Ngành bán lẻ Việt Nam mất sức hấp dẫn

Thị trường bán lẻ Việt Nam tuột xuống vị trí thứ 32 theo công bố “chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012” của công ty tư vấn A.T.Kearney (Mỹ). Đây là lần tụt hạng thứ ba liên tiếp, từ vị trí thứ nhất năm 2008, xuống thứ sáu năm 2009, thứ 14 năm 2010 và thứ 23 năm 2011.

Doanh thu bình quân của hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam chỉ đạt khoảng 5.518 USD/m2/năm.

CôngThương – Bốn tiêu chí mà A.T.Kearney dựa vào để đánh giá, chủ yếu là đứng trên góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, gồm: rủi ro quốc gia; độ hấp dẫn của thị trường; độ bão hoà của thị trường; và áp lực thời gian (đo bởi tốc độ tăng trưởng hàng năm).

Do Việt Nam đã không còn nằm trong danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong báo cáo thường niên của A.T. Kearney về chỉ số GRDI, nên trong báo cáo năm 2012 của A.T. Kearney, thị trường bán lẻ Việt Nam đã không còn được nhắc đến. Còn trong báo cáo năm ngoái, công ty này cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô 113 tỉ đôla vào 2012 với dân số gần 90 triệu người. Nhưng hệ thống phân phối yếu kém, giá mặt bằng đắt đỏ là lý do Việt Nam bị đánh giá kém hấp dẫn hơn trước đây.

Ngoài chỉ số GRDI, các nguồn dữ liệu khác cũng chỉ ra ngành bán lẻ Việt Nam đang mất dần sức hấp dẫn.

Ông Phạm Thành Công, đại điện Nielsen Việt Nam đưa ra bốn lý do khiến Việt Nam tụt hạng dần các năm qua là: thủ tục cấp giấy phép còn nhiêu khê, khó tìm mặt bằng, chất lượng chuỗi cung ứng kém, chất lượng nguồn nhân lực còn ở mức sơ khai.

Theo một số chuyên gia, rào cản kỹ thuật theo quy định về “thẩm tra nhu cầu kinh tế” (ENT) thì nhà đầu tư nước ngoài sau khi mở siêu thị đầu tiên tại Việt Nam sẽ khó mở thêm điểm bán mới. Điều này khiến họ không hài lòng và được thể hiện vào bảng trả lời khảo sát của A.T. Kearney.

Tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ cũng bớt nóng so với 3 – 4 năm trước. Cụ thể, năm 2011, thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng thực tế chỉ khoảng 5%, con số rất khiêm tốn so với hơn 20% của các năm trước. Theo tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2012, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 6,6%.

Bên cạnh đó, doanh thu tính trên mỗi mét vuông cửa hàng của ngành bán lẻ ở Việt Nam vốn đã thấp, lại không mấy cải thiện sau mỗi năm. Số liệu từ công bố top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Retail Asia công bố năm 2010 cho thấy, doanh thu của hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam chỉ đạt khoảng 5.518 USD/m2/năm (trước đó một năm là 5.550 USD/m2/năm) so với Thái Lan là 6.283 USD/m2/năm, Singapore là 9.025 USD/m2/năm, Đài Loan là 6.797 USD/m2/năm.

Tốc độ tăng trưởng kênh bán lẻ hiện đại cũng chỉ cao ở các thành phố lớn (chiếm 43% tại TP.HCM), còn tính bình quân cả nước mới chỉ 20%/tổng doanh thu bán lẻ toàn thị trường. Số lượng siêu thị thành lập mới năm năm sau khi gia nhập WTO (2007 – 2011) so với giai đoạn 2002 – 2006 chỉ tăng hơn 20%.

Đáng chú ý, các rào cản về môi trường đầu tư và kinh doanh chưa được cải thiện nhiều. Báo cáo “môi trường kinh doanh 2012” của ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tụt 8 bậc, xuống vị trí thứ 98 trong tổng số 183 nước được xếp hạng, do thất bại trong việc cải thiện hệ thống điện, cải cách thủ tục hành chính.

Theo tinmoi

Bình luận