Sếp quân đội kể cơ duyên rời tập đoàn đa quốc gia về công ty nhà nước

Sếp quân đội kể cơ duyên rời tập đoàn đa quốc gia về công ty nhà nước

Cầm quyết định đầu quân cho Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ và khoáng sản Thái Sơn – Công ty trực thuộc Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng – cuối năm 2012, quý I/2013, Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Tư vấn công nghệ và khoáng sản Thái Sơn đã cho ra mắt dự án Trung tâm tư vấn phát triển nguồn nhân lực.

Điều gì khiến một doanh nhân từng đạt nhiều thành tựu tại các tập đoàn đa quốc gia lại đầu quân vào DN nhà nước và chuyên tâm hoạt động vì giáo dục cộng đồng?

Chọn DN: Cơ duyên và tích lũy

* Việc đầu quân cho một DN nhà nước vào chính thời điểm khối DN này đang tái cấu trúc là một phiêu lưu hay một quyết định “dũng cảm” của người đã từng làm việc tại các môi trường công ty tư nhân VN lẫn các tập đoàn đa quốc gia như anh?

– Với tôi, đây có lẽ một quyết định không bất ngờ. Ngoài chuyện cơ duyên, tôi tin đó còn là kết quả tất yếu của một quá trình mình tích lũy kinh nghiệm, trải nghiệm kinh doanh.

Và hơn thế, luôn mong muốn một môi trường kinh doanh không chỉ cho mình tiền tài, danh vọng mà quan trọng hơn, cho mình một con đường để được cống hiến, đóng góp điều gì đó cho đất nước, cho thế hệ tương lai.

* Nói thật, tôi nghĩ nếu muốn cống hiến và đóng góp, cứ gì phải làm DN nhà nước. Anh có nghĩ thế không?

– Đúng. Nhưng điều đó không dành cho tất cả. Mỗi người đều có một quan niệm sống, triết lý sống riêng.

Quan niệm đó chi phối lựa chọn môi trường công việc của từng người. Tôi đã qua môi trường làm việc tư nhân của một vài công ty ở VN, đã thử nghiệm đầu tư kinh doanh, thậm chí sắm các “vai” khác nhau ở một số tập đoàn đa quốc gia. Và đến nay, tôi thấy rằng với nền kinh tế VN, DN nhà nước vẫn có một vị thế lớn.

Vị thế đó có thể còn lớn hơn, phát huy được các ưu thế của mình tốt hơn nữa nếu có được những con người, nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của thời cuộc và triển hạn cả trong tương lai.

Nói nôm na là DN nhà nước hiện nay đang rất cần những người làm việc có kỹ năng, tri thức, kinh nghiệm, đã kinh qua các môi trường kinh doanh khác nhau.

Những người như vậy có thể mang đến một sự thay đổi, giúp DN nhà nước phát triển mạnh hơn, và đồng thời cũng có thể tự tìm được cho mình những trải nghiệm, những cống hiến trong môi trường thực sự đang rất cần họ.

* Có thể hiểu là sau gần 15 năm bươn trải kinh doanh ở các mô hình Cty khác nhau, anh đã “thấm” sự khác biệt, cái hay, cái dở ở những môi trường kinh doanh vi mô tiêu biểu?

– Môi trường không sẵn có mà do con người tạo ra. Cũng như, sản phẩm không quyết định con người nhưng ngược lại, con người mới quyết định sản phẩm.

Ở mỗi môi trường hoạt động vi mô, dù tư nhân, tập đoàn quốc tế hay DN nhà nước, không có môi trường nào dở tệ, cũng không có nơi nào hoàn toàn tuyệt vời.

Sau ngần đó năm, tôi thấy nếu ở công ty tư nhân VN, cảm tính trị (chứ không chỉ gia đình trị) vẫn thấm đẫm thì ở Tập đoàn đa quốc gia, tâm lý làm thuê vẫn khiến mình “lấn cấn”.

