Quản trị mạng doanh nghiệp ngày nay

Hệ thống mạng của doanh nghiệp đơn giản hay phức tạp là tùy theo quy mô và loại hình của doanh nghiệp. Ngày nay, các nhà cung ứng đã đưa ra rất nhiều sự chọn lựa cho doanh nghiệp như cho phép doanh nghiệp tự trang bị, tự quản lý hoặc sử dụng dịch vụ.

Những doanh nghiệp lớn với hàng ngàn máy tính cũng có những giải pháp quản lý đặc thù kết hợp cả phần cứng và phần mềm.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở những mức độ khác nhau. Do vậy, họ sẽ có những nhu cầu khác nhau về quản trị hệ thống mạng (network) của doanh nghiệp. Một hệ thống được kiểm soát tốt sẽ làm giảm đáng kể chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả cũng như độ tin cậy của hệ thống.

 Quản trị hệ thống theo nhu cầu

Với các doanh nghiệp nhỏ, việc quản trị hệ thống mạng rất đơn giản. Thường thấy nhất là doanh nghiệp thiết lập một trang web, sau đó thuê các doanh nghiệp làm dịch vụ CNTT thực hiện trọn gói các nhu cầu, từ cho thuê hosting cho đến vận hành, bảo dưỡng trọn gói trang web, e-mail. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cần phải có ít nhất một nhân viên giỏi nghiệp vụ CNTT. Nhân viên này sẽ giúp giải quyết các công việc kỹ thuật chung hằng ngày, từ những lỗi cơ bản trên mỗi máy tính như nhiễm virus, không kết nối được Internet, lỗi liên quan đến hệ điều hành Windows, Office cho đến việc hệ thống mạng nội bộ trục trặc làm các chương trình kế toán, nhân sự không chạy được, khai báo e-mail cho nhân viên mới, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trên trang web, làm việc với nhà cung cấp khi hệ thống web, e-mail bị lỗi…

Ở các doanh nghiệp lớn hơn với nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành khác nhau, thì mô hình hệ thống mạng trở nên phức tạp. Để các máy tính của doanh nghiệp dạng này có thể kết nối với nhau như một mạng nội bộ, có thể gửi báo cáo mỗi ngày và có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu chung cũng như khai thác tài nguyên dữ liệu chung theo mức độ phân quyền, doanh nghiệp cần phải có những giải pháp CNTT hoàn chỉnh hơn, chuyên nghiệp hơn.

Với những doanh nghiệp quy mô lớn, liên quan đến nhiều khách hàng, như ngân hàng, viễn thông, chứng khoán hay bảo hiểm, thì mức độ phức tạp còn cao hơn. Để thực hiện được các giao dịch rút và chuyển tiền từ bất kỳ nơi đâu qua ngân hàng, hay thu tiền điện thoại mỗi tháng, cần phải có trung tâm lưu trữ dữ liệu để các máy tính từ xa có thể truy xuất về. Điều này cần phải có những giải pháp mạng hoàn chỉnh, không chỉ đơn thuần là vận hành hệ thống, tối ưu hóa để hệ thống chạy nhanh, mà còn phải quan tâm đến dữ liệu gồm cả bảo mật, lưu trữ cũng như phục hồi khi cần thiết.

 Nhiều giải pháp

Có hai hướng giải quyết cho nhu cầu về mạng doanh nghiệp hiện nay. Thứ nhất, thuê trọn gói dịch vụ (tư vấn, giải pháp, triển khai), hạ tầng viễn thông (đường truyền, server) từ các doanh nghiệp cung cấp giải pháp mạng. Thứ hai, doanh nghiệp thuê tư vấn, giải pháp và xây dựng hạ tầng viễn thông tại doanh nghiệp mình, như tự trang bị đường truyền, máy chủ, phần mềm cùng nhiều giải pháp bảo mật khác.

Với các doanh nghiệp quy mô vừa, có nhiều chi nhánh, nhưng đội ngũ CNTT không mạnh thì sử dụng dịch vụ Blue Connect của CMC cũng là một giải pháp thích hợp. Doanh nghiệp chỉ cần trang bị một mạng LAN đơn giản và sử dụng Blue Connect là đủ. Bằng cách này, doanh nghiệp sử dụng được các dịch vụ viễn thông cơ bản như Internet, lưu trữ dữ liệu, điện thoại IP, họp từ xa với các văn phòng đại diện… mà không phải đầu tư quá nhiều tiền cùng một lúc, ngoài ra còn có thể tiết kiệm được chi phí vận hành mạng.

Với các doanh nghiệp phải triển khai nhiều điểm giao dịch với khách hàng, giải pháp thông thường là thuê tư vấn và tự xây dựng hạ tầng mạng cho riêng mình. Hạ tầng bao gồm hệ thống mạng (network), máy chủ lưu trữ dữ liệu và các giải pháp bảo mật. Giải pháp thường dùng hiện nay là từ trung tâm (máy chủ) đến các điểm giao dịch khách hàng (máy con) chạy VPN (mạng riêng ảo) trên môi trường Internet. Tuy nhiên, cách này phụ thuộc quá nhiều vào tốc độ truy cập Internet thực từ máy con, mà tốc độ này lại phụ thuộc vào đường truyền, chất lượng cáp kết nối, điều này rất khó kiểm soát. Ngoài ra, việc đồng bộ hóa các thiết bị khi chạy VPN thường bị gián đoạn dẫn đến việc không truy cập được vào máy chủ và gây ảnh hưởng đến quy trình giao dịch với khách hàng. Hơn nữa, giải pháp này không có hệ thống cảnh báo lỗi, khó chẩn đoán lỗi và thời gian xử lý sự cố rất lâu. Hiện đã thấy xuất hiện trên thị trường các giải pháp mới khắc phục những điểm hạn chế này.

