Làm sao để ‘chém gió thành thần’?

Hãy nói thứ khán giả thấy vui và “xài được”.

Làm sao để chém gió thành thần?

Có những người thích rút ra bài học từ những sai lầm, lại có những người thích học hỏi bằng việc đúc kết sẵn thứ nên làm, những điều nên tránh. Hiểu được điều đó, tác giả Jeff Haden đến từ Blackbird Media đã giúp những người làm nghề diễn giả tổng kết lại chín kinh nghiệm không phải ai cũng đã biết để cả chính người nói lẫn bài diễn thuyết đều thật sự đi sâu vào khán giả.

1. Tự giới thiệu lại bản thân

Tại các buổi nói chuyện, diễn giả sẽ được MC giới thiệu, đó sẽ là những lời nói khiến khán giả hướng mắt lên sân khấu và chờ đợi câu chuyện.

Nhưng cho dù khán giả đã biết được đôi điều về người nói, anh ta vẫn nên đệm thêm vài lời thật ngắn gọn, xúc tích về bản thân, ví dụ như nền tảng nào đã làm nên con người hoàn hảo đứng trên khấu ngày hôm nay để cùng trò chuyện với khán giả.

Việc này giúp khán giả “tiêu hóa” dễ dàng hơn những điều diễn giả nói, vậy mà lại thường xuyên bị quên lãng.

2. Để lại thông tin liên hệ

Nhiều bài thuyết trình kết thúc bằng một slide hiện tên tuổi, link trang web cá nhân, Facebook, Twitter hay địa chỉ e-mail của diễn giả. Slide này thường chỉ được hiển thị trong… ba phần nghìn giây thế rồi máy chiếu tắt cái phụt. Khán giả chưa kịp sờ vào bút hay laptop thì thông tin diễn giả đã mất tiêu.

Vì thế, hãy đưa thông tin cá nhân của bạn vào ngay slide đầu và để một lúc. Nhiều diễn giả hay để tên tuổi, email ở dưới tất cả các slide, như thế hơi quá mức cần thiết. Jeff Haden chia sẻ: “Tôi hay mở màn và kết thúc bằng slide có ghi Twitter của mình và nhắc mọi người liên lạc qua đó”.

Lời khuyên: Nếu bạn là khán giả và biết rằng bài nói sắp kết thúc, hãy chuẩn bị sẵn smartphone và chụp lại slide cuối cùng để về sau ghi lại thông tin.

3. Kể chuyện có thật

Ai mà chẳng thích nghe kể chuyện. “Bài thuyết trình hay nhất tôi từng thấy chính ra lại chẳng giống bài thuyết trình chút nào, từ đầu chí cuối toàn là những mẩu chuyện trải nghiệm tuyệt vời của những con người có thật“, Jeff Haden chia sẻ. Đúng thế, khi cần giải thích một vấn đề gì đó với khán giả, hãy lồng nó vào một câu chuyện, một giai thoại hay một truyện cười. Câu chuyện ấy nếu là của chính bạn thì càng hay, và nếu pha thêm hài hước nữa thì càng tuyệt vời!

4. Làm vui khán giả

Nhiều diễn giả thường quên mất một điều rằng, xét về khía cạnh nào đó, cái nghề của các bạn là đem lại những giây phút giải trí cho khán giả. Người ta đang nghỉ xả hơi khỏi công việc, cuộc sống hay tạm lánh khỏi một vấn đề nào đó nên đã tắt laptop và hướng mắt lên sân khấu. Tại sao bạn lại không tưởng thưởng họ bằng một món quà thú vị, hài hước? Toàn bộ buổi nói chuyện đâu nhất thiết phải xoáy sâu hoàn toàn vào chủ đề chính, “đá” một chút ra ngoài lề cũng không sao, miễn là thú vị!

5. Căn chuẩn thời gian

Diễn thuyết cũng là lúc bạn đi vay mượn thời gian của khán giả. Họ đang đầu tư vào bạn, vào thời gian, hãy tôn trọng khoản đầu tư đó và đừng phung phí niềm tin của khán giả.

Nếu có 30 phút, bạn chỉ nên sử dụng 25 phút. Mục tiêu chính của bạn là mang lại giây phút giải trí, truyền tải thông tin, khiến khán giả thấy đáng đầu tư chứ không phải là “ngốn” triệt để từng phút để tràng giang đại hải. Nhờ đó, khán giả sẽ có cảm giác người nói đang tôn trọng khoản đầu tư của họ.