Còn với DN nhà nước, tôi thấy hầu hết người lao động trong môi trường này ít quan tâm mình làm thuê hay làm chủ. Tôi chưa thực sự trải qua môi trường mới dài lâu nên khó có thể nói trước điều gì nhưng tôi nghĩ khác với suy nghĩ của đại đa số mọi người, ở môi trường DN nhà nước, không phải không có đất cho bạn thi triển “cái tôi”.

* Có vẻ như với môi trường công ty tư nhân và DN quốc tế, anh làm chủ môi trường không quá khó?

– Hồi mới tốt nghiệp ra trường, tôi chọn một công ty tư nhân. Lúc đó, môi trường kinh doanh tư nhân còn rất mới mẻ tại VN nên tôi thích thử nghiệm sự mới mẻ này.

Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra kinh doanh tư nhân của ta còn manh mún. Do đó, tôi chuyển sang làm nhân viên kinh doanh tại một tập đoàn đa quốc gia. Trong vòng 5 năm, tôi được thăng tiến từ nhân viên lên giám sát bán hàng, rồi giám đốc kinh doanh khu vực, giám đốc kinh doanh toàn quốc.

Có thể nói ở công ty tư nhân, sự thích nghi hay làm chủ môi trường kinh doanh của một người muốn thực sự kinh doanh không quá khó, thì với tập đoàn quốc tế, nó đòi hỏi nhiều hơn sự chuyên nghiệp, đẳng cấp và đa nhiệm. Tất nhiên, đòi hỏi cao, trách nhiệm cao, sự tưởng thưởng cũng cao.

Vấn đề ở đây là tôi luôn cảm thấy dù mình được đề bạt đến đâu, tưởng thưởng thế nào, tôi vẫn chỉ là một người làm thuê. Và tôi không cảm nhận được sự đóng góp của mình cho DN, cho đất nước, mà tôi chỉ thấy mình đang đổi công sức lao động, mồ hôi nước mắt của mình lấy một vài đồng tiền lương hậu hĩnh.

Cái được “vô hình” lớn nhất mà tôi học được ở đây là các kỹ năng, kiến thức kinh doanh thực tiễn, cái mối quan hệ đáng quý và một số vốn liếng nhất định cho công cuộc kinh doanh về sau. Nhưng nếu chỉ dừng lại như vậy thì tôi vẫn còn thấy thiếu.

DN nhà nước : “Thay đổi, hay không tồn tại”!

* Trở lại với môi trường DN nhà nước, thời gian rất ngắn ở Thái Sơn, hẳn anh chưa thể nói được chuyện dài lâu?

– Theo tìm hiểu của tôi trước khi về đầu quân, Thái Sơn gia nhập thị trường kinh doanh một cách sòng phẳng, ở những lĩnh vực hoạt động khá rộng, tuy vẫn là DN nhà nước.

Tiền đề đó đưa đến một hệ quả thú vị : Chiêu hiền đãi sĩ là yếu tố quyết định thành công của DN (chứ không chỉ dựa vào các lợi thế đặc quyền ưu đãi vì là DN nhà nước như mọi người thường nói). Điều này thể hiện trong chiến lược kinh doanh của Thái Sơn, rất vững chãi, rất lính mà không kém “tiên phong”.

Ưu điểm nữa là các nhà lãnh đạo Thái Sơn không phải là những “lính già thủ cựu”, họ luôn sẵn sàng lắng nghe cái mới, chấp nhận thử nghiệm cái mới, sẵn sàng đi trước trong công cuộc DN quân đội tham gia làm kinh tế để xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những điểm đó khiến tôi lạc quan.

* Thú thực, ngược lại với anh, tôi hơi hoang mang trước những “ưu điểm” mà anh vừa liệt kê. Một DN nhà nước đang mở ra cho anh rất nhiều “con đường rộng” để “thênh thang bước”. Điều này hình như rất trái ngược với những barie về hoạt động DN nhà nước mà trước nay chúng ta vẫn hình dung?

– Khi mới nhận việc, phải nói cũng có lúc tôi hơi sốc, bởi gặp phải một số rào cản của DN nhà nước và các rào cản này khác xa với những môi trường tôi đã trải qua.

