Quản lý báo chí trong giai đoạn hiện nay: Cần giữ vững “trận địa thông tin”

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Mai Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội – những người đã từng hay đang trực tiếp theo dõi cuộc song hành giữa báo chí và mạng xã hội sẽ đưa ra những ý kiến đa chiều về vấn đề này.

Hiện nay các mạng xã hội phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Ông đánh giá như thế nào về vai trò truyền tải thông tin của mạng xã hội?

<br />
	Ông Lê Doãn Hợp

Ông Lê Doãn Hợp

Ông Lê Doãn Hợp:

Truyền tải thông tin qua các mạng xã hội như hiện nay xuất hiện rất rõ và phát triển khá nhanh. Nó giống như một loại hình báo chí mà nước ngoài gọi với khái niệm là “báo chí công dân”. Mỗi công dân chỉ cần có máy ảnh, điện thoại di động là có thể cập nhật được thông tin lên blog của mình. Khi thông tin được đưa lên blog, thông tin đó trở thành thông tin xã hội.

Xu hướng như vậy là tốt vì tạo ra được một xã hội thông tin thông thoáng, xã hội có thông tin được cập nhật từng phút, từng giờ. Thực trạng này cũng đặt ra vấn đề quản lí, chắt lọc, khai thác tổng hợp như thế nào để đảm bảo được thông tin có ích, thông tin có tính định hướng dư luận xã hội tốt.

Nhà báo Mai Phan Lợi:

Dưới góc độ người làm báo, tôi thấy mạng xã hội hiện nay là môi trường rất nhanh nhạy, thuận tiện, đa phương tiện cho người sử dụng truyền tải thông tin, trong đó có những thông tin báo chí và bạn đọc quan tâm. Mạng xã hội mang lại thuận lợi cũng như thách thức rất lớn cho nhà báo trong tác nghiệp.

Thuận lợi là nó cung cấp thông tin “đầu vào” cho báo chí để thông qua đó triển khai tác nghiệp. Nhưng thách thức ở chỗ vì thông tin quá nhanh và đa phương tiện, đa chiều nên nếu nhà báo tác nghiệp chậm, không có nguồn kiểm chứng có thể gặp rủi ro.

Ông Ngô Huy Toàn:

Mạng xã hội là thành tựu của khoa học công nghệ, là phương tiện truyền thông ngày càng phát triển mạnh. Mạng xã hội là phương tiện truyền tải thông tin phong phú, đa dạng, thậm chí rất nhanh vì huy động được nguồn thông tin từ tất cả các lĩnh vực, trí tuệ của rất nhiều người.

Tuy nhiên truyền tải thông tin trên mạng xã hội cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét. Trước hết mạng xã hội đúng là một nguồn tin, nhưng nguồn tin này cần phải cân nhắc vì những người đưa thông tin lên mạng xã hội hiện nay không phải ai cũng có trách nhiệm, ai cũng có nhận thức đúng đắn. Bên cạnh thông tin có giá trị còn có thông tin không có giá trị, thậm chí không phù hợp.

Vậy sự phát triển của mạng xã hội có tác động như thế nào đến hoạt động báo chí, thưa ông?

Ông Lê Doãn Hợp:

Gần như tất cả báo chí đều chọn lọc thông tin từ mạng xã hội và mạng xã hội đều tìm kiếm thông tin từ báo in. Đó là mối quan hệ tác động qua lại nhưng chỉ có điều quản lí vấn đề bản quyền chúng ta làm chưa tốt. Sắp tới dùng thông tin của nhau phải chấp nhận cơ chế mua bán công minh.

Nhà báo Mai Phan Lợi:

Chúng tôi quan điểm thông tin trên mạng xã hội như nguồn tài nguyên và khi khai thác phải có sự phân loại, chế biến, sàng tuyển để có nguyên liệu đầu vào tốt. Nếu không chúng ta sẽ gặp những thứ không phải là quặng mà na ná như thế, sử dụng sẽ không ra được sản phẩm như ý, làm hỏng toàn bộ dây chuyền công nghệ.

