất, doanh nghiệp phải chịu phí 20-40 triệu đồng cho một từ khóa, và thêm 30% phí duy trì các từ khóa đó mỗi tháng để trang web không bị rớt hạng. Nếu muốn tiết kiệm kinh phí, doanh nghiệp vẫn có thể tự mày mò làm SEO cho riêng mình.

Trước hết, cần phải mua các dịch vụ mạng như domain (tên miền, tương tự như tên công ty), hosting (nếu xem ngôi nhà là bộ mặt công ty thì hosting chính là phần đất để xây ngôi nhà đó) và source (mã nguồn, được hiểu nôm na như cơ sở vật chất của công ty) với chi phí khoảng 4 triệu đồng. Tiếp đến, cần lên danh sách các từ khóa liên quan trực tiếp đến hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh. Thông qua công cụ Google Keyword Tool, bạn gõ vào những từ khóa này để tiếp tục tìm kiếm các từ khóa có nghĩa gần với sản phẩm, dịch vụ của công ty mình và có mức truy cập cao từ người sử dụng Internet. Tạm gọi những từ khóa ban đầu của bạn và những từ khóa kiếm được từ Google Keyword Tool ở bước đầu tiên là từ khóa cấp 1.

Khi lần lượt gõ những từ khóa cấp 1 vào Google Keyword Tool, bạn sẽ tìm được thêm các từ khóa cấp 2. Tiếp tục lặp lại quá trình này, bạn sẽ có một thế hệ các từ khóa cấp 3, cấp 4… hay nói cách khác, doanh nghiệp sẽ có một đồ thị về những từ khóa liên quan đến hàng hóa, dịch vụ của mình.

Cuối cùng, với mỗi từ khóa cấp 3, cấp 4 này, bạn cần xây dựng một bài viết tương ứng có nội dung hữu ích, có tính thu hút đối với người đọc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tự làm SEO cũng nên chăm sóc thường xuyên trang web của mình bằng cách đăng tải liên tục các bài viết có chứa những từ khóa cấp 3, cấp 4 với nội dung có thực chất.

Nhược điểm của việc tự làm SEO là doanh nghiệp mất rất nhiều công sức, trong đó phải đầu tư thời gian cho việc tổ chức nội dung trên trang web. Để giải quyết khó khăn này, doanh nghiệp có thể mời những người yêu thích viết blog (blogger) hay mời cộng tác viên về nội dung với mức nhuận bút phù hợp với khả năng của mình.

Theo Thesaigontimes

Bình luận