Ngành Bán lẻ Việt Nam đã khó, nay càng khó hơn

Sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển thương mại trong nước tại Quyết định số 27/2007/QĐ – TTg ngày 15/02/2007. Cùng với đó, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam ra đời, ngành Bán lẻ Việt Nam có nhiều khởi sắc rõ nét. Bên cạnh những chợ truyền là hệ thống siêu thị có mặt trên hầu hết các tỉnh , thành trong cả nước. Tuy vậy, ngành vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước…
Thiếu chiến lược và quy hoạch đồng bộ
Với sự phát triển của các loại hình bán lẻ văn minh, hiện đại đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ nước ta cũng như góp phần làm thay đổi dần thói quen mua sắm, tiêu dùng của một bộ phận dân cư, nhất là dân cư thành thị. Không những vậy, nó còn góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ước tính chung, thị phần các loại hình bán lẻ hiện đại trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm khoảng 20% (gấp đôi thời điểm trước khi gia nhập WTO) và đang có xu hướng tăng, đóng góp từ 13 – 15% vào GDP của cả nước, giải quyết việc làm cho gần 6 triệu lao động. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng gặp không ít những khó khăn. Những khó khăn này đã được Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam giãi bày với Bộ Công Thương trong cuộc họp  vừa qua.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà bán lẻ cho rằng: Đóng góp của các nhà bán lẻ Việt Nam cho sự phát triển của đất nước là không nhỏ, thế nhưng ngành vẫn còn nhiều hạn chế, thị trường manh mún, nhỏ lẻ, sức mua còn thấp. Hiện nay chúng ta chưa có chiến lược dài hạn để phát triển ngành, năng lực tài chính của các nhà bán lẻ còn thấp, thực trạng cơ sở hạ tầng của ngành bán lẻ ở Việt Nam còn quá kém.

Bà Loan dự báo, chúng ta mới chỉ đang gia nhập WTO mà đã gặp rất nhiều khó khăn như vậy, trong thời gian tới có khả năng Việt Nam còn mở cửa tham gia nhiều tổ chức tương tự như WTO nữa, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào nước ta ngày càng nhiều hơn, do đó càng khó khăn hơn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị mọi điều kiện, tìm cách nâng cao sức cạnh tranh của mình mới mong để đương đầu với những khó khăn thử thách đó.

Bà Loan kiến nghị: Nhà nước khi đưa ra chính sách pháp luật liên quan đến ngành bán lẻ Việt Nam cần phải đưa ra những chính sách được thực hiện trong cuộc sống cộng đồng doanh nghiệp các nhà bán lẻ Việt Nam. Trong quy hoạch, phải có sự quy hoạch đồng bộ, cân đối giữa các siêu thị, không thể nơi có, nơi không như trước. Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển lâu dài, bền vững, cần phải hiện đại hoá ngành Bán lẻ Việt Nam. Để làm được điều đó phải chuyển dịch nhà bán lẻ từ quy mô, cấu trúc truyền thống lên hiện đại hoá thực sự bằng cách tập trung phát triển xây dựng để có những nhà bán lẻ lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà – Chủ tịch Saigon Co.op cho rằng: Khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước cộng thêm việc vay vốn từ các ngân hàng ngày một khó khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh. Saigon Co.op cũng mong muốn bắt tay liên kết với các công ty khác để có những trung tâm lớn nhưng nội lực của các doanh nghiệp quá yếu, không đủ sức làm đa dạng hoá các siêu thị cùng một lúc nên “lực bất tòng tâm” đành ngậm ngùi nhìn các doanh nghiệp nước ngoài lấn sân. Hiện các doanh nghiệp bán lẻ không có khả năng can thiệp vào giá cả một số mặt hàng như thuốc, sữa, thức ăn gia súc nên khiến thị trường các mặt hàng này không được ổn định.

Một bất cập khác được ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch Hapro nêu ra, đó là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng các siêu thị hiện nay. Điển hình như TP. Hồ Chí Minh, có khu vực thì có quá nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm, có khu vực thì rất thưa thớt hoặc không có. Do đó, các doanh nghiệp phải cạnh tranh rất gắt gao hàng hóa tiêu thụ chậm. Thêm vào đó, khi doanh nghiệp về các tỉnh để mở siêu thị thì bị chính quyền địa phương một số nơi gây khó khăn bằng cách đưa ra các thủ tục quản lý của Nhà nước, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư lại sẵn sàng chào đón. Do vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước cần phải quy hoạch sao cho hợp lý vị trí đặt các siêu thị, quy định rõ ràng các siêu thị phải cách nhau bao nhiêu mét. Và đặc biệt trong quy hoạch nên ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa vào những nơi có các dự án có quy mô nhỏ và vừa, còn hướng các nhà đầu tư nước ngoài vào những quy mô lớn để vừa sức đầu tư và tạo sự cạnh tranh bình đẳng.

Bà Vũ Thị Hậu – Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) thì đưa ra ý kiến, các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính nên có thể đàm phán với các nhà cung cấp về giá để cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh đó, họ có nhiều chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, những chương trình khuyến mãi, quảng cáo của họ rất hoành tráng, còn doanh nghiệp trong nước thì hạn chế về mặt này. Do vậy, Nhà nước cũng cần quan tâm tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và quảng cáo, tăng cường thêm vốn cho các hoạt động xúc tiến thương mại.

Các doanh nghiệp bán lẻ cần phải nỗ lực hơn
Trước những ý kiến của các doanh nghiệp bán lẻ được đưa ra tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu các đề xuất và sẽ có biện pháp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Sự hỗ trợ có thể là về đào tạo, hỗ trợ pháp lý đào tạo nâng cao năng lực quản lý và kĩ năng bán hàng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các phương pháp quản lý hiện đại… Trong công tác xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các cấp, chính quyền các địa phương đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng Việt tới các khu công nghiệp cũng như địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi, quy mô phù hợp với từng loại hình phân phối hàng hoá khác nhau; Ưu tiên các địa điểm thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước; Quy hoạch, xây dựng các phần mềm quản lý miễn phí cho doanh nghiệp; Hỗ trợ ưu đãi về tiền thuê mặt bằng, tạo điều kiện giải quyết nhanh về các thủ tục có liên quan đến công trình; Nghiên cứu để cơ chế ưu đãi trong vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, vay vốn lưu động, nhất là phục vụ công tác bình ổn thị trường, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân; Hoàn thiện chính sách, luật pháp về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối; Trước mắt, sẽ khẩn trương nghiên cứu và cụ thể hoá ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) để tránh tình trạng thiếu minh bạch, thiếu nhất quán giữa các cấp ở Trung ương và địa phương cũng như giữa các địa phương với nhau về các quyết định có liên quan đến cấp phép hoạt động phân phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh để có thể “bơi trong bể WTO”, các nhà bán lẻ cần phải tự khắc phục những yếu kém trong quản lý, đào tạo nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh và nỗ lực hơn nữa để bắt kịp với nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cả nước. Bên cạnh sự cố gắng của các doanh nghiệp, rất cần có sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vững vàng vượt qua được những khó khăn trong thời buổi hiện nay.

Theo internet

Bình luận