“Ngại” dùng văn bản điện tử vì… sợ lộ thông tin

Van ban dien tu.jpg
Nhiều ý kiến đề xuất nâng tầm Chỉ thị 34 lên Thông tư để bắt buộc các cơ quan Nhà nước phải ứng dụng thư điện tử và trao đổi văn bản điện tử trên diện rộng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lo ngại nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin đang là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều cơ quan Nhà nước chưa triển khai rộng việc trao đổi văn bản điện tử và sử dụng thư điện tử.

Có thể mất an toàn, an ninh

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, 24/9/2013, nhiều Bộ, ngành, địa phương cùng chung mối lo ngại về việc mất an toàn an ninh thông tin khi triển khai ứng dụng thư điện tử và trao đổi văn bản điện tử.

Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành về CNTT-TT, ông Phạm Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT cho biết: các Bộ, ngành, địa phương đều đã trang bị phần mềm diệt virus cho máy tính, các thiết bị tường lửa, hệ thống lưu trữ dữ liệu, thiết bị bảo mật và chặn lọc thư rác chuyên dụng. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin còn nhiều khó khăn như kinh phí đầu tư còn thấp so với nhu cầu; các hệ thống an toàn, an ninh thông tin chủ yếu được cài đặt riêng lẻ, chưa được triển khai đồng bộ; khả năng phòng chống virus, bảo mật chưa cao. Hiện mới có khoảng 68% Bộ, ngành và 25% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ứng dụng hoặc triển khai thí điểm chữ ký số tại một số đơn vị của mình.

Ở góc độ đơn vị triển khai ứng dụng thư điện tử và trao đổi văn bản điện tử cấp Bộ, ngành, ông Hoàng Văn Sơn – Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Tài nguyên & Môi trường thừa nhận: Dù đã triển khai áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, chống virus và mã độc cho các hệ thống thông tin và các máy tính cá nhân có kết nối mạng Internet nhưng hiện vẫn còn những tồn tại như cán bộ, nhân viên chưa tuân thủ triệt để các quy định về an toàn, an ninh, bảo mật thông tin cũng như quy chế sử dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị và các quy định có liên quan khác. Do thói quen nên vẫn còn nhiều cán bộ sử dụng một số địa chỉ thư điện tử miễn phí (có thể tạo lỗ hổng, cổng hậu để tin tặc tấn công hệ thống thông tin của Bộ, ngành – PV).

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ chia sẻ tâm lý lo ngại lộ thông tin khi sử dụng hệ thống phần mềm trao đổi văn bản điện tử. “Ngay ở Bộ Nội vụ, triển khai cũng rất khó khăn. Ngành này rất lo ngại vấn đề an ninh, lọt thông tin ra ngoài khi trao đổi trên mạng những văn bản liên quan đến hồ sơ hoặc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức. Mỗi hồ sơ của cán bộ, công chức đều là thông tin mật nên rất lo ngại khi đưa hồ sơ này lên mạng. Để tăng cường an toàn bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp vài trăm USB token chứa chữ ký số chuyên dụng nhưng cán bộ của Bộ Nội vụ ngại sử dụng vì đây là vật mang tin mật, nếu đút vào túi quần chẳng may rơi thì rất phức tạp”, ông Bình nói.

Ngay cả ở cấp Bộ, ngành vẫn còn nhiều bất cập về đảm bảo an toàn an ninh thông tin thì cũng dễ hiểu khi bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho rằng: “Vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình khai thác các ứng dụng CNTT nói chung và khai thác sử dụng hệ thống thư điện tử, văn bản điện tử ở Hà Nội còn hạn chế nhất định, cần được tập trung quan tâm chỉ đạo trong giai đoạn tới”.

Phải đẩy mạnh ứng dụng để cải cách hành chính

Ghi nhận những lo ngại trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết: Trước thách thức gia tăng về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng, ngày 16/9/2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về “Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng”, trong đó nêu rất rõ thực trạng cũng như yêu cầu cụ thể đối với các cấp Bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan Nhà nước trong thời gian tới phải tiếp tục tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, tăng cường sử dụng thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản điều hành để nâng cao năng suất hiệu quả quản lý điều hành, góp phần cải cách hành chính ngày càng tốt hơn nhằm quản lý xã hội tốt hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, nâng cao hiệu quả bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh trật tự.

Mặt khác, phải ưu tiên bảo đảm kinh phí nguồn lực duy trì các hệ thống thư điện tử và quản lý văn bản điện tử hiện hành; nên mua thiết bị hiện đại chất lượng tốt sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với điều hành truyền thống hoặc những thiết bị chất lượng thấp.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý để tạo điều kiện trao đổi văn bản điện tử tốt nhất; nâng cấp tính pháp lý của các văn bản để nâng cao vai trò trách nhiệm trong quá trình thực hiện; đưa việc sử dụng văn bản điện tử trở thành một yêu cầu bắt buộc và là một tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện ứng dụng thư điện tử và trao đổi văn bản điện tử tại các cơ quan, đơn vị.

“Sau Hội nghị hôm nay, Bộ TT&TT sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các chỉ thị của các Bộ ngành, địa phương, trong đó cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phươn nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai các chỉ thị trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết thêm.

Theo ICTnews

Bình luận