Ngân hàng có cần triển khai ERP?

Chưa có nhiều ngân hàng và các công ty tài chính Việt Nam ứng dụng hệ thống ERP mà chỉ tập trung triển khai phần mềm lõi của ngành. Phải chăng ERP không thích hợp với ngành này?

Đã từ lâu, các ngân hàng (NH) rất coi trọng việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình. Hầu hết các phần mềm (PM) lõi tác nghiệp (Core Banking) đều đã sớm được ứng dụng từ những năm 90 và liên tục được nâng cấp. Gần đây, việc ứng dụng PM quản lý (QL) nội bộ chỉ bắt đầu được áp dụng tại một vài NH quốc doanh và NH thương mại lớn như BIDV, VCB, ICB, MSB. Nhưng đáng nói là hầu hết các PM QL nội bộ này mới chỉ dừng ở việc QL các tác nghiệp liên quan tới kế toán, tài sản cố định, nhân sự, tiền lương. Đó là hiện tại, còn tương lai, liệu ERP có nên và cần thiết đặt ra với các NH?

Ngân hàng là một doanh nghiệp đặc thù

Nói đến NH là nói đến các hoạt động liên quan đến tiền như tiền gửi, tiền vay, lãi suất, chuyển tiền… Người ta thường nhắc đến các tác nghiệp chính của NH mà quên rằng, bản thân NH cũng có những giao dịch thông thường QL công nợ phải thu, các khoản phải trả, QL tài sản cố định, QL chi phí… Ngoài ra, NH còn có rất nhiều các lĩnh vực kinh doanh khác như dịch vụ cho thuê tài chính (leasing), dịch vụ kinh doanh chứng khoán hay kinh doanh bảo hiểm, bất động sản…

Như vậy, NH cần được nhìn nhận như một doanh nghiệp (DN) đặc thù với lĩnh vực kinh doanh chính là NH. Cũng như tất cả các DN khác, các NH đều có nhu cầu đánh giá được hiệu quả hoạt động của mình, cũng như trả lời được các câu hỏi: mảng kinh doanh nào hiện đang cho hiệu quả lớn nhất, hệ thống khách hàng có được kiểm soát chặt chẽ và tối ưu hóa trong việc khai thác sử dụng dịch vụ…

Mô hình ERP cho “doanh nghiệp” NH

Từ cách nhìn NH là một DN, ta có thể thấy việc thỏa mãn các nhu cầu QL của NH không quá xa lạ với mô hình ứng dụng ERP. Với hệ thống ERP, các thông tin tác nghiệp của NH sẽ được tổng hợp, chế biến giúp cho các nhà QL, lãnh đạo của NH điều hành tốt hơn, có các quyết định chính xác hơn. Có thể hình dung mô hình ứng dụng ERP trong NH qua hình 1.

Theo mô hình này, hệ thống ERP cho NH sẽ chia các mảng ứng dụng theo các loại hình hoạt động và kinh doanh khác nhau của NH như: kinh doanh NH, ứng dụng nội bộ, QL thuê mua tài chính, QL chứng khoán, QL nợ và khai thác tài sản, QL bất động sản… Từ đó, các số liệu sẽ được tổng hợp và tập trung tại một lõi, mà bản chất là một hệ thống sổ cái tổng hợp (general ledger). Từ hệ thống sổ cái này, NH có thể khai thác số liệu qua hệ thống báo cáo tác nghiệp, báo cáo QL, các báo cáo phải nộp cho NH Nhà Nước và các báo cáo phục vụ lãnh đạo.

Bên cạnh đó, NH vẫn cần các hệ thống ERP mở rộng khác như QL quan hệ khách hàng (CRM), phân tích và đánh giá hiệu năng hoạt động thông qua QL rủi ro (Risk Management), QL quan hệ nhà cung cấp (SRM), QL giá (FTP)…

Mô hình ứng dụng ERP trong ngân hàng

 

Nên bắt đầu từ đâu

Lời khuyên của chuyên gia là các NH nên bắt đầu từ việc ứng dụng QL các tác nghiệp nội bộ, bao gồm: tài chính kế toán nội bộ, QL tài sản cố định, QL mua sắm, QL nhân sự – lương, QL kho (dành cho các tài sản thế chấp). Việc ứng dụng này nên được áp dụng cho tất cả các đơn vị thành viên, bao gồm mảng NH, chứng khoán, QL thuê mua tài chính, QL nợ và khai thác tài sản… Đi kèm với nó là bộ giao tiếp với các hệ thống tác nghiệp lõi (Core Banking, Core Security, Core Leasing…) Với việc triển khai đồng bộ này, NH không những sẽ giải quyết ngay nhu cầu trước mắt của các phòng tác nghiệp nói trên, giảm tải các chức năng thừa tại các PM lõi mà còn tạo ra bức tranh tổng thể cho hệ thống báo cáo quản trị phục vụ lãnh đạo cấp cao.

Chú ý về đóng sổ cuối ngày và đồng bộ dữ liệu

Đặc thù của NH là thực hiện việc đóng sổ vào cuối ngày. Như vậy, cả hệ thống ứng dụng QL NH (core banking) và hệ thống ứng dụng ERP sẽ đóng sổ vào cuối ngày và đồng bộ dữ liệu sang hệ thống sổ cái. Vấn đề ở đây là việc lựa chọn sổ cái của hệ thống nào làm cơ sở dữ liệu chính. Trước đây, nhiều NH đã coi hệ thống ứng dụng QL NH là hệ thống chính, và họ lựa chọn sổ cái của hệ thống ứng dụng QL NH làm hệ thống sổ cái trung tâm. Điều đó đồng nghĩa với việc các ứng dụng ERP khác sẽ tiến hành kết chuyển số liệu sang sổ cái của hệ thống Core Banking. Tuy nhiên, điều này là đi ngược với cách nhìn của QL NH hiện đại. Các tác nghiệp NH chỉ là một loại hình hoạt động kinh doanh của NH thôi, và nó không đại diện 100% cho các hoạt động của NH. Chính vì vậy, việc lựa chọn sổ cái của hệ thống ERP làm trung tâm sẽ giúp cho việc tổng hợp số liệu từ các ngành nghề hoạt động kinh doanh của NH được dễ dàng, thuận tiện và chính xác hơn.

Được biết, trong giai đoạn 2 dự án hiện đại hóa NH do World Bank tài trợ, một số NH đã quyết định sẽ dành một phần vốn cho việc ứng dụng ERP. Với thông tin này có thể thấy ERP đang dần được các NH quan tâm. Tuy nhiên, từ quan tâm tới việc triển khai và nghiệm thu thành công là một quãng đường rất dài, trong khi bản thân NH là ngành chịu áp lực cạnh tranh cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Điều này cũng làm hạn chế phần nào quyết tâm của các NH trước các hệ thống ứng dụng lớn, phức tạp như ERP. Nhưng ngược lại, cũng chính sức ép cạnh tranh sẽ đẩy các NH phải đối diện trước quyết định hoặc là đi trước một bước với ERP, hoặc là thụt lùi.

Mô hình tích hợp các phân hệ ERP cho QL nội bộ và các hoạt động khác của NH

 

Theo pcworld

Bình luận