Sáng tạo để kiếm nhiều tiền hơn

Những người sáng tạo thường kiếm được nhiều tiền hơn, làm được nhiều hơn và nói chung thường thành công hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống. Bạn cũng có thể trở nên sáng tạo hơn bởi vi một trong những điều lý thú nhất về sự sáng tạo nằm ở chỗ đây là một phẩm chất có thể học được.

Phá vỡ một lề thói

Một trong những cách dễ nhất để bắt đầu trở nên sáng tạo hơn là phá vỡ một lề thói nào đó. Khi chúng ta trở thành các tạo vật của những thói quen, chúng ta bỏ lỡ những ý tưởng mới, tính sáng tạo và cơ hội để tiến bộ.

Đã đến lúc cần Nghĩ khác và phá vỡ một vài thói quen thông thường nhất của bạn:

  • Hãy cho mình một đêm vui chơi tưng bừng vào tối thứ Hai.
  • Đi tới chỗ nào đó có khí hậu lạnh vào các kỳ nghỉ đông.
  • Rẽ phải và xem kết cục bạn đi tới đâu.
  • Nếu bạn vẫn thường xuyên đọc một tờ báo hàng ngày, hãy chuyển sang mua một tờ hoàn toàn khác.
  • Hãy ăn mặc bảnh bao hơn hoặc giản dị hơn.
  • Hãy thay đổi kiểu chữ, kích thước hay màu sắc chữ trong văn bản của bạn.

Khi phá vỡ lề thói, bạn cũng nên nâng cao mức độ ý thức của bản thân. Khi nhận ra điều gì đó khác lạ, thay vì nổi nóng thì hãy tự nhủ: “Điều này thú vị đây, làm sao mình có thể: tận dụng nó, thích ứng với nó, buộc nó phục vụ mình nhỉ,…”.

Phương pháp tự phân tích này khá khác biệt so với quy trình suy nghĩ thông thường của chúng ta, vốn thường để mặc cho các ý nghĩ tự do đến rồi đi và nhiều khả năng không tận dụng được tối đa từ chúng.

Hãy suy nghĩ như một đứa trẻ

Những đứa trẻ suy nghĩ rất khác biệt. Chúng học nhanh hơn, thử nghiệm nhiều ý tưởng và có được nhiều niềm vui hơn. Từ rất sớm, trẻ em đã được cổ vũ khám phá, chấp nhận rủi ro và thậm chí tìm kiếm thách thức.

Khi gặp vấn đề cần giải quyết, hãy xử trí nó giống như một đứa trẻ sẽ làm. Dưới đây là một vài ý tưởng:

  • Sờ tận tay: Trẻ em thích sờ mó lên các đồ vật. Còn người lớn cố gắng giải quyết 90% vấn đề họ gặp phải thông qua một lệnh tìm kiếm trên Google.
  • Biến vấn đề thành trò chơi: Bạn học hỏi được nhiều hơn khi bạn đang chơi – hơn rất nhiều. Bằng cách nào bạn có thể biến khó khăn cần giải quyết thành một trò chơi?
  • Thêm màu sắc: Bạn đã từng bao giờ nhìn thấy những màu sắc lộng lẫy đầy ma thuật tại một nhà trẻ chưa? Giờ hãy so sánh chúng với văn phòng của bạn. Màu sắc cải thiện mức độ hoạt động của các bộ phận tiếp nhận thông tin trong bộ não của bạn.
  • Vẽ: Hãy tìm cho mình một tờ giấy to, thật nhiều bút màu và bắt đầu vẽ. Hãy học cách lập sơ đồ cho dòng tư duy của bạn và suy nghĩ bằng những hình vẽ.
  • Hãy để công việc lại đó khi bạn cảm thấy chán ngấy: Trẻ nhỏ biết khi nào nên dừng lại. Đó chính là thời điểm hứng thú của chúng bắt đầu lụi tắt. Vậy là chúng tìm việc gì khác để làm, rồi sau đó quay trở lại thứ đang bỏ dở với hưng phấn đã phục hồi.
  • Hỏi những câu ngớ ngẩn: Người lớn trở nên lúng túng khi phải hỏi những câu ngớ ngẩn. Trẻ nhỏ lại trưởng thành nhờ chúng. Bạn có thể hỏi những câu ngớ ngẩn nào đây, hỏi ai và thường xuyên tới mức nào? Điều thật sự hay ho của việc suy nghĩ giống như một đứa trẻ nằm ở chỗ, là một người trưởng thành, bạn có thể (và cần phải) “bật” hay “tắt” nó theo nhu cầu.
  • Hãy thử làm thế này: lần sau khi gặp phải một vấn đề, bạn có thể suy nghĩ như một đứa trẻ trong 10 phút, tìm ra giải pháp, rồi sử dụng 50 phút tiếp theo thực hiện một phân tích chi phí toàn diện, lên dự kiến thời gian biểu và phân bổ nguồn lực.

