Rủi ro bị… bỏ rơi

Sau trường hợp ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Công ty CPCK Xuân Thành (VIX) đăng ký thoái toàn bộ phần vốn của mình tại công ty này, thì mới hôm qua, một loạt lãnh đạo của Công ty CPCK An Phát (APG) cũng có động thái tương tự. Đặt trong bối cảnh của thị trường chứng khoán hiện nay thì những trường hợp như trên vừa bình thường nhưng cũng có thể gây ra những hệ quả bất thường.

Thị trường chứng khoán hiện nay không dành cho những kẻ “ăn xổi”, không có thực lực, năng lực. Nhiều tiền nhưng không biết cách đầu tư, kinh doanh cũng thua lỗ. Còn ít vốn, yếu công nghệ thì không có cửa cạnh tranh với các công ty lớn trong lĩnh vực môi giới.

“Ăn” không được thì… rút

Ngành nghề nào hấp dẫn thì vốn đổ vào nhiều, còn khó khăn thì đương nhiên phạm vi tham gia sẽ bị thu hẹp nên việc các cổ đông lớn của công ty chứng khoán rút lui cũng là hợp lẽ thường. Cũng không thể đòi hỏi cổ đông lớn hay lãnh đạo công ty chứng khoán bắt buộc phải ở lại lúc công ty gặp khó khăn, ai cũng có sự lựa chọn của riêng mình.

Thực ra, đây chỉ là bề nổi của câu chuyện đầu tư vào công ty chứng khoán. Sau năm 2009, nhiều công ty chứng khoán đã phải đối mặt với khó khăn thực sự và việc nhiều cổ đông lớn thoái lui, diễn ra kể từ đó đến nay. Điểm lại những công ty chứng khoán đã sang tên đổi chủ trong vòng 3 – 4 năm vừa qua thì những trường hợp thành công là rất hiếm hoi.

Nhìn cơ cấu cổ đông của những công ty trong top 10 thị phần hiện nay đều có thể thấy được sự ổn định trong thời gian dài. Khó khăn thì tất cả đều phải đối mặt, có người trụ có người “ngã”. Chứng khoán vài năm nay vẫn có sóng lên, sóng xuống nhưng để thắng được thì không dễ nữa. Vì vậy, những cuộc cạnh tranh diễn ra vô cùng gay gắt và lợi thế thường thuộc về những những công ty có nền tảng, chiến lược rõ ràng.

 

Thị trường chứng khoán không dành cho những kẻ “ăn xổi”

Những cổ đông lớn đã mua công ty chứng khoán vài năm nay thường rơi vào một trong hai trạng thái: Nếu là “kẻ mạnh” về vốn về thương hiệu thì cách tiếp cận lại quá thận trọng, hoặc quá chủ quan. Nếu không phải “kẻ mạnh” thì là những cổ đông thường thường bậc trung, mua công ty chứng khoán cốt để bán lại, hoặc chờ cơ hội kiếm lãi trên thị trường.

Dấu hỏi trách nhiệm

Cổ đông lớn thoái vốn, nếu không thành công thì cũng có vấn đề nhưng nếu thoái được thì chưa chắc đã hay. Khi công ty được “trao” cho chủ sở hữu mới thì câu hỏi đặt ra là liệu có sự thay đổi tích cực nào ở đây hay không? Có nhiều khi công ty chứng khoán khi công bố đổi tên, thường là gắn với việc thay đổi chủ sở hữu, nhưng tên tuổi của cổ đông lớn cũng không có gì nổi trội.

Nếu công ty chứng khoán, với chủ sở hữu mới, tích cực gây dựng hoạt động trở lại thì đó sẽ là điều tích cực cho thị trường và cho chính công ty, nhưng nếu vẫn tiếp tục “xìu xìu, ển ển” thì đúng là rất buồn. Nhưng đó là chuyện của “phần sau”, thực ra ngay trong giai đoạn chuyển đổi chủ sở hữu hoặc cổ đông lớn có ý định thoái vốn cũng đã chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Hiện nay, ngoài các công ty chứng khoán lớn có thể xem như ổn định, vẫn còn một số công ty chứng khoán nhỏ hoặc cỡ vừa vẫn đang quyết liệt bám trụ thị trường. Trong giai đoạn sinh tồn, có thể có những công ty nản chí và tính đến ý định sang tên đổi chủ hoặc bán bớt cổ phiếu.

Dù với ý định nào thì điều này hoàn toàn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, lợi ích của các cổ đông khác và quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu cổ đông lớn đã thủ sẵn ý định chuyển nhượng công ty chứng khoán thì liệu có còn tâm trí nào để tiếp tục đôn đốc hoạt động của công ty hay không? Câu trả lời là có và cả không, nếu công ty chứng khoán rơi vào trường hợp sau thì sẽ chẳng khác nào công ty “vô chủ” và như vậy, rủi ro kèm theo là rất lớn.

Một trường hợp khác, cho dù công ty chứng khoán không thay đổi chủ sở hữu nhưng rủi ro bị… bỏ rơi cũng rất cao. Đó là trường hợp những công ty chứng khoán mà những vị trí chủ chốt như HĐQT hay ban giám đốc nắm rất ít cổ phần và công ty cũng không có những cổ đông lớn thực sự.

Nắm nhiều cổ phần thì rủi ro cổ đông lớn lạm quyền, còn nắm quá ít cổ phần thì trách nhiệm với công ty cũng không nhiều. Như vậy, việc lãnh đạo công ty chứng khoán chỉ làm việc cầm chừng hoặc chủ ý trục lợi sau đó “rút êm” bỏ lại hệ quả cho công ty phải gánh chịu. HĐQT nắm quá ít cổ phần thì cũng chẳng có động lực nào để đốc thúc ban tổng giám đốc phải tạo ra lợi nhuận và bảo vệ cho lợi ích của mình.

Theo TBKT

Bình luận