Nghị định 72 sẽ xử nghiêm các trang tin mạo danh

 Lợi dụng Internet để giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm theo nghị định mới của Chính phủ về quản lý Internet.

Đây là một trong những điểm mới trong Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ ban hành ngày 15/7 vừa qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2013.

Nghị định 72 Chính phủ, quản lý nội dung internet, cung cấp thông tin, xuyên biên giới, trang tin giả mạo
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng tại buổi họp báo giới thiệu nội dung của Nghị định 72 của Chính phủ về về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Tại cuộc họp báo giới thiệu nội dung Nghị định 72, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, mục đích của nghị định là tạo hành lang pháp luật một cách công khai, minh bạch để Internet Việt Nam tiếp tục phát triển.

“Việc xác định khung pháp lý rõ ràng công khai minh bạch theo đúng Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển hạ tầng Viễn thông và Internet tại Việt Nam”, Thứ trưởng Thắng khẳng định.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Nghị định 72 cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các loại hình thông tin mới bên cạnh các phương thức truyền thống, phù hợp với sự phát triển của thực tế phát triển Internet tại Việt Nam.

Về vấn đề xử lý các trang tin mạo danh tổ chức, cá nhân và phát tán các thông tin sai lệch, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, đây là công việc cần sự kết hợp và nỗ lực của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng như và cả cộng đồng chứ không đơn thuần là xử lý hành chính hay chặn bằng các biện pháp kỹ thuật một cách đơn thuần.

“Để đấu tranh các thông tin sai lệch, vi phạm pháp luật thì một trong những biện pháp quan trọng đó là sự nỗ lực của cộng đồng cơ quan truyền thông cũng như ý thức của chính bản thân những người sử dụng để định hướng, chọn lọc các thông tin đúng và lành mạnh trên Internet”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.

Thứ trưởng Thắng cũng nhận định, nhiều trang web có nội dung xuyên tạc có nguồn gốc từ nước ngoài. Do vậy, việc xử lý, ngăn chặn các trang tin loại này ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết, hiện tại Bộ TT&TT đang xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong cả 2 lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và CNTT và Báo chí xuất bản và thông tin điện tử.

Theo kế hoạch ban soạn thảo sẽ trình Chính phủ trong thời gian sắp tới. “Đây là sẽ là căn cứ pháp lý để xử phạt các vi phạm liên quan tới cung cấp các nội dung thông tin trên internet”, Thứ trưởng Thắng cho hay.

Thách thức trong quản lý thông tin xuyên biên giới

Một trong những nội dung điểm mới quan trọng của Nghị định 72 là quy định về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Điều 22, chương III của Nghị định có nêu rõ: “Các tổ chức, cá nhân,  khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng hoặc truy cập từ Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan”.

Quy định này được cho là sẽ lấp được “lỗ hổng” trong các quy định cũ khi rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như mạng xã hội Facebook, công cụ tìm kiếm Google có lượng người sử dụng rất lớn và chiếm thị phần lớn về quảng cáo lại không bị pháp luật quản lý cũng như không có đóng góp về thuế tại Việt Nam.

Trả lời những thắc mắc liên quan tới quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Nghị định 72 mới đề ra nguyên tắc chung nhất.

Hiện tại, chính phủ đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục xây dựng thông tư hướng dẫn các nội dung cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới.

Dự thảo thông tư sẽ sớm được hoàn thành và sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp cũng đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thắng, về nguyên tắc thông tư sẽ tuân thủ nghị định, Luật Viễn thông, các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia.

“Quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới là một thử thách rất lớn đòi hỏi cần sự nỗ lực không chỉ của mỗi nước mà còn cả cộng đồng các nước, hoạt động trong các tổ chức liên chính phủ”, Thứ trưởng Thắng nói.

Theo Vietnamnet

Bình luận