Tự nhiên đã giải quyết nó thế nào?

Tôi đã dùng đến câu hỏi này hàng trăm lần. Nếu mối quan hệ của bạn không trôi chảy, liệu tự nhiên có xóa sổ nó đi không? Hay nó sẽ tiến hóa? Bạn có thể tìm thấy thức ăn ở đâu nếu một nguồn lương thực thông dụng cạn kiệt?

Tự nhiên chính là thế lực thiên tài nhất, giàu nguồn lực và có khả năng thích nghi tốt nhất con người từng biết đến. Bằng cách đặt ra câu hỏi tự nhiên sẽ giải quyết một vấn đề nào đó như thế nào, bạn sẽ mở ra một kho tàng đầy ắp những suy nghĩ sáng tạo.

Nếu bạn không phải là người ưa chuộng những giải pháp mang tính tự nhiên của tạo hóa, rất có thể bạn cần ép buộc mình có chút sáng tạo theo Nghĩ khác:

  • Đổi cách gọi tên: Liệu nó vẫn còn như cũ không? Thông qua việc đổi tên của một sự vật nào đó, chúng ta cũng thay đổi luôn cách chúng ta cảm nhận về nó. Khi bạn nghĩ tới từ “tách”, một vài hình ảnh hiện lên trong tâm trí. Giờ hãy nghĩ: ly, cốc, chén, vại. Chuyện gì sẽ xảy ra?
  • Hãy đảo nó lại: Ai bảo rằng nó cần phải như thế này? Với việc tiến hành theo quy trình cũ, chúng ta sẽ thường chỉ thu được những kết quả giống như trước. Cách nghĩ mới = Kết quả mới. Bằng cách đảo lộn thứ tự, con số và các quy trình, chắc chắn bạn sẽ thu được những kết quả mới. Hãy bắt đầu từ điểm kết thúc, rồi từ đó di chuyển tới điểm bắt đầu.
  • Thực hiện một phép ẩn dụ: Khả năng thuyết phục người khác về một nguyên tắc hay ý tưởng là một kỹ năng quan trọng. Thay vì đi vào quá nhiều chi tiết, hãy liên kết ý tưởng của bạn với một điều “đã biết” và tạo ra một phép ẩn dụ. Các phép ẩn dụ sẽ sinh ra các phép ẩn dụ mới, làm các ý tưởng trở nên sống động.

Để giải thích cách công ty sắp thay đổi trong những tháng tới, Stephen mang một bộ ghép hình cỡ lớn tới hội nghị hàng năm của công ty mình. Khi ông bước lên diễn đàn với bộ ghép hình trên tay và không có bài thuyết trình chuẩn bị sẵn trên Power Point nào trợ giúp, ông bắt đầu giải thích ba tháng tiếp theo sẽ giống như việc lắp ghép một bức tranh ghép hình. Họ sẽ phải bắt đầu bằng việc tìm ra bốn góc, được ông liên hệ tới bốn giá trị của công ty.

Tiếp theo, ông giải thích tầm quan trọng của việc hoàn thiện các đường rìa. Ông liên hệ việc này tới quá trình quản lý công ty. Vừa ghép các mảnh còn lại vào với nhau, ông vừa đề cập tới việc loại bỏ lối “suy nghĩ biệt lập” và quảng bá cho ý tưởng tất cả cùng phối hợp làm việc, giải thích rằng ông đánh giá cao sự khác biệt của mỗi người, nhưng từng người có một vị trí trong tổ chức.

Cuối cùng, ông chia sẻ tầm nhìn. Đây chính là điều tất cả họ đang nỗ lực làm việc để hướng tới và khi ông lật nắp chiếc hộp lên, ở trên đó đã có ghi rõ tầm nhìn của công ty.

Việc ông sử dụng những mảnh ghép của bộ ghép hình khổng lồ làm hình ảnh ẩn dụ thực sự sáng tạo và dễ nhớ, nhưng quan trọng hơn cả là trong suốt ngày hôm đó, mọi diễn giả tiếp theo lên thuyết trình đều liên hệ tới những mảnh ghép hình, phép ẩn dụ này tiếp tục tác động lên tất cả mọi người có mặt trong phòng. Giờ nó đã trở thành một siêu ẩn dụ!

Bạn đã cảm thấy sáng tạo hơn chưa?

Theo HLG

Bình luận