Làm gì khi đối tác “ra đi”?

Khi đối tác là người thân ra đi, để lại cho bạn toàn bộ công việc của một doanh nghiệp là một thời kỳ chuyển đổi rất lớn. Nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và sự nghiệp của chính bạn.

Cùng khởi nghiệp với một đối tác là người thân, là bạn luôn là một điều tốt. Điều thuận lợi là cả hai đều rất hiểu những điều mạnh, yếu của nhau để bổ sung. Mỗi người có thể đảm nhận một vai trò và trách nhiệm trong doanh nghiệp. Có rất sự nghiệp khổng lồ được xây dựng từ hai vợ chồng, hai người bạn thân…

Tuy nhiên, tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Khi quá hiểu nhau và giao hết trách nhiệm cho nhau thì cũng sẽ có những rủi ro khác khi một trong hai người ra đi hay không còn trong tổ chức bởi bất kỳ một lý do nào đó. Sự mất mát này là một quá trình chuyển đổi hoàn toàn không dễ dàng.

Guy Kawasaki một nhà tư vấn khởi nghiệp nổi tiếng của Mỹ, tác giả của cuốn sách “Nghệ thuật khởi nghiệp” đã có những lời khuyên cho các nhà quản lý khi gặp tình huống này với 4 bước quan trọng như sau:

Bạn không đủ thời gian và nghiệp vụ chuyên môn để xử lý từng tình huống phát sinh, vì thế hãy chia sẻ với đội ngũ nhân viên của mình

1. Thu thập các thông tin quan trọng

Thu thập càng nhanh càng tốt các thông tin quan trọng trong thời điểm này là ưu tiên hàng đầu. Điều này có thể giúp cho nhà quản lý còn lại kiểm soát được các tình huống khẩn cấp không mong đợi phát sinh. Các thông tin đó có thể là: Các hợp đồng của những khách hàng quan trọng nhất, thông tin về bảo hiểm tài sản công ty, thông tin về tài khoản ngân hàng, thông tin về tình hình tài chính hiện tạị. Thu thập và lập danh sách những cuộc gọi khẩn cấp khi cần. Những điều này có thể giúp bạn bình tĩnh vượt qua sự căng thằng trong thời điểm chuyển đổi này.

2. Tập trung kiểm soát tài chính

Trong quá trình cùng quản lý, các thông tin về tài chính có thể được thông báo cho nhau một cách thường xuyên. Tuy nhiên, trong trường hợp thay đổi xảy ra đột ngột, bạn – với vai trò là nhà quản lý còn lại phải tập trung ngay lập tức và thật chính xác tình hình tài chính. Điều quan trọng nhất là hiểu thật rõ tình hình lưu chuyển dòng tiền hiện tại của doanh nghiệp, tình hình tiền mặt… Bất cứ sự mơ hồ nào về lĩnh vực này đều có thể dẫn đến sự thất thoát tiềm năng trong tương lai.

3. Tin tưởng vào đội ngũ nhân viên của bạn

Đây không phải là lúc mà bạn phải tự quản lý chi tiết từng vấn đề của công ty, vì chắc chắn bạn không đủ thời gian và nghiệp vụ chuyên môn để xử lý từng tình huống phát sinh. Bạn đã mất rất nhiều thời gian tuyển dụng và đào tạo người tốt, đây là lúc bạn cần dựa vào họ. Nói chuyện một cách trung thực và rõ ràng với đội ngũ của bạn về kế hoạch tương lai, yêu cầu họ giúp đỡ và xử lý các tình huống phát sinh mà bạn chưa từng gặp. Bạn có thể giao cho họ những nhiệm vụ cao hơn hay khác những công việc hàng ngày, điều quan trọng là phải động viên họ vượt qua sự lo lắng và hoàn thành nhiệm vụ một cách tự tin. Thực hiện được điều này, bạn có thể cảm thấy chính mình đã tự chủ được tất cả các tình huống của công ty.

4. Hãy dành cho mình thời gian nghỉ ngơi

Chịu đựng sự ra đi của đối tác và một mình gánh lấy toàn bộ công việc là một áp lực rất lớn cho bất kỳ ai. Nhưng nếu cứ giữ chính bản thân mình luôn trong trạng thái căng thẳng sẽ khó lòng giải quyết công việc một cách hiệu quả. Kinh doanh không phải là tất cả của cuộc sống. Nhưng nếu bạn hy sinh toàn bộ cuộc sống cho công việc kinh doanh thì bạn có thể đánh mất cuộc sống lẫn phần lớn công việc kinh doanh của mình. Hãy ủy quyền những gì có thể cho đội ngũ của mình, dành cho chính bản thân những giây phút thư giãn để hồi phục và tiếp tục chiến đấu cho cả sự nghiệp kinh doanh và cuộc sống.

Theo DNSG

Bình luận