Systimax – Giải pháp kết hợp phần cứng và phần mềm

Như đã nói ở trên, việc biết được tình trạng kết nối (bị gián đoạn hay thông suốt) của hệ thống mạng là rất quan trọng đối với nhà quản trị mạng, đặc biệt là với những mạng quy mô lớn.

Hiện nay, Systimax Intelligent Infrastructure Solutions của CommScope là một trong những giải pháp quản lý hạ tầng mạng tổng thể được đánh giá cao. Không chỉ có một vài thiết bị thông thường, Systimax kết hợp các thiết bị mạng, phần mềm quản lý hệ thống, hệ thống điều khiển, cáp quang kết nối, đi kèm theo là các dịch vụ, huấn luyện. Giải pháp này hỗ trợ toàn diện cho các nhà quản trị mạng trong việc giám sát hạ tầng mạng đến lớp vật lý. Điều này giúp cho việc điều hành, kiểm soát hệ thống mạng doanh nghiệp hoạt động một cách an toàn, hữu hiệu.

Về phần cứng, giải pháp iPatch – một phần của Systimax – gồm các bảng thông minh, hộp nối cáp quang được tích hợp các bộ cảm biến, có thể xác định sự thay đổi trạng thái kết nối ở lớp vật lý của từng cổng. Mỗi giá của bảng thông minh được trang bị một hệ thống điều khiển, có nhiệm vụ giám sát, hiển thị và thu thập thông tin thay đổi ở từng cổng và gửi chức năng quản lý hệ thống, ngoài ra còn hiển thị trạng thái kết nối các cổng. Điều này sẽ giúp các nhà quản trị mạng luôn có thông tin về các kết nối trên hệ thống cũng như sự thay đổi về kết nối ở lớp vật lý theo thời gian thực.

Phần mềm quản lý hệ thống có chức năng quản trị mạng, giám sát hệ thống từ lớp mạng đến các thiết bị IP đầu cuối, đến các hệ thống khác, giám sát và xử lý lỗi từ xa. Đồng thời phần mềm này còn nhiều tính năng khác như thống kê lỗi, tự sửa lỗi. Ngoài ra, hệ thống cáp kết nối đã được tối ưu hóa, dễ quản lý, bảo trì đồng thời cải thiện độ tin cậy cũng như giảm thời gian trễ tín hiệu. Điều này là vô cùng quan trọng vì nó giúp cho những nhà điều hành mạng có thể giám sát hệ thống mạng một cách chi tiết, nâng cao hiệu quả khai thác và độ an toàn mạng.

Có một chi tiết quan trọng cho độ an toàn hệ thống mạng, đó là hệ cảnh báo của iPatch. Khi có một thao tác không theo quy trình xử lý, hệ thống điều khiển iPatch sẽ xác định sự thay đổi này trên bảng iPatch. Tất cả các kết nối thay đổi trên bảng iPatch sẽ được hệ thống điều khiển dò tìm và gửi về chức năng quản lý hệ thống, rồi chuyển đến các nhà quản trị hệ thống để xử lý.

Giải pháp iPatch của CommScope hiện được nhiều doanh nghiệp và tổ chức lớn trên thế giới chọn để triển khai hạ tầng mạng. Chẳng hạn, ngân hàng lớn thứ ba Mexico là Banco Azteca đã quyết định chọn giải pháp iPatch và hệ thống cáp Systimax GigaSPEED X10D F/UTP với tốc độ truyền dữ liệu lên tới 10Gb/giây để trang bị cho trung tâm dữ liệu của mình. Ngân hàng Bank of China (Trung Quốc) với 11.000 chi nhánh trong nước và 600 văn phòng trên toàn cầu đã quyết định chọn giải pháp iPatch và hệ thống cáp GigaSPEED XL cho trung tâm dữ liệu trị giá 10 triệu đô la Mỹ ở Thượng Hải. Và nhiều doanh nghiệp khác từ Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật, Đức cũng đã chọn các giải pháp từ CommScope để trang bị cho hệ thống của mình.

Như vậy, để bộ máy doanh nghiệp vận hành thông suốt, yêu cầu đầu tiên là phải có hạ tầng viễn thông ổn định. Sự ổn định này dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm các giải pháp cho hạ tầng mạng viễn thông doanh nghiệp và cơ chế bảo vệ dữ liệu. Trong đó hạ tầng mạng bao gồm server, đường truyền, hệ thống máy lạnh, hệ thống giám sát, cảnh báo, sửa lỗi đường truyền. Cơ chế bảo vệ dữ liệu bao gồm sao lưu, phục hồi dữ liệu, phòng chống virus, phòng chống tấn công, truy cập trái phép từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư ngân sách vào các giải pháp an ninh mạng. Theo ông Gary Ang, Tổng giám đốc Ingram Micro Asia tại Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ những lợi ích từ các giải pháp quản lý hạ tầng mạng, chỉ có các ngân hàng, các công ty tài chính, công ty đa quốc gia bắt đầu triển khai. Sở dĩ họ nhận thức sớm tầm quan trọng của các giải pháp này là vì cơ sở dữ liệu của họ rất lớn, độ rủi ro thất thoát dữ liệu là rất cao.

 

Theo TGVTSG

Bình luận