Ngành bán lẻ Việt Nam: Đừng là “hải đội thuyền thúng” ra khơi

Con đường từ bán lẻ cổ xưa đến một ngành công nghiệp bán lẻ tại Việt Nam đang được các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện thực hóa.

Đóng góp lớn cho GDP và thu hút lao động

Vào thời điểm Việt Nam gia nhập WTO đã có các nhận định trái chiều, lo sợ về khả năng sụp đổ kênh phân phối bán lẻ truyền thống cũng như hiện đại (chỉ mới được phát triển trong thời gian quá ngắn). Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại việc mở cửa thị trường bán lẻ cho các các tập đoàn phân phối đa quốc gia  với thế mạnh tài chính, công nghệ và mạng lưới sẽ đẩy hoạt động kinh doanh bán lẻ trên cả nước đi vào bước ngoặt mới của cuộc cạnh tranh.

Ngành bán lẻ có đóng góp quan trọng trong GDP và thu hút lao động

Thực tế, theo nhận định của TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch thường trực, tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, sau 5 năm gia nhập WTO, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thụ động mà đang từng bước thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những thống kê đã chứng minh sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam. Mặc dù “miếng bánh” GDP càng ngày càng phình to theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nhưng tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế ở Việt Nam (năm 2005 là 13,32% thì đến năm 2010 đã tăng lên 14,43%).

Số lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ nhiều thứ 3, chỉ sau ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 5,5 triệu người trong hơn 49 triệu lao động trong cả nước, nói cách khác cứ 9 lao động thì có một lao động làm việc trong ngành bán buôn, bán lẻ.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, bán lẻ luôn giữ tỷ lệ áp đảo với hơn 79% so với các phân ngành khác như dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm khoảng 11% và dịch vụ du lịch chiếm gần 10% theo số liệu năm 2010.

Bán lẻ hiện đại tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam với gần 640 siêu thị và 100 trung tâm mua sắm. Kênh bán lẻ truyền thống chuyển mình, thay đổi về chất dưới áp lực cạnh tranh. Đến cuối năm 2010, Việt Nam có gần 8.600 chợ các loại.

Thị trường còn rất nhiều khoảng trống

Theo quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của tổng mức  bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước (theo giá thực tế) tăng bình quân 19 – 20% trong giai đoạn 2011 và 20 – 21%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, thông thường với 100.000 người dân sẽ có trung tâm thương mại lớn; 10.000 người dân sẽ có một siêu thị và 1.000 người dân trên 1-3 cửa hàng tiện lợi. Dựa trên các số liệu thống kê trên, tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng bán rẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn còn xa mới đáp ứng nhu cầu.

“Thị trường vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, bà Loan nhận định.

Các động lực của ngành bán lẻ Việt Nam đó là dân số tương đối trẻ với ảnh hưởng của internet, truyền hình, du lịch, v.v… làm tăng nhu cầu mua sắm, nhất là phân khúc khách hàng có lối sống hiện đại, đặc biệt ưa thích các sản phẩm công nghệ cao.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa và phong cách sống công nghiệp sẽ làm tăng nhu cầu tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Internet, mạng xã hội và điện thoại di động là cơ hội mới cho ngành bán lẻ của Việt Nam trong tương lai.

Người tiêu dùng Việt Nam thời hiện đại không chỉ quan tâm đến giá cả hợp lý mà còn có nhu cầu cao về độ tươi mới của sản phẩm, hoạt động khuyến mãi, an toàn, phục vụ thân thiện và chu đáo.

Thách thức lớn của ngành bán lẻ ở nước ta là sự chuyển dịch ngành phân phối – bán lẻ từ quy mô, khái niệm, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người  tiêu dùng, đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế về những thách thức của ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện đại hóa ngành bán lẻ không hề đơn giản. Theo TS Loan, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tham khảo kinh nghiệm của các nhà bán lẻ quốc tế, các Hiệp hội đồng nghiệp trên thế giới (Hiệp hội bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…).

Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam ra khơi đừng là “hải đội thuyền thúng”, phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ nhắn nhủ với các thành viên của mình.

Theo dantri

Bình luận