Những con chip tạo nên cú lừa 47 tỷ USD WeWork

Mô hình kinh doanh chip từ hàng chục năm trước đã tạo nên văn hóa đầu tư tại thung lũng Silicon, qua đó tạo nên những vụ bong bóng dưới vỏ bọc công nghệ như WeWork.


Một tháng qua là khoảng thời gian hỗn loạn của WeWork. Công ty này nộp hồ sơ để chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) vào tháng 8, ngay lập tức bị chỉ ra tình hình kinh doanh gặp vấn đề trong 3 năm liền. Ngày 24/9, CEO Adam Neumann từ chức, giá trị của công ty lúc đó chỉ còn 10 tỷ USD so với định giá 47 tỷ USD ban đầu.

Khủng hoảng của WeWork đã khiến giới đầu tư công nghệ toàn cầu bừng tỉnh. Thung lũng Silicon nhận ra mình đang sa đà vào cơn say công nghệ, khi mà mọi công ty đều hứa hẹn sẽ phá ngang một thị trường truyền thống bằng cách ứng dụng công nghệ. WSJ chỉ ra những bê bối gần đây của WeWork và Juul, công ty sản xuất thuốc lá điện tử chính là mặt tối trong công thức thành công của thung lũng Silicon.

Điểm chung giữa những hạt cát và WeWork

Trong bài viết “Thế nào là một công ty công nghệ”, nhà phân tích Ben Thompson của Stratechery chỉ ra điểm chung thú vị giữa những công ty sáng lập ra thung lũng Silicon hiện đại như Microsoft và những startup vài năm tuổi như WeWork, Peloton hoặc các công ty đặt nền móng cho kinh tế chia sẻ như AirBnB, Uber.

Microsoft có được thành công ban đầu nhờ được chọn làm công ty phát triển hệ điều hành cho máy tính IBM. Ảnh: IBM Archives.

Microsoft là công ty phần mềm đầu tiên đạt được thành công ở quy mô lớn. Thành công ban đầu của họ đến từ việc tạo ra hệ điều hành cho máy tính của IBM, sau đó đi theo mô hình bán bản quyền phần mềm.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Microsoft có một yếu tố quan trọng: họ có thể thu tiền từ mỗi phiên bản Windows hay Visual Basic bán ra, nhưng chi phí sản xuất thiết bị lưu trữ phần mềm đó, như đĩa mềm hay đĩa CD cực kỳ thấp, và Microsoft cũng không phải bán hay bảo hành phần cứng cho khách hàng.

Những nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn vào công ty công nghệ, với chi phí biên bằng không, cho phép thu về mức lợi nhuận không giới hạn.

Nhà phân tích Ben Thompson, Stratechery.

Đây là khái niệm mà Ben Thompson gọi là “chi phí biên bằng không”, tức là để bán thêm một sản phẩm trong trường hợp của Microsoft thì công ty này gần như không phải mất thêm chi phí. Tuy nhiên, mô hình này thực tế bắt nguồn từ những năm 1950, với cuộc cách mạng bán dẫn.

“Thung lũng Silicon có cái tên bây giờ bởi những con chip dựa trên Silicon cũng hoạt động gần giống vậy: chi phí phát triển và tạo nên một con chip dùng được thì rất đắt đỏ, nhưng khi đã hoàn thiện, việc sản xuất thêm một con chip gần như không tốn chi phí.

Đây chính là nền tảng để tạo nên đầu tư mạo hiểm, khi các nhà đầu tư đặt cửa vào một sản phẩm có khả năng sinh sôi lợi nhuận không giới hạn nếu như sản phẩm đó thành công”, ông Thompson giải thích.

Intel là công ty đầu tiên thành công nhờ đầu tư mạo hiểm. Ảnh: Intel Free Press

Nhà đầu tư Arthur Rock thường được gọi là người tạo nên khái niệm “đầu tư mạo hiểm”. Năm 1968, ông bỏ 10.000 USD, đồng thời thuyết phục người quen đầu tư thêm 2,5 triệu USD cho công ty bán dẫn mới thành lập có tên Intel. Chỉ 3 năm sau, Intel IPO với giá trị vốn hóa 8,225 triệu USD.

