Phải kiểm soát được rủi ro khi tiền vào và ra quá nhanh

“Tới đây, một “sân chơi” tài chính bình đẳng sẽ được thiết lập và khi “chơi” cùng một sân, các tổ chức tài chính (TCTC) bắt buộc phải theo cùng một quy tắc”, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, nhận định.

* Các TCTC lớn trên thế giới vào Việt Nam ngày càng nhiều. Theo ông, điều này tác động như thế nào đến thị trường tài chính trong nước?

– Trước hết, phải thống nhất một điều, những khó khăn của các TCTC trong nước hiện nay không phải là kết quả của việc cạnh tranh với các TCTC nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việc các tổ TCTC trong nước gặp khó khăn, thậm chí phải tái cơ cấu, sáp nhập là do chủ quan, quản lý kém, kiểm soát rủi ro không tốt, mở rộng tín dụng quá mức…, dẫn đến nợ xấu tăng cao, mất vốn.

Nhưng, một điều dễ nhận thấy, khối ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đã rất tích cực trong thay đổi tỷ trọng, thị phần, với sự xuất hiện của các TCTC có quy mô khá lớn, chiếm vị trí chi phối thị trường tài chính.

Bản thân các TCTC này, một mặt cho phép sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ vốn giới hạn là 20%, mặt khác, chuyển hướng phát triển phân khúc bán lẻ, do khách hàng chính của họ là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Động thái này đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa các TCTC trong nước với các TCTC nước ngoài.

* Nhưng chuyển hướng cũng khiến cạnh tranh trên thị trường tài chính gay gắt hơn?

– Các TCTC nước ngoài với các TCTC của Việt Nam mới dừng lại ở quan hệ cộng tác, chưa phải quan hệ cạnh tranh. Các tổ TCTC nước ngoài vào Việt Nam đang bù lấp các khoảng trống mà các TCTC trong nước chưa vươn tới hoặc không đặt trọng tâm vào. Họ lựa chọn một phân khúc riêng, tập trung vào mảng vốn cho nước ngoài.

Tuy nhiên, gần đây, cũng có một vài TCTC nước ngoài thâm nhập vào mảng ngân hàng bán lẻ, thay vì đầu tư vào phân khúc bán buôn và đầu tư như trước đây. Với khả năng, kinh nghiệm quốc tế, họ có thế mạnh nhất định trong phân khúc bán lẻ.

* Tăng trưởng tín dụng của các TCTC nước ngoài tại Việt Nam không nhanh, nhưng chắc chắn. Theo ông, đây có phải là sự chuẩn bị cho việc mở rộng thị phần của họ trong tương lai?

– Thời gian qua, tỷtrọng tín dụng của các TCTC nước ngoài không tăng, thậm chí có giai đoạn giảm, nhưng tài chính của họ lành mạnh và ổn định, xuất phát từ hai phía: Họ rất thận trọng trong việc cho vay, tăng tín dụng, nên nợ xấu không thành vấn đề và khách hàng của họ không gặp khó khăn như các TCTC trong nước.

Do đó, trong 3-5 năm tới, nhiều khả năng, các TCTC nước ngoài sẽ củng cố sức mạnh ở phân khúc đã chọn hơn là “lấn sân” sang phân khúc nhiều rủi ro mà hiện nay các TCTC trong nước đang chiếm lĩnh.

Hiện nay, hệ thống tài chính của Việt Nam hoạt động chưa bình đẳng. Mỗi TCTC vẫn hoạt động trên một “sân chơi” riêng, với những quy tắc riêng, nên thiếu sự cạnh tranh cần thiết.

Tới đây, Việt Nam tiếp tục lộ trình mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, phải có đồng tiền chuyển đổi và tự do hóa được cán cân thanh toán, nhưng chắc chắn hiệu ứng của biến động kinh tế thế giới đối với kinh tế Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Thị trường tài chính sẽ có hai chiều hướng. Một là, các TCTC hoạt động kém hiệu quả phải rút lui. Như vậy, sẽ tạo ra một khoảng trống và khoảng trống ấy có thể được lấp đầy bởi các TCTC nước ngoài.

Một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh sẽ được thiết lập và khi chơi cùng một sân, các TCTC buộc phải theo cùng một quy tắc. Hai là, việc các nhà đầu tư đổ vốn hay rút vốn khỏi Việt Nam sẽ được tự do hóa.

Toàn bộ việc ấy, Việt Nam phải có cơ chế để kiểm soát, tránh rủi ro ngay cả khi dòng tiền đổ vào quá nhiều và bị rút ra quá nhanh. Phải có cơ chế mới phát huy được sự tích cực của các TCTC ngoài thông qua dòng tài chính đấy.

* Cảm ơn ông.

Theo DNSG

Bình luận