Tôi rất lạ hiện nay một số tờ báo có “phóng viên thường trú” trên Facebook, “rình” xem trên mạng xã hội có thông tin gì là đưa lên mặt báo, không hề kiểm chứng. Cách tác nghiệp này phải nói là phi đạo đức, phi pháp lí. Những tờ báo khai thác thông tin như vậy gần đây càng ngày càng nhiều, biến nguồn tin mạng xã hội thành thông tin thật, đăng trên báo chính thống có giấy phép của Nhà nước. Đây là điều không chấp nhận được.

Nhưng cũng có một số rất nhỏ các nhà báo gần như đoạn tuyệt với mạng xã hội, cho rằng đó là thông tin bậy bạ, phản động. Thái độ cực đoan ấy cũng cần phải xem lại. Khi anh quay lưng với một phát minh của nhân loại rõ ràng anh sẽ tụt hậu. Tôi không quá “tả khuynh”, cũng không quá “hữu khuynh” nhưng tôi nghĩ đây là nguồn tin cần có sự chọn lọc.

<br />
	Ông Ngô Huy Toàn

Ông Ngô Huy Toàn

Ông Ngô Huy Toàn:

Sự phát triển mạng xã hội sẽ tạo ra áp lực cho cơ quan báo chí trong việc cạnh tranh về mặt thông tin, tính thời sự của thông tin. Bởi vì một số trường hợp rõ ràng thông tin trên mạng xã hội truyền tải rất nhanh, nó được xem như loại truyền thông xã hội. Đây là thách thức với các cơ quan báo chí.

Thứ nhất anh phải quản lí phóng viên thật chặt. Thứ hai phải có quy trình xuất bản rành mạch. Thứ ba phải làm tốt công tác kiểm định lại thông tin được thu nhận ban đầu từ mạng xã hội. Bản thân nhà báo cũng phải có trách nhiệm của mình với ý thức công dân, trách nhiệm xã hội.

Chỉ khi làm tốt những việc này, thông tin đưa ra ngoài xã hội mới đảm bảo tính chân thực. Đây là một yêu cầu rất cấp thiết. Hiện nay một số cơ quan báo chí có phần lơi lỏng trong hoạt động này khiến có thông tin đưa ra sai sự thật.

Theo ông, việc quản lí các thông tin trên mạng xã hội đặt ra thách thức như thế nào để tránh tình trạng lạm dụng mạng xã hội để tung những tin đồn thất thiệt, sai sự thật?

Ông Lê Doãn Hợp:

Muốn quản lí phải có đầy đủ chế tài, hiện nay rất nhiều lĩnh vực phát triển nhanh nhưng chế tài quản lí chưa theo kịp như quản lí báo mạng, blog. Cơ quan quản lí cần đặt ra chế tài quản lí tốt hơn. Chế tài này không kìm hãm sự phát triển mà khuyến khích phát triển đúng hướng, hạn chế sự phát triển không tốt.

Có một điều đáng tiếc là chế tài của chúng ta thường đi sau cuộc sống. Cho nên chúng ta cần cố gắng có các chế tài quản lí xích gần cuộc sống hơn. Ngày xưa chúng ta đưa ra chế tài theo nguyên tắc “quản lí được đến đâu thì cho phát triển đến đó”. Nói như thế sẽ dễ bảo thủ mà nên thực hiện phương châm “phát triển đến đâu thì quản lí phải theo đuổi đến đó”, và bây giờ, trong giai đoạn thứ ba này phải đặt ra mục tiêu “quản lí phải thúc đẩy sự phát triển”, theo hướng lành mạnh và phù hợp xu thế tất yếu của thời đại.

<br />
	Ông Mai Phan Lợi

Ông Mai Phan Lợi

Nhà báo Mai Phan Lợi:

Thực ra nếu coi mạng xã hội như một cái vỉa hè chúng ta sẽ có cái nhìn biện chứng hơn. Việc của cơ quan quản lí là hãy trả mạng xã hội về đúng vị trí của nó như một cái vỉa hè. Nó có tin tốt, tin xấu, và hãy làm cho toàn dân hiểu rằng thay vì ra vỉa hè “chém gió”, họ sẽ “chém gió” trên mạng.

