Sức người Việt khó công nghiệp hóa

Thể lực người Việt Nam ở mức trung bình thấp nên không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

suc-nguoi-viet-kho-cong-nghiep-hoa

Nhận xét này của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trong phiên họp thường kỳ tháng 7 tại cuộc họp thảo luận về dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” khiến nhiều người phải giật mình.

Trong buổi thảo luận về dự thảo đề án này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu lên thực trạng báo động về tầm vóc và thể lực của người Việt Nam khi cho rằng chiều cao trung bình của nam, nữ thanh niên lần lượt là 1,61 m và 1,53 m, thấp hơn mức chuẩn tương ứng là hơn 8 và 9 cm và thấp hơn cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Vấn đề thể lực, tầm vóc người Việt không phải đến bây giờ mới được biết đến thông qua phát biểu của Bộ trưởng mà những năm trước đó chúng ta đã thấy được vấn đề này khi thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chính vì vậy ngày 28.4.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 641/QĐ-TTg về việc phê chuẩn “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”. Mục tiêu của đề án này cũng là nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ của người Việt Nam.

Theo đề án này, đến năm 2020 chiều cao trung bình đối với nam là 167 cm và nữ là 156 cm và đến năm 2030 sẽ lần lượt là 168,5 cm và 157,5 cm, còn đối với thể lực xác định bằng khả năng chạy tùy sức 5 phút của nam 18 tuổi được tính trong quãng đường trung bình đạt 1.050 m và ở nữ 18 tuổi là trong quãng đường trung bình đạt 850 m.

Để đạt được mục tiêu này thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định rằng, thể dục thể thao và chăm sóc dinh dưỡng học đường là 2 giải pháp quan trọng để nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

Gương điển hình về việc cải tạo tầm vóc, thể lực ở các nước châu Á phải đề cập đến Nhật. Trong suốt nhiều thập kỷ vừa qua họ đã rất tích cực cải thiện chiều cao khi họ ý thức được rằng nền tảng thể lực tốt sẽ giúp họ nâng cao năng suất lao động hơn nữa. Một số người dân Nhật còn cải thiện gien nòi giống bằng cách kết hôn với người ngoại quốc.

Bên cạnh việc cải thiện gen như trên, chính phủ Nhật cũng rất chú trọng đến việc dinh dưỡng và hiện nay đa số giới trẻ Nhật ăn sáng theo kiểu phương Tây với bánh mì và sữa. Giá sữa của họ được để ở mức rất hợp lý để nhiều thành phần xã hội có thể tiếp cận được.

Tất nhiên, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phụ thuộc nhiều yếu tố chứ không dựa hoàn toàn vào thể lực và tầm vóc. Dẫu vậy, đối với người Việt, có lẽ việc cải thiện sức khỏe để chịu được áp lực công việc trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa là điều thực sự cần thiết. Thế nhưng trong nhiều năm qua tầm vóc và thể lực chúng ta chưa được cải thiện, bắt nguồn từ câu chuyện coi thường môn giáo dục thể chất trong tất cả các cấp học. Nói đến giờ giáo dục thể chất ở các trường, nhiều người vẫn ngao ngán khi tình trạng dạy và học vẫn còn khá đối phó.

Nền giáo dục ở nước ta đã được đổi mới rất nhiều trong các năm gần đây nhưng gần như chỉ dừng ở việc cải cách sách vở. Đến nay chúng ta vẫn còn quá coi nặng các môn học lý thuyết còn môn giáo dục thể chất từ lâu mặc định được coi là một môn học phụ và tiết học này gần như là một giờ giải lao.

Tâm lý này xuất hiện bởi sự định hướng rằng nếu muốn tìm một công việc ổn định từ trước tiên phải thi đậu đại học. Những môn thể thao gần như không có đầu ra khiến học sinh, sinh viên không thể coi đây là đường đi đúng cho tương lai của mình.

Ông Ngô Quang Huy, Giám đốc trung tâm giáo dục thể chất và thể thao thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến môn học rơi vào tình trạng như vậy, ý thức của học sinh chưa tốt, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, nội dung môn học chưa hấp dẫn…”.

Ở nước ngoài, các môn học tự chọn được các học sinh, sinh viên cực kỳ yêu thích. Trong hàng loạt các môn tự chọn thì hoạt động thể thao được nhận được sự quan tâm của học sinh, sinh viên hơn cả. Thậm chí nhiều vận động viên quốc gia được tuyển ngay từ các trường học.

Một số bạn đi du học chia sẻ với một câu chuyện khá vui nhưng là thực tế, rằng ở nước ngoài các bạn trai hoạt động thể thao giỏi được các bạn nữ rất thần tượng trong khi đó ở Việt Nam có một bộ phận không nhỏ bạn nữ thấy ấn tượng với các anh đeo kính dày cộm hơn. Tri thức là tốt nhưng nếu học giỏi mà cứ nay ốm, mai đau thì rõ ràng cũng hạn chế sự cống hiến cho công nghiệp hóa.

Theo NCĐT

Bình luận