Mọi nhà đầu tư đều tìm kiếm lợi nhuận, nhưng những công ty công nghệ đã tạo ra một công thức hấp dẫn: đầu tư một khoản tiền vào một công ty với chi phí biên bằng không, và nếu công ty đó thành công, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận rất hấp dẫn.

“Nói cách khác, chính những nhà đầu tư mạo hiểm đã đảm bảo phần mềm là sản phẩm quan trọng tiếp sau bán dẫn”, ông Thompson kết luận.

Tiền bạc làm hỏng các nhà sáng lập

Theo The Verge, từ “công nghệ” xuất hiện 110 lần trong hồ sơ S-1 để đăng ký IPO do We Company gửi đi. Rõ ràng WeWork muốn được nhìn nhận như một công ty công nghệ. Lý do rất đơn giản: những nhà đầu tư có tiền, và họ muốn tìm một “công ty công nghệ” để đổ tiền, hi vọng mức lợi nhuận cao sau vài năm.

Khẩu hiệu một thời của Facebook, “đi nhanh và phá vỡ nhiều thứ” đã tóm tắt guồng quay của thung lũng Silicon. Tuy nhiên, theo WSJ, công thức đó không còn phù hợp cho thành công lâu dài.

Những nhà đầu tư, với nguồn vốn lớn của họ, đã đem tiền làm “ngập” thung lũng Silicon. Theo số liệu của PitchBook, các công ty tư nhân nhận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tới 137 tỷ USD trong năm 2018. Khi nguồn vốn gần như vô hạn, những nhà sáng lập bỗng dưng thấy cuộc sống quá dễ dàng.

Nhiều nhà phân tích nhận định việc nguồn vốn đổ vào các công ty quá lớn khiến các nhà sáng lập đi sai định hướng. Ảnh: AP.

“Giờ đây những nhà đầu tư phải tỏ ra tử tế để có thể ký kết những hợp đồng rót vốn”, Adam J. Epstein, chuyên gia tư vấn về quản lý doanh nghiệp nhận xét.

Cơn say của thung lũng Silicon dẫn đến suy nghĩ đơn giản: một ý tưởng tốt, công ty thành công trong thời gian đầu có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn một ngành công nghiệp đã tồn tại trước đó. Những nhà đầu tư và chính những nhà sáng lập dường như tin vào tầm nhìn này hơn là tình hình kinh doanh thực tế.

Khi cá nhân đứng đầu vấp ngã hoặc tỏ ra thiếu trung thực, câu chuyện họ xây dựng lên sẽ nhanh chóng trở thành câu chuyện thất bại

Giáo sư Aswath Damodaran của đại học Stern.

Adam Neumann từng bày tỏ ý định làm thay đổi cơ bản cách mọi người làm việc và giao tiếp. Nhà sáng lập Travis Kalanick của Uber hứa hẹn sẽ khiến việc sở hữu xe trở thành quá khứ.

“Dường như giá trị của họ được xây dựng dựa trên những cá nhân chứ không phải là tình hình kinh doanh. Khi cá nhân đứng đầu vấp ngã hoặc tỏ ra thiếu trung thực, câu chuyện họ xây dựng lên sẽ nhanh chóng trở thành câu chuyện thất bại”, Giáo sư tài chính Aswath Damodaran của đại học Stern nhận xét.

Adam Neumann là điển hình của một nhà sáng lập vẽ ra câu chuyện hay, nhưng thực tế lại làm khó cho công ty của mình. Neumann là một tay chơi đích thực, thích tiệc tùng và những thú chơi xa xỉ. Ông đi lại bằng máy bay riêng, và WeWork đã chi 60 triệu USD để mua một chiếc vào năm 2018.

“Neumann nói với mọi người ông thích tụ tập thế nào, và tequila, đồ uống yêu thích của ông, luôn sẵn sàng. Những buổi họp lãnh đạo luôn có sự xuất hiện của những chai Don Julio 1942, có giá hơn 110 USD mỗi chai. Đôi khi họ uống ngay từ buổi sáng”, bài viết của WSJ mô tả về sở thích của CEO WeWork.

CEO Adam Neumann của WeWork đam mê tiệc tùng và những thú chơi tốn kém. Ảnh: Getty.

