Mất nhãn hiệu tại nước ngoài: bài học không của riêng ai

Mua lại thương hiệu của… chính mình

Khi một doanh nghiệp phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả, hoặc mất quyền xuất khẩu vào một thị trường nước ngoài thì doanh nghiệp mới biết được là  họ đã bị xâm phạm nhãn hiệu. Cũng chính từ đây, họ phải vất vả để giành lại được thương hiệu do chính mình xây dựng.

Nổi bật là công ty Bkav, sau gần 20 năm cung cấp phần mềm diệt virus tại Việt Nam, đã phải bỏ tiền túi 2 tỉ đồng để đàm phán trong vòng 2 năm mới có thể mua lại chính tên miền của mình năm 2012, trong khi năm 2011, để có thể mua được tên miền bkav.com (chưa ai đăng ký) chỉ với 200.000đ

mua-lai-thuong-hieu-cua-chinh-minh
Café Chồn Legendee Coffee đang có nguy cơ bị chặn đường xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Trước đó, café Trung Nguyên cũng gần như bị mất nhãn hiệu ở thị trường Nhật năm 2001 với lí do đối tác (tập đoàn Sanki) đã đăng ký nhãn hiệu này 4 – 5 tháng trước đó. Cuối cùng Trung Nguyên cũng lấy lại được thương hiệu của mình tuy nhiên phải chấp nhận hợp đồng cho phép Sanki độc quyền khai khác nhãn hiệu trong 20 năm tại thị trường Nhật dưới hình thức chuyển nhượng kinh doanh.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, phát biểu rằng: “đây chính là một thiệt thòi lớn đối với Trung Nguyên”. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là bài học đắt giá cuối cùng dành cho “ông chủ” lớn này, khi Café Trung Nguyên một lần nữa lại đang có nguy cơ bị chặn đường xuất khẩu cà phê thương hiệu Legendee Coffee tại Mỹ (café legendee – café Chồn) khi nhãn hiệu này đã được ông Alexander Nguyen đăng ký tại Mỹ.

Quay lại năm 1998, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre được sản xuất bởi Công ty TNHH SXKD Tổng Hợp Đông Á do bà Nguyễn Thị Tỏ (Hai Tỏ) điều hành đã bi làm giả tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam. Công ty gần như mất trắng tại thị trường Trung Quốc.

Sau khi điều tra, bà Hai Tỏ biết rằng Công ty TNHH Rừng Dừa đã đăng kí độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc được 8 tháng, 3 tháng nữa sẽ được cấp độc quyền. Quyết đòi lại nhãn hiệu và thị thường cho doanh nghiệp của mình, bà Hai Tỏ đã trình bày những thiệt hại kinh tế mà doanh nghiệp giả gây ra cho công ty của bà với Cục Quản lý hành chánh Công thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia Trung Quốc. Cuối cùng bà đã đòi lại thương hiệu của mình một cách thành công năm 1999.

Vì đâu nên nỗi…?

Trong sự việc thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Nhật ông Vũ chia sẻ với VnExpress: “không ngờ họ nhanh chân như vậy. Phần nào đó cũng có thể thông cảm cho họ vì họ không tin tưởng ở khả năng giữ chữ tín của các doanh nhân người Việt mình. Có lẽ họ sợ sau khi họ khai phá được thị trường, bên ta sẽ hất họ ra để được độc quyền khai thác”. Dễ thấy việc chậm chễ hay không coi nhãn hiệu là “tài sản quan trọng” của doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến việc mất thương hiệu của các doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài, bởi doanh nghiệp nào đăng kí trước thì sẽ được cấp nhãn hiệu trước.

Ông Nguyễn Thanh Bình, trưởng văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Hiện nay hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều không coi trọng việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Chính vì thế họ cũng không bố trí nhân sự để thực hiện việc này một cách bài bản. Tệ hơn, khi Cục mở các buổi hội thảo, lớp tập huấn miễn phí để hướng dẫn và đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp thì chỉ rất ít doanh nghiệp cử nhân viên tham gia, hoặc nhân viên tham gia lại không trực tiếp có nhiệm vụ làm việc này tại doanh nghiệp. Nguy hiểm hơn nữa, nhiều doanh nghiệp lại để mất công văn và giấy tờ liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu nên đã gây ra thiệt hại lớn”

Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng xuất phát một phần từ phía các Tổ chức tư vấn đăng ký quốc tế: thiếu cập nhật thông tin về các quy định hiện hành của các nước do các hạn chế về trình độ ngoại ngữ của cán bộ nhân viên tư vấn, hồ sơ đăng ký thì  không đáp ứng đủ điều kiện các ngôn ngữ theo yêu cầu riêng đối với các quốc gia không chấp nhận tiếng Pháp hoặc tiếng Anh…

Như vậy, để bảo vệ được thương hiệu của chính mình trên thị trường nước ngoài thì việc nâng cao tầm nhìn của cả doanh nghiệp và Tổ chức tư vấn đăng ký quốc tế là điều cần thiết, tránh xảy ra “mất bò mới lo làm chuồng” như một số doanh nghiệp vừa qua.

Theo ICtroi

Bình luận