Tuy nhiên, khi bình tĩnh lại, tôi vẫn tin vào động lực và lựa chọn của bản thân. Điều đó giúp tôi vượt qua mọi rào cản – barie và khiến tôi nỗ lực chịu trách nhiệm trong phạm vi mình được phân cấp, phân quyền, được phép quyết định.

Tôi cũng biết có những vị doanh nhân đã hăm hở bước vào DN nhà nước với động lực cống hiến, sau đó nhanh chóng… bước ra và chỉ muốn quay trở lại với thương trường tư nhân ít bó buộc.

Chí ít, tôi đã có một thời gian chuẩn bị dài. Hơn nữa, tôi rất kỳ vọng vào công cuộc cải tổ DN nhà nước và “ở trong ruột”, tôi bắt đầu nhận thấy các DN nhà nước cũng đang rất ý thức về sự cải tổ này.

Thay đổi, hay không tồn tại (Changer, or not to be) – đó là mệnh đề mà phần lớn các DN nhà nước đang đặt ra và tư duy lại!

* Hiểu một cách khác, sự cải tổ của hệ thống quốc doanh là cơ hội của các doanh nhân, DN ngay trong cùng hệ thống?

– Tôi không dám bàn cao siêu, xin được nói đôi chút về dự án đào tạo giáo dục cộng đồng mà tôi và các cộng sự đang bắt đầu phát triển ở Thái Sơn. Nói mảng này mới thì không hoàn toàn mới vì nó xuất phát từ truyền thống đào tạo nghề mà Thái Sơn trước nay đã làm rất tốt dành cho đối tượng bộ đội xuất ngũ, nay mở rộng ra, hướng đến các đối tượng có nhu cầu cao hơn là các cán bộ quản lý, trước hết tại Thái Sơn và sau nữa, là tại các công ty nhà nước khác.

Tôi cho rằng tái cơ cấu DNNN, mà không có sự thay đổi, cải thiện về năng lực, trình độ, kỹ năng, nhận thức… của con người, thì mọi kế hoạch tái cơ cấu đều khó có hiệu quả bền vững.

Nói cách khác, tái cơ cấu trước hết vẫn phải là câu chuyện “làm mới” con người. Chính vì vậy, chúng tôi cung cấp các kỹ năng, kiến thức về quản trị tài chính, kinh doanh, công nghệ thông tin, với các đối tác tham gia đào tạo là các tổ chức quốc tế của Thụy Sĩ và Malaysia. Đây là những đối tác có uy tín mà bằng cấp của họ được công nhận tại VN cũng như ở các quốc gia khác.

Chúng tôi thực sự hi vọng sẽ sớm được nhìn thấy một bức tranh về DN quốc doanh của VN nói riêng sau giai đoạn hoàn tất cổ phần đại chúng, có thêm nhiều gương mặt anh tài, là vũng trũng thu hút chất xám, chứ không phải ngược lại như hiện nay.

Xa hơn, chúng tôi cũng nỗ lực gieo mầm hi vọng, trước hết bằng các hoạt động giáo dục cộng động, để chung tay vì một thế hệ người Việt sau 20 năm có thể nói tiếng Anh song song với tiếng Việt mẹ đẻ, có thể tự tin giao tiếp, trao đổi mọi kỹ năng, kiến thức… ngang hàng và thậm chí có nhiều thành tựu hiện thực hơn, so với các đồng nghiệp quốc tế.

Tất nhiên, chúng tôi hiểu giáo dục cộng đồng không phải là câu chuyện của một vài người, vài công ty, tổng công ty, vài tổ chức… Tái cơ cấu con người, cải thiện và nâng cao năng lực nhân lực, trước hết vẫn phải là tái cơ cấu nền giáo dục. Chúng ta chưa được chứng kiến điều đó nên trong phạm vi của mình, Thái Sơn đang cố gắng làm hết mình với những gì tốt nhất !

– Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị ở một đề tài ít thú vị này!

Theo DDDN

Bình luận