Ngành bán lẻ Việt Nam: Đổi mới để đứng vững trên sân nhà

Mặc dù còn tồn tại nhiều khó khăn nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là đa dạng về tiềm năng với triển vọng lâu dài…

Vào thời điểm Việt Nam gia nhập WTO đã có các nhận định trái chiều, lo sợ về khả năng sụp đổ kênh phân phối bán lẻ truyền thống cũng như hiện đại. Nhưng sau 5 năm gia nhập WTO, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thụ động mà đang từng bước thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Số lao động trong ngành bán lẻ ngày một tăng. Ảnh: internet

Thực tế  những năm vừa qua đã chứng minh được sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam. Trong khi các nước trên thế giới có mức tăng trưởng âm thì ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam vẫn vượt qua suy thoái với nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2011 đạt hơn 2.000 nghìn tỷ đồng (khoảng 90 tỷ USD), tăng 24,2% so với năm 2010. Mức tăng sau khi loại trừ yếu tố tăng giá đạt 4,7%. Các doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng hệ thống bán lẻ, tăng chất lượng dịch vụ với nhiều loại hình phong phú, như các nhóm siêu thị tổng hợp, nhóm chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, mạng lưới phân phối/bán lẻ của các nhà sản xuất, đặc biệt là mạng lưới chợ truyền thống.

Số lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ nhiều thứ 3, chỉ sau ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 5,5 triệu người trong hơn 49 triệu lao động trong cả nước, nói cách khác cứ 9 lao động thì có một lao động làm việc trong ngành bán buôn, bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM cho biết: Sau mở cửa các tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ có cơ hội thuận lợi để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn này đều có tiềm lực lớn về kinh tế nên dễ dàng chiếm ưu thế về tìm kiếm mặt bằng, thêm vào đó là kinh nghiệm lâu năm về bán lẻ và lợi thế toàn cầu đã tạo thành một áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, với ưu thế là am hiểu thị trường và thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam và niềm tin với người tiêu dùng về uy tín thương hiệu nên chúng tôi tin là mình sẽ tiếp tục có những bước khởi sắc và phát triển hơn khi hội nhập.

Tuy nhiên, thách thức lớn của ngành bán lẻ ở nước ta hiện nay là sự chuyển dịch ngành phân phối – bán lẻ từ quy mô, khái niệm, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng, đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế về những thách thức của ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ Việt Nam còn phân tán, manh mún, hiệu quả thấp; đan xen lẫn lộn; quy mô thị trường nhỏ và sức mua yếu; thị trường chủ yếu là bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% trên cả nước (TP.HCM 40 – 42% và Hà Nội 13%); doanh nghiệp bán lẻ yếu về nhiều mặt (tính chuyên nghiệp, chiến lược dài hạn, năng lực tài chính và logistics); mức độ cạnh tranh thấp.

Mặc dù còn tồn tại nhiều khó khăn nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là đa dạng về tiềm năng với triển vọng lâu dài của thị trường có dân số trẻ và đang lớn mạnh, tốc độ đô thị hóa cao và vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước (theo giá thực tế) tăng bình quân 19 – 20% trong giai đoạn 2011 và 20 – 21%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, thông thường với 100.000 người dân sẽ có trung tâm thương mại lớn; 10.000 người dân sẽ có một siêu thị và 1.000 người dân trên 1-3 cửa hàng tiện lợi. Dựa trên các số liệu thống kê trên, tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn còn xa mới đáp ứng nhu cầu.

Các động lực của ngành bán lẻ Việt Nam đó là dân số tương đối trẻ với ảnh hưởng của internet, truyền hình, du lịch … làm tăng nhu cầu mua sắm, nhất là phân khúc khách hàng có lối sống hiện đại, đặc biệt ưa thích các sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa và phong cách sống công nghiệp sẽ làm tăng nhu cầu tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Internet, mạng xã hội và điện thoại di động là cơ hội mới cho ngành bán lẻ của Việt Nam trong tương lai.

Theo dự báo của công ty cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu RNCOS, tổng doanh thu ngành bán lẻ sẽ đạt 85 tỷ USD vào năm 2012. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đang phát triển về nhiều mặt: số lượng, cơ cấu, mạng lưới, nhân lực…

Các chuyên gia cho rằng phát triển ngành phân phối – bán lẻ hiện đại với hiệu suất cao là con đường duy nhất để tiến đến một nền kinh tế phát triển. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng khẳng định luôn sẵn sàng cho mở cửa, hội nhập và cạnh tranh bình đẳng trong môi trường bán lẻ đa dạng, nhiều thay đổi và biến động cũng như nâng tầm của Việt Nam trên bản đồ thế giới về dịch vụ bán lẻ.

Theo internet

Bình luận