Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: 2 nhược điểm cần sửa

Kỳ họp thứ 7 tới, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005, song đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau ở nhiều nội dung của dự thảo.

Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh năm 2005, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Quách Ngọc Tuấn, cho biết có ba mục tiêu như sau: Thứ nhất, cải cách thủ tục đầu tư theo hướng đơn giản, thuận lợi và minh bạch. Thứ hai, tăng cường cơ chế khuyến khích bảo hộ giám sát đầu tư để có môi trường thu hút, cạnh tranh nhà đầu tư. Thứ ba, bảo đảm nâng cao quản lý Nhà nước với hoạt động đầu tư.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được các doanh nghiệp nước ngoài coi là “bùa hộ mệnh”, nên nội dung trên giấy càng cụ thể càng tốt

Ngoài ra, dự thảo luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng đề xuất thay đổi mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp lựa chọn một trong hai mô hình hội đồng quản trị đang tồn tại phổ biến trên thế giới …

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được hình thành theo nguyên tắc: “Doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế”. Điều này đã có được nhận thức thống nhất từ cả Nhà nước và doanh nghiệp.

GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng, việc sửa đổi bổ sung hai luật này phải được đặt trong bối cảnh tốc độ nền kinh tế vẫn sụt giảm so với mức bình quân 7-7,5% đã đạt được và so với tiềm năng có thể khai thác, dù đã có dấu hiệu phục hồi.

Với hai luật này, vấn đề cốt lõi là “xử lý đúng đắn quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp”, và “phải tạo ra một số đột phá theo yêu cầu cải cách thể chế để khắc phục những khiếm khuyết hiện tại, tạo tiền đề phát triển kinh tế nhanh, bền vững hơn”.

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp phải xử lý đồng thời hai nhược điểm chủ yếu của Luật hiện hành. Thứ nhất, chưa tạo được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp được quyền tự chủ thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh, đầu tư. Thứ hai, nhiều kẽ hở về luật pháp, nên vừa không bảo vệ được hành vi kinh doanh chân chính, vừa bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động bất chính.

Từ góc nhìn đó, GS Mại đặt vấn đề: Phải bàn những vấn đề trên như thế nào để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh vừa bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Những nội dung sửa đổi chính được quan tâm nhiều tại Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” ngày 16/5 là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quy định ngành nghề trong giấy phép kinh doanh.

Về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư chỉ áp dụng đối với dự án và ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các dự án khác không cấp giấy này, trừ trường hợp nhà đầu tư đề nghị.

Việc sửa đổi này, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp không cho là tạo thuận lợi, vì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở pháp lý để làm các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư như cấp đất, xây dựng, môi trường…

Hơn nữa, trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của nhiều địa phương còn hạn chế, việc bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật Đầu tư áp dụng quy định về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như doanh nghiệp trong nước. Theo GS Mại, vấn đề này cần được cân nhắc và nên bắt buộc áp dụng từng bước các quy định: Cấp phép đầu tư – Đăng ký thành lập doanh nghiệp – Triển khai dự án.

Một vấn đề nữa đòi hỏi phải được bàn thảo để có cách tiếp cận sát với thực tế, đó là, bỏ quy định ngành nghề trong giấy phép kinh doanh, trừ những ngành kinh doanh có điều kiện.

GS.TSKH Nguyễn Mại:Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư lần này, chỉ phát huy tác dụng nếu đồng thời sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh theo hướng tạo hành lang pháp lý thông thoáng, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng sơ hở của pháp luật để làm ăn bất chính, cải cách nhanh và đồng bộ bộ máy công quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư và kinh doanh.

Phương án khả thi được Tổng cục Thống kê đưa ra được cho là “khả thi hơn cả”, đó là: Giữ lại việc đăng ký ngành nghề kinh doanh khi doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư theo Hệ thống ngành kinh doanh Việt Nam năm 2007.

Một vấn đề GS Mại cho là “cần lưu ý”. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ đã được cấp phép trong bối cảnh Việt Nam cần tăng chất lượng FDI, cần dành cho doanh nghiệp trong nước các dự án đầu tư và phạm vi kinh doanh mà họ có đủ năng lực thực hiện.

Không quy định minh bạch, công khai một số điều kiện thành lập doanh nghiệp FDI, áp dụng không ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh, không quy định vốn tối thiếu ngành/lĩnh vực, GS Mại quan ngại: Việt Nam sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp FDI có vốn kinh doanh dăm ba chục triệu đồng, dù “pháp luật không cấm”.

Từ kinh nghiệm làm ở nước ngoài, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG – ông Nguyễn Công Ái, cho biết, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được các doanh nghiệp nước ngoài coi là “bùa hộ mệnh”, nên nội dung trên giấy càng cụ thể càng tốt.

Việc không cấp giấy chứng nhận đầu tư hay không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài được ông Nguyễn Công Ái cảnh báo “có thể xuất hiện nhiều doanh nghiệp trên giấy”.

Theo ông Ái, các nhà đầu tư này không có đầu tư thực, chỉ đăng ký kinh doanh rồi bán lại giấy phép cho các doanh nghiệp khác. Đây sẽ là rủi ro lớn và không mang lại hiệu quả gì cho nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư Đặng Huy Đông, cho rằng: “Việc rà soát, đánh giá đầy đủ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường đầu tư. Ông Đông khẳng định: “Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu vào các dự thảo luật để trình Chính phủ và Quốc hội”.

Theo DNSG

Bình luận