OECD: Kinh tế các nước phát triển có dấu hiệu khởi sắc

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 8-8 cho rằng tình hình kinh tế của các nước phát triển sẽ được cải thiện trong những tháng tới.

Tổng Thư ký OECD Angel Gurria. Ảnh: Reuters

OECD nói số liệu cho thấy kinh tế tăng trưởng vững chắc tại Mỹ, Nhật Bản và Anh.

Đà tăng trưởng kinh tế cũng diễn ra tại 17 nước khu vực đồng euro (eurozone), rơi vào cuộc suy thoái kinh tế trong 1 năm rưỡi qua.

Sự tăng trưởng trở lại của eurozone có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu nói chung. Eurozone có thể được coi là nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước Mỹ và Trung Quốc – 2 nước có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất.

Tuy nhiên, OECD cho biết số liệu cho thấy đà tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, Brazil, Nga và Ấn Độ.

Trong thời gian suy thoái kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế đang phát triển thu hút đầu tư trên khắp thế giới. Hiện nay, trước sự phục hồi tại các nền kinh tế phát triển, các công ty có thể rút bớt đầu tư tại các nền kinh tế đang phát triển.

Úc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013Ngày 8-8, Ngân hàng dự trữ Úc hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 từ 2,5% xuống còn 2,25% do đầu tư khai thác mỏ – một trong những ngành kinh tế chính của nước này – giảm nhiệt.

Triển vọng tăng trưởng thấp hơn làm tăng thách thức cho Thủ tướng Kevin Rudd, Chủ tịch Công đảng vừa được bầu làm thủ tướng ngày 7-9.

Trong tuần này, Ngân hàng dự trữ Úc giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục từ trước đến nay tại Úc là 2,5%.

Lạm phát ổn định và đô la Úc giảm cho phép Ngân hàng dự trữ Úc cắt giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng khu vực ngoài khai thác mỏ.

Bình luận