Những cách tiêu tiền thông minh thời bão giá

Kiếm tiền là một chuyện không dễ nhưng để tiêu tiền một cách hợp lý là điều không phải bất kì ai có thể làm được. Có những người bỏ ra rất nhiều công sức kiếm từng đồng nhưng họ lại không biết cách sử dụng chúng khoa học, thậm chí là phung phí. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể học được cách quản lý và sử dụng tiền bạc của bản thân với những lợi ích tối đa? Hãy cùng GenK tìm hiểu những cách thức khá đơn giản và hữu dụng sau đây nhé.

1. Học cách tiết kiệm
Từ hồi còn bé, chắc hẳn, trong số những bạn đọc đã có người tự tiết kiệm những đồng năm trăm con hay một nghìn cho vào chú lợn đất hay ống tiết kiệm. Vậy tại sao bây giờ chúng ta không quay lại với thói quen đó. Dĩ nhiên việc này mọi người cho rằng chúng quá trẻ con, hơn nữa tiết kiệm như vậy quá ít ỏi, không bõ bèn gì. Nhưng đó chỉ là cách nhìn thiển cận nếu bạn chỉ suy nghĩ tới hướng đó. Bạn có thể bỏ ra 10,000 đồng mỗi ngày đựng vào hộp (nhớ là cất chúng đi đừng để lúc nào cũng đập vào mắt vì chúng ta có thể lấy cớ mua những đồ lặt vặt khi cần tiền lẻ).
Vậy bạn thử nghĩ 1 tháng, bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền? 300,000 đồng, một con số không lớn nhưng cũng không nhỏ, bạn có thể mua được món quà hay đồ ăn bất kì cho bản thân hoặc gia đình. Sau 1 tháng bạn nhận thấy rằng để tiết kiệm được 300,000 bạn phải luôn luôn nhớ là mình phải tiết kiệm 10,000 đồng mỗi ngày, không được tiêu pha, quyết tâm với ý chí tiết kiệm, và khoảng thời gian cần giữ khá dài. Qua đó, bạn tập được cho mình thói quen tiết kiệm, và số tiền tiết kiệm có thể tăng theo các con số 0 tùy vào thu nhập tài chính. Khi đến được một số tiền nhất định bạn có thể đi gửi ngân hàng, nhận lãi suất đề phòng những lúc trường hợp khẩn cấp. Cách này là những bước cơ bản ban đầu dành cho người không thể tiết kiệm và tiêu pha phung phí.
2. Phân bổ các khoản chi tiêu
Tác giả cuốn sách Secret of Millionare mind T. Harv Eker, đã đưa ra một phương pháp khá hữu ích về cách quản lý tiền bạc cá nhân gọi tắt là JARS. Các bạn có thể hiểu một cách đơn giản hóa như sau: Số tiền bạn nắm giữ sẽ được phân bố theo 6 loại tài khoản với tỉ lệ phần trăm tương ứng thích hợp.
· Tài khoản chi tiêu cần thiết (Necessities NEC)
Tài khoản chi tiêu cần thiết bao gồm những khoản mục như ăn uống hàng ngày, mua sắm vật dụng những thứ thiết yếu cho cuộc sống thường nhật của bản thân cũng như gia đình. Với độ tuổi chưa xây dựng gia đình thì khoản chi tiêu này bạn không nên dành số tiền quá lớn, chỉ khi bạn lập gia đình hoặc ra sống tự lập thì hãy cân nhắc khoản chi tiêu này kĩ lưỡng. Chọn lựa những thứ cần mua không phung phí, nhu cầu mua nên thích ứng với khả năng tài chính của bạn. Theo số liệu thống kê, khoảng 55% tiền bạc được phân bổ vào tài khoản này.
· Tài khoản tiết kiệm dành cho tương lai (Long term saving for spending account LTSS)
Khi còn đang đi học hoặc chưa xây dựng gia đình, số đông thường phụ thuộc vào nguồn vốn tiêu tiền được cấp từ bố mẹ. Một số bạn có công việc làm thêm, nhà có điều kiện khó khăn thì sẽ chú trọng đến khoản tiết kiệm trong chi tiêu hơn. Nhưng dù là ở đối tượng nào thì chúng ta nên học cách tiết kiệm và dành phân bổ tiền bạc của cá nhân vào tài khoản này vì chúng thực sự cần thiết. Bạn không thể đảm bảo được bạn sẽ kiếm được tiền ổn định cho đến cuối đời, có những lúc xảy ra tình huống cấp bách những tài khoản tiết kiệm này chính là vị cứu tinh hữu ích nhất. Ngoài ra, một điều quan trọng hơn cả là thông qua cách tiết kiệm bạn đã tạo cho mình được định hướng vào một mục đích nhất định, đặt được chỉ tiêu và đích đến để bản thân cố gắng hoàn thành.
· Tài khoản giáo dục (Education account EDU)
Tài khoản này không đơn thuần là phục vụ việc đến trường như từ cấp 1 cho đến đại học. Mà nó bao gồm những những tài khoản giáo dục để bạn mở rộng kiến thức cũng như phát triển kĩ năng của bản thân thông qua học hỏi. Thay vì mua một món đồ xa xỉ, hay tiệc tùng thái quá, bạn nên dành những khoản tiền có ích để thu thập them kiến thức từ xã hội để hoàn thiện chính mình một cách tốt hơn. Đó là chính là một trong những cách tiêu tiền thông minh và mang lại lợi ích cao.
· Tài khoản tự do tài chính (Financial Freedom Account FTA)
Hiểu một cách đơn giản tài khoản tự do tài chính là số tiền bạn có thể sự dụng với nhiều mục đích khác nhau như mở cửa hàng kinh doanh với bạn bè, mua cổ phiếu , trái phiếu gọi chung là đầu tư. Với những người không quan tâm đến lĩnh vực tài chính nhiều thì họ sẽ bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm nhiều hơn. Còn những ai là dân kinh doanh thì luôn cố gắng tăng khoản đầu tư vì đó là một trong những phương thức bỏ tiền ra để thu lãi nhiều hơn số vốn ban đầu. Bạn có thể định khoảng tiền thích hợp cho tài khoản này
Tài khoản hưởng thụ (Play)

Con người cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi thoải mái để thoát khỏi áp lực nặng nề của công việc. Bạn nên dành cho mình một số tiền nhất định cho khoản này, miễn sao không nên quá phung phí và phù hợp với khả năng tài chính của bản thân. Không nên vì cuộc chơi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến các tài khoản đã định sẵn cho các việc khác như chi tiêu hàng ngày, giáo dục hay tiết kiệm.
· Tài khoản từ thiện ( Give)
Tài khoản này có thể có hoặc không có phụ thuộc vào năng lực tài chính, đạo đức và lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Tuy nhiên, từ thiện là một việc tốt, nếu bản thân có khả năng giúp đỡ người khác thì các bạn nên làm, dù đó là số tiền nhỏ nhưng sẽ là niềm hạnh phúc lớn của người khác, khi làm việc tốt bản thân sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
3. Nỗ lực của bản thân
Với những kế hoạch đã định sẵn hoặc vạch ra bạn phải cố gắng hết sức để có thể hoàn thành chúng. Nếu như chỉ nói xuông mà không làm thì mục địch bạn hướng tới sẽ không còn ý nghĩa nữa. Vì vậy, hãy cố gắng, bước đầu có thể khó khăng nhưng khi đạt được rồi bản thân sẽ trưởng thành lên rất nhiều
Lời kết: Qua bài viết này, tác giả mong rằng sẽ gửi đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích giúp mọi người hoàn thiện cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn.
Theo icvtnews
Bình luận