6. Nói những thứ “xài được”

“Tôi luôn cố gắng nghĩ ra một thứ gì đó thật cụ thể để truyền đạt cho khán giả để họ về áp dụng ngay vào công việc. Đó là bí quyết tôi học được từ một diễn giả khác, anh ta mang đến một câu chuyện vô cùng truyền cảm, nhưng giữa chừng anh ta lại ngắt và nói: “Nhưng, quý vị có thể áp dụng kinh nghiệm một cách dễ dàng vào ngay ngày mai bằng cách thực hiện những điều sau…” Và khán giả lục tục lấy sổ ra ghi chép“, Jeff Hadon kể lại.

Bạn thấy đấy, đánh thức cảm hứng cho khán giả là một hành động tuyệt vời và hiệu quả, nhưng nó sẽ hữu dụng hơn nếu bạn tặng cho người nghe một lời khuyên gì đó mà họ có thể áp dụng ngay tức khắc.

7. Cứ thoải mái nhắc lại

Diễn giả muốn đảm bảo khán giả đang chú ý đến những gì mình nói là điều hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, người ta chỉ “vào đầu” 30% những gì diễn giả nói, để rồi tự diễn giải theo quan điểm cá nhân. Có những thứ người nói cho là logic, hiển nhiên nhưng chưa chắc khán giả đã thấy hợp lý.

Thế nên, cứ thoải mái nhắc lại luận điểm của mình vài lượt! Giả sử bạn cần giải thích vấn đề A, cứ giải thích như bình thường rồi sau đó đưa ra hai ví dụ áp dụng trong công việc. Cuối giờ, hãy điểm lại những vấn đề trọng điểm và nhấn mạnh từng điều. Vậy là bạn đã giải thích vấn đề A bốn lần, thế là đủ.

8. Lưu lại ít nhất một điều trong đầu khán giả

Khán giả rất dễ rơi vào tình trạng “bội thực” thông tin. Khoan nghĩ rằng “À, tôi có nửa tiếng, vậy tôi phải nói cho bằng hết 30 phút đó”! Hầu như chẳng ai tiếp thu được nhiều thông tin như thế, chưa kể hôm đó bạn không phải diễn giả duy nhất được mời đến.

Hãy nghĩ rằng: Chỉ cần có 10% khán giả thực sự lắng nghe và ghi nhớ một đến hai điểm mà họ có thể vận dụng vào cuộc sống, thế là bạn đã thành công lắm rồi. Hãy nói những gì khán giả thấy dễ nhớ và có ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Muốn làm được điều đó, câu chuyện bạn kể phải thật xúc tích, rõ ràng.

9. Phá tan khoảng cách

Không cần biết khán giả đông cỡ nào, phải khiến cho tất cả có cảm giác như bạn đang nói chuyện riêng với từng người.

Jeff Hadon nói: “Khi được giới thiệu, tôi đứng nhìn khán giả lâu hết cỡ có thể chứ không chỉ trong vài giây vỏn vẹn. Tôi gắng giao tiếp qua ánh mắt với một số cá nhân, thi thoảng mỉm cười, vẫy tay với vài người. Hãy làm như vậy càng nhiều càng tốt!”

Trong hội trường lớn, khán giả chưa chắc đã biết chính xác diễn giả đang nhìn vào đâu. Nhưng nếu nhìn vào người ngồi chính giữa trong một nhóm 50 người, khán giả sẽ có cảm giác bạn đang nhìn vào từng người. Đưa mắt chậm rãi qua các nhóm, thi thoảng cười với vài người, nhiều người sẽ có cảm tưởng bạn đang nhìn thẳng vào họ.

Đúng là bạn đang nói chuyện với đám đông, nhưng thực tế, bạn đang phải nói chuyện với từng cá nhân. Điều này không chỉ giúp bạn thâu tóm toàn bộ hội trường mà còn luôn gắn kết với khán giả.

Tổng kết

Giới thiệu bản thân, kể lại trải nghiệm, làm vui khán giả, nói thứ “xài được”, phá tan khoảng cách, và đừng quên “nói ngắn là nói khôn”. Mục tiêu chính của bạn là kể một câu chuyện đánh thức niềm cảm hứng cho khán giả để rồi họ ghi nhớ và sẻ chia với người khác.

Theo Trithuctre

Bình luận