Đó là cách tốt nhất, cách phòng ngừa tốt nhất. Nếu có thế lực lợi dụng mạng xã hội để tung tin xấu thì hãy sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin chính xác để phản bác lại tin xấu.

Người đọc sẽ so sánh đâu là tin có căn cứ, ai là người có chính kiến, chính nghĩa chứ không phải bằng các biện pháp chặt chẽ theo kiểu hành chính, hình sự. Với trách nhiệm làm trong sạch môi trường thông tin, đưa đến thông tin chính thống bổ ích cho bạn đọc, báo chí đóng vai trò quan trọng.

Muốn vậy, báo chí phải nâng cao năng lực, tự vượt qua rào cản, kĩ năng hiện tại, chẳng hạn thông tin chậm quá, khô cứng quá, không hấp dẫn thì phải tự đổi mới. Chúng ta nên tìm cách sống chung và có biện pháp “mềm” hơn là những biện pháp “cứng”.

Ông Ngô Huy Toàn:

Nói bây giờ mới phải quản lí mạng xã hội thì chưa chính xác lắm, vì từ trước đến nay chúng ta đã kiểm soát một cách đặc biệt bằng cách tạo ra hành lang pháp lí rất đầy đủ, trong đó có những quy định chung bất cứ quốc gia nào cũng phải tuân thủ như không được tuyên truyền chống Nhà nước, kích động, trái với thuần phong mĩ tục… Bên cạnh đó, cơ chế cho các mạng xã hội tồn tại và phát triển rất rộng mở.

Thực ra mạng xã hội giống như các hoạt động khác, đó là một sân chơi cho rất nhiều người tham gia. Người tham gia không phải ai cũng có nhận thức đồng đều, có người có suy nghĩ, cách nhìn chưa phải tích cực. Khi họ tham gia mạng xã hội chắc chắn cũng đưa lên những thông tin không phù hợp với luật pháp Việt Nam. Đó là điều không thể tránh khỏi. Trong những trường hợp ấy, cơ quan chức năng đều phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lí.

Về lâu dài, mong muốn của chúng ta là có được mạng xã hội của Việt Nam. Hiện một số DN trong nước đang thành công trong việc xây dựng mạng xã hội riêng cho người Việt nhưng so với yêu cầu thì còn phải phấn đấu rất nhiều. Họ đang gặp khó khăn từ nhiều góc độ khác nhau song rõ nhất là cuộc cạnh tranh không cân sức với các mạng xã hội toàn cầu khác. Họ mong muốn có sự đồng thuận của xã hội để phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn!

Cả nước có 812 cơ quan báo in với 1.048 ấn phẩm; 74 báo, tạp chí điện tử; 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp.
(Nguồn: Báo cáo tại Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 19-3-2013)

Trên thế giới hiện có 28 loại hình mạng xã hội khác nhau thì ở Việt Nam có 22. Hiện các trang mạng xã hội ở Việt Nam có mức tăng trưởng 60% năm. Nổi bật là Facebook có tốc độ phát triển rất nhanh với gần 9 triệu người Việt Nam sử dụng; Zingme với 7,4 triệu người, Google+ có 2 triệu người và Twitter có 500 ngàn người.
(Theo ông Nguyễn Khánh Hòa, Giám đốc điều hành Công ty giải pháp tiếp thị AZ)

Liên quan đến hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội , ngày 17-5-2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1432/BTTTT-PTTH&TTĐT. Quyết định quy định rõ, các trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, DN chỉ được cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí trong nước hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và Nhà nước phù hợp với quy định pháp luật về báo chí, về bản quyền. Theo quy định, những đơn vị này chỉ được trích dẫn nguyên văn, chính xác từ nguồn tin chính thức (bao gồm cả việc ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó) và không được bình luận.

Theo Genk

Bình luận