Đầu năm 2019, WSJ tiết lộ Neumann kiếm được hàng triệu USD khi mua bất động sản, sau đó cho chính công ty của mình thuê lại. Ông cũng sử dụng chính cổ phiếu của công ty để thế chấp, vay tới hàng trăm triệu USD. Vị CEO và sáng lập của WeWork có ảnh hưởng quá lớn tới công ty này. The Verge nhận định trước khi Neumann từ chức rằng ông chính là một yếu tố rủi ro với WeWork.

Nhận xét về văn hóa quá tập trung vào nhà sáng lập của các startup, nhà báo Matt Levine của Bloomberg kết luận:

“Công ty giờ đây không phải là sự hợp tác giữa nhà sáng lập và nhà đầu tư, mà nó thuộc về nhà sáng lập. Những nhà đầu tư chỉ được thuê để cung cấp tiền, mong chờ được chia lợi nhuận và không có tiếng nói trong cách vận hành”.

Nhìn thấu vỏ bọc công nghệ của các startup

Lý do chính khiến WeWork tự thổi phồng giá trị của mình là họ luôn tự định vị như một công ty công nghệ. Vậy làm thế nào để xác định đâu là một công ty công nghệ, hay nói đúng hơn, các yếu tố nào cho phép họ kiếm lợi nhuận lớn như một công ty công nghệ?

Cách phân biệt dễ nhất, theo nhà phân tích Ben Thompson của Stratecherry, là nhìn nhận kỹ càng những giá trị mà công nghệ mang lại cho lĩnh vực kinh doanh của một startup. Ông Thompson cho rằng để được nhìn nhận là công ty công nghệ, các công ty cần phải có 5 đặc điểm: có hệ sinh thái xoay quanh công nghệ; chi phí biên bằng không; sản phẩm được nâng cấp, cải thiện theo thời gian; có thể mở rộng dễ dàng; và chi phí bán sản phẩm thấp. Đây là các tiêu chí được tổng hợp từ những doanh nghiệp phần mềm thành công nhất trong lịch sử.

Nhìn từ các tiêu chí này, rất nhiều doanh nghiệp không thể coi là công ty công nghệ, hoặc chỉ gần đạt được những yếu tố. Ví dụ Netflix đáp ứng được các tiêu chí về chi phí, sản phẩm và khả năng mở rộng, nhưng không có hệ sinh thái. Airbnb đáp ứng được hầu hết tiêu chí, nhưng chi phí biên của họ không hề nhỏ. Điều tương tự xảy ra với Uber.

Sau tất cả những hứa hẹn, WeWork chỉ là một công ty bất động sản với nền tảng công nghệ tốt. Ảnh: WeWork.

Trong trường hợp của WeWork, công ty này hầu như không đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào. Thực tế là mô hình kinh doanh của WeWork gặp rất nhiều giới hạn bởi các yếu tố như chi phí thuê nhà, số lượng địa điểm có thể thuê, và chi phí tư vấn, bán hàng cao. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản cũng chịu ảnh hưởng rất lớn nếu có khủng hoảng xảy ra.

Những sự việc tuần này đã cho thấy khẩu quyết của Facebook những ngày đầu không thể đảm bảo cho thành công lâu dài.

Wall Street Journal

“Tôi nghĩ phần lớn nhà đầu tư sẽ nhìn nhận WeWork như là một công ty bất động sản với nền tảng công nghệ tốt, nhưng về cơ bản vẫn là công ty bất động sản”, Meghan Morris, phóng viên tài chính của Business Insider, nhận định.

Khi không còn vỏ bọc công nghệ và buộc phải đối diện những nhà đầu tư với tình hình kinh doanh kém khả quan, việc giá trị của WeWork trở về con số thật là đương nhiên. Khi bong bóng đang lớn lên, nhiều nhà đầu tư có thể bị mờ mắt bởi yếu tố công nghệ. Nhưng khi quả bóng đã xì, câu chuyện của WeWork có thể kéo theo sự thận trọng của cả giới đầu tư.

“Những nhà đầu tư bỏ tiền mua tương lai, vậy hãy giúp họ vẽ ra tương lai. Bạn có thể làm điều đó với Pinterest, nhưng bó tay với WeWork, Uber hay Lyft”, nhà phân tích Rett Wallace của Triton Research bình luận.

Nhật Minh

Bình luận